Huyền thoại Cồn Cỏ (Kỳ 3)

Huyền thoại Cồn Cỏ (Kỳ 3)

Kỳ 2: Chuyện lạ ở Cồn Cỏ

Kỳ 3: Sản vật Cồn Cỏ  

(GD&TĐ) - Dân số huyện đảo Cồn Cỏ hiện nay khoảng 400 người. Trong tương lai, đảo sẽ là nơi sinh sống của 1500 cư dân, với đầy đủ các cơ quan hành chính, quân sự, tòa án, tiểu thương…Hòn đảo đẹp như mơ này có thể hút khách tham quan, nhưng để giữ chân du khách và giữ chân cư dân bám đảo quả là không dễ dàng. Nguồn thức ăn, đặc biệt là thực phẩm tươi -đôi khi lại là vấn đề lớn đối với nhiều người ở Cồn Cỏ. 

Tuy nhiên, trong khó khăn, các cư dân trên đảo đã tìm thấy nguồn vui trong cuộc sống, mưu sinh qua giông tố, biển cả… 

Bí đỏ Cồn Cỏ
Bí đỏ Cồn Cỏ

1-Bắt cá nhẩy trong đêm:

Đêm Cồn Cỏ, cô giáo Trần Thị Hiếu (dạy trường Mầm non Phong Ba) chuẩn bị 4 chiếc đèn pin rủ chúng tôi ra biển bắt cá nhẩy để cái thiện bữa ăn. Chợ búa không có, thức ăn trông chờ ở đất liền mang vào, nên rất đắt. Nếu mua cá, cũng không dễ dàng gì. Vì vậy, các cô giáo và cán bộ công chức ở đảo thường mang đèn ra biển bắt cá đêm. Cô Hiếu phát cho mỗi người một chiếc gang tay len, và nói: “Nếu không mang gang tay, ngạnh của cá sẽ đâm chảy máu...”.

Chiếc xe công vụ của đảo, trong đêm lại đưa chúng tôi ra biển, ra gần bến Nghè. Khoảng gần 9 giờ đêm, mặt biển xanh đen, thăm thẳm. Xa xa thấp thoáng ánh đèn le lói của những chiếc tàu đánh cá của ngư dân. Chiếc đèn hải đăng liên tục lia ánh đèn quay ngang biển, làm tín hiệu cho những con tàu nhận biết. Bến Nghè trong đêm hoang lạnh, chỉ có những con sóng vỗ vào bờ. Đại dương càng bí ẩn và đáng sợ hơn bởi sự mênh mông và tối đen của mình. Bầu trời ít sao, chỉ có thể nhận biết biển qua tiếng sóng và làn nước mênh mông đen ngòm bởi ánh sáng của những chiếc đèn pin sạc.

u
Cô Hoàng Thị Hiếu bắt đầu cho việc bắt cá đêm

Cá nhẩy, còn gọi là cá bống biển, to bằng đầu ngón tay cái, buổi tối chúng ra lèn đá, im lìm ở hốc đá hoặc dưới đá. Loài cá này hễ thấy ánh sáng thì nằm im, không động đậy. Chỉ cần khéo léo một chút, khum tay che chắn về phía con cá sẽ nhẩy đến đón hướng rồi bất thình lình ụp tay xuống, cá sẽ bị tóm ngay. Cô Hiếu tiết lộ: món cá này nấu canh chua và nấu cháo thì rất ngon. Tuy nhiên, xương cá cứng, phải ăn và nhằn cẩn thận nếu không rất dễ hóc.

Chúng tôi, người thì cầm chiếc đèn chiếu sáng, người thì cầm túi bóng để nếu bắt được cá, thả vào túi. Phía xa, cô Hiếu chốc chốc lại bắt được cá, tất cả lại reo hò. Sóng đánh ngang chân. Vì vậy, nếu bắt cá, hay nhất là mặc quần đùi hoặc sóc lửng.

