(GD&TĐ) - Điện, nước…là mỗi lo lắng nhất hiện nay của các cư dân Cồn Cỏ. Cồn Cỏ không có điện, nước nên sinh hoạt khó khăn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân cơ bản, chủ yếu để số dân trên đảo khó thể “cầm cự” và mưu sinh trên đảo. Đêm xuống, các cô giáo trên đảo lo lắng tìm chiếc nước cho khách, dẫu chỉ một xô thôi, cũng...không có. Nhà khách UB không hề có điện nước. Các nơi khác cũng vậy. Nếu thực phẩm ở đây khan hiếm thì khan hiếm bao nhiêu, thì nước ngọt khan hiếm bấy nhiêu. Tuy nhiên, điện nước cũng không phải là mối lo duy nhất...
Cô và cháu của trường Mần mon Hoa Phong Ba |
1- Nỗi lo điện nước:
Đêm xuống, từ 23 giờ trở đi, bốn bề mịt mù. Chúng tôi mang đèn pin đi tìm nước ở khắp nơi, nhưng cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu. Cũng rất may, anh em trong Chi cục thuế vui vẻ mời các nhà báo sang nghỉ tạm bên Chi cục-vừa là nơi làm việc, vừa có nhà công vụ. Tuy nhiên, nước và điện thì không phải lo lắng. Khi chúng tôi đang ngồi nói chuyện cùng anh em Chi cục thuế và các chiến sĩ biên phòng thì bỗng nhiên đèn tắt. Ở Cồn Cỏ, từng cơ quan đều có máy nổ, để phục vụ cho sinh hoạt và công việc trên đảo. Sáng, điện bằng máy phát bắt đầu có từ 6-10 giờ. Từ 17h đến 23h là khoảng thời gian có điện cuối cùng trong ngày.Biết trước điều ấy sẽ sảy ra nên anh Luân và anh Hải ở Chi cục thuế đã cho nổ máy phát điện. Chi cục thuế cũng là nơi “xông xênh” nhất trong vấn đề điện nước. Họ có mấy chiếc tec nước , mỗi chiếc 2 khối nước. Đây là nguồn nước được hứng từ giếng trời-những cơn mưa trong hè. Máy nổ chạy bằng dầu đi-ê-zen, một tiếng hết 6 lít. Khi nhà khách của Ủy ban nhân dân Huyện đảo hết sạch nước và điện cũng không có, thì anh em ở Chi cục thuế vẫn sáng đèn và nước nôi tương đối thoải mái. Khách có nhu cầu, anh em có thể cho máy nổ vài tiếng đồng hồ để sinh hoạt và vào Internet xem tin tức.
Bốn bề tối đen, khi bóng đêm ở Cồn Cỏ ập xuống. Vì vậy, giờ ngủ-chúng tôi nói đùa rằng, nhất loạt mọi người ở Cồn Cỏ đều ngủ lúc 23 h. Quy lát như quân đội vậy. Nếu lo xa, mỗi người có thể dùng đèn xạc pin, phòng khi dùng đến. Nhất là giông tố, mưa gió-còn chủ động với các vị khách không mời mà đến, như côn trùng và rắn lục-theo thói quen, tản bộ ven đường rồi, tiện thể “thăm nhà” của họ.
Mang xăng từ đất liền vào |
Với anh em nam giới, nước thiếu đã thành một lẽ, nhưng với chị em phụ nữ, đó là nỗi khổ. Một khối nước ở đây bơm từ giếng lên, mất 340 ngàn đồng. Một mét khối nước mua có giá là 80 ngàn. Tuy vậy, có tiền đôi khi cũng không mua được. Chủ yếu là nước mưa, nước đọng trong giếng, chứ không có nước ngầm. Vì vậy, giấc mơ đủ nước sinh hoạt luôn ở trong tiềm thức mỗi người nơi đây. Ông Lê Quang Lanh cho biết, để chạy mấy tiếng máy nổ một ngày cho sinh hoạt và chạy máy bơm nước, nhà nước đã bù lỗ mấy trăm triệu đồng/ năm.
Nhà khách có dịch vụ cho khách đến công tác tại đảo, với giá chỉ 50 ngàn đồng/ ngày đêm. Tuy nhiên, điện nước cũng không có. Thành ra khách đến, tự tìm tiếp chỗ tá túc, miễn sao ở đó có điện nước và có sắn tấm lòng rộng mở, như Chi cục thuế vậy. Ông hy vọng, vốn ODA mới giải quyết được vấn đề điện nước muôn thuở ở đây.
