(GD&TĐ) - Bà là con riêng, mẹ mất vào năm bà 12 tuổi, bố cũng vứt bỏ gia đình. Bà đã trải qua 7 năm trời sống trong trại mồ côi của nhà thờ Thiên chúa giáo, cô đơn và lẻ loi đã làm bạn với bà.
Ghét mùi của... chính mình
Bước vào tuổi 20, bà từng làm nhân viên phục vụ tại cửa hàng dệt kim, từng là một ca sĩ trên sân khấu quán bar, từng là một nhân viên tiếp thị của công ty du lịch.
Mặc dù rất gian khổ và mệt mỏi, nhưng bà không bao giờ bị đè bẹp bởi vất vả của cuộc sống. Nhưng, điều khiến bà lấy làm chán nản, đó là mỗi ngày đi làm, trên mình luôn có mùi kiềm, điều này khiến bà ghét cay ghét đắng, đó là mùi của phụ nữ, bà muốn thay đổi nó, xua tan mùi này bằng nước hoa.
Năm 1920 thời mà bà sinh sống, nước hoa mà phụ nữ thường sử dụng chỉ pha bằng một số ít loại mùi hoa mà mọi người quen thuộc. Nhưng bà cho rằng, đây không phải là điều mình mong muốn, bà muốn làm một loại nước hoa cá tính bằng mùi thơm không phải của các loại hoa.
Bà một mình đến Grasse – "Thành phố nước hoa" sản xuất nhiều hoa hồng, nhưng bà lại bị từ chối sau khi trình bày một cách say mê ý tưởng của mình với thợ làm nước hoa đầu tiên. "Tôi không làm nước hoa không có mùi thơm của hoa". "Vì sao"? "Bởi vì không có một phụ nữ nào không hy vọng mình đẹp như hoa, dù không có dáng vẻ đẹp như hoa cũng cần có mùi thơm của hoa".
Một cửa hàng, hai cửa hàng, ba cửa hàng, bốn cửa hàng... Bà chạy quanh thành phố, đều nhận được sự trả lời là "tôi không làm nước hoa không có mùi thơm của hoa".
Cho dù không lay chuyển ý tưởng của mình, nhưng thất bại vẫn khiến tâm trạng của bà nặng trĩu. Chính trong lúc này, người bạn đã giới thiệu cho bà một thợ pha nước hoa bậc thầy – Ernest. Khi nghe thấy bà muốn mời mình phát triển nước hoa tổng hợp, trong lòng Ernest vẫn có chút do dự, nhưng không bao lâu Ernest phát hiện bà rất kiên quyết, dám sáng tạo.
Bà nói với Ernest rằng, "Ngửi ra mùi hoa thiên nhiên trên người phụ nữ lại không tự nhiên, đây là một mâu thuẫn. Có lẽ mùi thơm tự nhiên nên là mùi thơm tổng hợp nhân tạo". Ernest đã động lòng.
Đơn pha nước hoa mà bà lựa chọn phối hợp rất hoàn hảo, khiến Ernest rất khâm phục, nhưng ông lại lo ngại, lúc đó, đơn pha nước hoa này ít nhất bao gồm 80 loại thành phần, giá cả nước hoa tổng hợp này tất nhiên cũng không rẻ.
Không bao lâu sau, lọ nước hoa khác người này khiến tài sản cá nhân của bà đã tăng lên 15 triệu USD.
60 năm sau, giá bán một auxơ nước hoa của bà trên thị trường quốc tế lên tới 170 USD và được tôn vinh là một trong 10 loại nước hoa đắt nhất thế giới, được coi là "vàng chảy", đồng thời trở thành biểu tượng của Pari, Pháp như Tháp Eiffel.
Coco Chanel |
Chữ C kép hoàn mỹ
Bà là Coco Chanel, "Nữ hoàng thời trang" kinh điển. Pi-cát-xô tôn vinh bà là "Phụ nữ lịch thiệp nhất châu Âu", Tạp chí "Thời đại" bình chọn bà là một trong 100 người có ảnh hưởng lớn nhất thế kỷ XX. Hiện nay, không những nước hoa Chanel số 5 của bà nổi tiếng thế giới, trang phục, đồ trang sức, châu báu, đồ da của bà cũng trở thành kinh điển, còn tiêu chí "C" kép thì tượng trưng cho sự kết hợp hoàn mỹ của truyền thống và đổi mới trong giới thời trang.
Có người từng hỏi bà, nước hoa của bà vì sao có thể giành được thành tích khiến mọi người ngạc nhiên như vây? Bà nói, "Bởi vì nó có mùi thơm độc đáo, phụ nữ không phải là hoa, mỗi phụ nữ đều cần có mùi thơm của mình. Tôi nâng ý tưởng về nước hoa đi trước 1/4 thế kỷ. Vì sao? Vì tôi biết làm thế nào để thể hiện sự gợi cảm của phái đẹp". Mỗi phụ nữ đều có thể tìm thấy một mùi thơm đó thích hợp với mình trong thế giới nước hoa của bà. Cho nên bà đã thành công.
Tìm thấy mùi thơm của mình, kiên trì đến cùng thì sẽ cách sự thành công không xa. Đời người cũng vậy.
Phi Dương (Theo Weibo)