Bao giờ Cồn Cỏ có điện, nước? Khi chúng tôi hỏi, ông Lanh trầm ngâm vì chính điều đó ông cũng đang băn khoăn. Cồn Cỏ không thể là nơi hấp dẫn cho cư dân với chính sách thu hút được, cũng không thể trở thành đảo du lịch được nếu như điện nước đang là khó khăn không thể giải quyết sớm. Nếu đầu tư cho đảo, mất hàng triệu đô la, còn nếu đầu tư bể chứa nước quy mô phải mất từ 30-40 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chiến dịch chống xói lở bờ biển và hoàn thiện đề án cho du lịch cũng mất số tiền không nhỏ. Đặc biệt, xây dựng đề án cho đảo du lịch, theo ông Lanh, phải mất từ 1 đến 2 ngàn tỷ đồng.
Đã khan hiếm, nước dùng cho xây dựng những công trình trên đảo cũng khan hiếm theo. Vì không thể xây bằng nước mặn. Bởi vậy, một công trình ở đảo xây dựng, sẽ đắt đỏ hơn rất nhiều lần một công trình xây dựng trên đất liền. Đấy là chưa kể đến công vận chuyển xi măng, gạch ngói, vôi cát từ đất liền ra đảo. Dự kiến, đến 2020, Cồn Cỏ cần đến 1.700 đến 2000 tỷ đồng cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng. Hiện nay, các công trình xây dựng trụ sở, như Công an…cũng đang xúc tiến, cơ sở hạ tầng như đường giao thông, nâng cấp gia thông, nâng cấp kè chắn, cầu cảng…đang được triển khai, vì vậy Cồn Cỏ như một công trường ngổn ngang với tiếng máy nổ, vôi vữa bề bộn.
2- Khó trăm bề:
Mới thành lập nên Cồn Cỏ còn thiếu những cơ quan hành chính như: Bệnh viện, Viện kiểm sát, Tòa án, Chợ, Ngân hàng... Hiện nay các công trình xây dựng cho một số cơ quan chức năng như: Công an, dự kiến 8 tỷ đồng; Trung tâm y tế: 18 tỷ đồng; Trung tâm tìm kiếm cứu nạn: 70 tỷ đồng... Ông lanh cho biết, trong 5 năm qua, Huyện đã được chi khoảng 200 tỷ đồng cho việc đầu tư trên đảo. Bộ máy chính quyền ở Cồn Cỏ cũng được tinh giản hơn bất kỳ nơi nào trong toàn quốc. 5 năm nay, Bí thư Lê Quang Lanh kiêm Bí thư Huyện đảo. Việc nhất thể hóa về chức danh khiến cho công việc của ông tuy “gọn” và rất nhiều việc. Đặc biệt, ở Huyện đảo, không có đủ 14 phòng chức năng như ở trên đất liền. Chỉ có 5 phòng công vụ. Đảo không có phòng giáo dục, mà chỉ có phòng kinh tế-xã hội. Vì vậy việc điều hành và thực hiện công việc quản lý đôi khi cũng lúng túng.
Năm 2007, trường Mầm non Hoa Phong Ba ra đời, với 11 cháu. Các cháu là con của thế hệ xung phong ra đảo từ năm 2005. Đã có 27 thanh niên xung phong ra đảo từ năm 2005. Nhưng vì điều kiện sinh hoạt khó khăn, một số đã vào bờ sinh sống. Chỉ còn 11 người ở lại, làm việc trong các khối hành chính của Huyện đảo,hoặc làm dịch vụ, nấu ăn cho các doanh nghiệp trên đảo. Hai cô giáo là Hoàng Thị Thắm và Hoàng Thị Hiếu, tuổi mới ngoài đôi mươi, đảm nhiệm việc nuôi dạy các cháu, trong ngôi trường khang trang, lộng gió đại dương. Điều kiện để giảng dạy cho các cháu tương đối tốt. Các cô đã tự làm trang thiết bị dạy và học, say mê nghề và yêu thương các cháu, khiến cho ngôi trường sớm chiều vang lên tiếng cười tiếng hát của con trẻ. Tất cả các cháu lớp lớp mầm, lớp lá...đều học chung nhau tại ngôi trường này. Tuy nhiên, ở đảo chưa có trường Tiểu học, cho nên các cháu đến tuổi tiểu học , đều vào đất liền. Hiện nay còn 6 cháu trên đảo. Quan điểm của chủ tịch Huyện đảo là : có 1 học sinh cũng mở lớp. Trong tương lai, khi dân số của đảo lên tới 1500, sẽ có các cấp trường được mở tại đây. Đặc biệt, sẽ có lớp nội trú. Các cô được biên chế ngay khi tình nguyện công tác tại Huyện đảo với tất cả chính sách thu hút ưu tiên mà Nhà nước ban hành.
Sở GD&ĐT Quảng Trị cũng rất quan tâm đến việc phát triển các cấp khối trường lớp trên đảo. Tuy nhiên, thực trạng khó khăn về kinh tế và điều kiện sinh hoạt như hiện nay, sẽ rất khó có sự phát triển dân sinh nói riêng và học sinh trên đảo nói riêng.
cảnh sắc đẹp như mơ... |
3- Đầm ấm tình người:
Làm sao để cư dân sinh sống trên đảo mà không cảm thấy xa lạ với đất liền? Ông Lanh cho biết: Mới thành lập, đảo đã quan tâm xây dựng các cơ sở đáp ứng đời sống vật chất và tinh thần. Hiện nay, đảo có nhà văn hóa, với các cuộc thi của quân và dân hàng năm rất sôi nổi. Và cũng tham gia thi đấu ở đất liền, như bóng đá, văn nghệ...Tuy chưa có cơ sở y tế, nhưng ai ốm đau ( lẽ dĩ nhiên là ốm đau ở mức nhẹ) đều phải nhờ đến trạm y tế quân y trên đảo. Lẽ dĩ nhiên, đối với các bệnh nan y đều phải vào đất liền điều trị. Cách đây mấy năm, một chiến sĩ đau ruột thừa trong đêm, nếu không được mổ gấp, sẽ nguy hiểm đến tính mạng, Ban chỉ huy đã liên lạc và được với cấp trên cho một chuyến trực thăng chở chiến sĩ ra đất liền mổ gấp. Và chiến sĩ ấy đã được cứu sống.
Năm ngoái, có 1 cán bộ trong Chi cục Thuế mẹ mất, anh em đã thuê một chiếc tàu vào đất liền để anh kịp nhìn thấy mẹ trước khi mai táng. Một chuyến tàu ra đất liền khoảng từ 3-5 triệu đồng, với 5 thuyền viên và và thuyền trưởng chạy trong 2 tiếng đồng hồ.
Chăn nuôi bò trên đảo |
Có những giá trị không thể tính được bằng tiền. Đó là việc làm tình nghĩa, không phải ở đâu cũng có được.
Đặc biệt, khi có khách, hầu như là khách chung của tất cả mọi người. Đảo nhỏ, đến nỗi ông Lanh thuộc tên từng cháu mẫu giáo trong lớp mầm non, thì việc có “người lạ” xuất hiện trên đảo được coi như một sự kiện. Chưa ở đâu, tình người lại thân thiết, chan hòa như ở Cồn Cỏ. Đảo có 2 tàu công vụ chuyên chở cán bộ ra đảo và vào đất liền. Quân và dân no đói, vui buồn bên nhau...Họ cùng chia sẻ nỗi niềm và những ước mơ nơi đảo xa để khoảng cách đến với đất liền ngắn lại.
Còn những trăn trở, với mưu sinh... Nhưng ai đã đến Cồn Cỏ, chắc không quên được khi ban mai, giữa hương rừng bát ngát, thấy cảnh quân và dân cùng thể dục chạy quanh đảo 5 km. Hoàng hôn cùng ra ngắm biển. Tối đến tập trung ra mấy quán sát biển hát ka-ra-ô-kê cho biển đỡ vắng; rồi khi có khách, cùng nhau hỏi han, niềm nở với sự thịnh tình...
Cồn Cỏ, khi ấy, không chỉ là huyền thoại của những yếu tố tâm linh. Mà còn là huyền thoại thân thương của đời thường và những cuộc đời gắn bó với đảo...
Chu Thị Thơm
(Kỳ 4: Nỗi niềm Cồn Cỏ )