Tuy nhiên, không phải dễ “ngon ăn” khi bắt loài cá này. Trông chúng ngơ ngác, hiền lành và tỏ ra ngoan ngoãn, mất cảnh giác như thế, nhưng nếu tay bạn chỉ chạm vào nước, thậm chí trúng cá rồi, chú cá sẽ bất ngờ nhảy vút qua bạn ngay. Khi chúng tôi phát hiện ra ở dưới tảng đá nhỏ kia có một chú cá thân trắng nhạt đang thò chiếc đuôi ra, tất cả đều cũng nhau góp sức, be đá, dồn sỏi lại để bắt thì đúng lúc tưỏng như cá ở trong tay, thì hóa ra không phải. Trong tay tôi là một vốc cát. Chú cá đã di cư sang chỗ khác từ lúc nào. Hơn một tiếng, cũng có 6 chú cá bị chúng tôi bắt được, và mấy chú cua đá nhỏ cũng không may bị vạ lây, vì bắt cá, lại gặp cua. 

Tuy nhiên, nhìn chú cua nhỏ bé tội nghiệp, chúng tôi thả chú ra biển.

Kết thúc, cô Hiếu bắt được hơn chục con. Cô cho biết, bắt cá phải đi vài tiếng đồng hồ, chập tối đi, và sau 3-4 tiếng mới về. Có hôm, cô và cô Hương bắt được gần 1 kg. Bữa canh chua hôm ấy sẽ là bữa ăn thịnh soạn của các cô.

Và số cá bắt được đêm hôm ấy, cũng là món đãi khách của các cô giáo trước khi chúng tôi về đất liền.

Quà tặng của Biển
Quà tặng của Biển

Có lẽ, trong đời, chúng tôi có thể được biết đến các món sơn hào hải vị, nhưng món cháo cá nhảy thơm phức và ngọt ngào được nấu bởi chính tay các cô bắt cá dâng cho khách, sẽ không bao giờ chúng tôi quên được. Món cháo ngon bởi tấm lòng và công sức của thân gái dặm trường trong đêm. Đã bao đêm, các cô gập mình ở biển, giữa bao la đại dương đen ngòm, chỉ còn những con sóng và ánh sao làm bạn khi lo cho mình bữa ăn tươi?

Bỗng nhiên, tôi cảm thấy xót xa…Không bao giờ tôi quên hình cảnh cô giáo Mầm non nhỏ bé trẻ trung ướt từ đầu đến chân bởi sóng đánh khi bắt cá nhảy trong đêm ở bến Nghè.

2-Sản vật bí ngô:

Có lẽ ở Cồn Cỏ phù hợp nhất cho việc trồng bí ngô. Bí được trồng khắp nơi, quanh cơ quan, ven đường, ở vườn…Chỗ nào có đất thì chỗ ấy có bí. Đất ở đảo tốt đến nỗi, không cần phân gio gì, nhưng ngọn lên xanh mơn mởn, quả to đùng. Bí lăn lóc ở vườn, lính ta cứ đến bữa mang về làm canh. Có quả bí to nặng gần 10kg. Bí ở đây ít hạt, ruột đỏ, nấu canh rất ngon và ngọt. Không chỉ nấu canh, các cư dân trên đảo còn chế biến món chè ăn cho đỡ …ngán. Đây là thực phẩm tươi phòng trong những ngày giông bão, rau không mang từ đất liền ra đảo được. Đu đủ, bầu bí…được trồng trên khắp vườn, ven rừng và phơi quả trùng trục lăn lóc. Những loài cây này không cần nước tưới, nên được ưu tiên trồng khắp nơi trên đảo.

Đảo thiếu nước, tất cả trông chờ vào nước mưa. Giếng được đào trên đảo dù rất sâu nhưng vẫn thiếu trầm trọng. Nước là của hiếm, như điện vậy, chỉ dùng cho con người trong những sinh hoạt cần thiết nên rau cần nước không thể sinh trưởng tại nơi này.

Chắt chiu từng giọt nước
Chắt chiu từng giọt nước

Tuy nhiên, điệp khúc bí ngô và bí ngô thường xuyên lặp lại đối với bữa ăn của các cư dân trên đảo, cho nên đôi khi bí ngô thường vất vưởng… làm đẹp cho khu vườn. Khi chúng tôi đến thăm các chiến sĩ gác ở ngọn Hải đăng, hoặc các cán bộ ở Chi cục thuế …thì gặp bí ngô lăn lóc ở vườn và ở thềm. Các đơn vị, đoàn thể đều trồng bí ngô và tin rằng, loài rau quả ân nghĩa này sẽ gắn bó dài lâu, do đặc thù sinh trưởng, và do đã ăn quen… Nhiều người đã mang bí ngô vào đất liền làm quà cho người thân, vì vị ngọt đậm của bí ngô Cồn Cỏ hơn hẳn bí ngô được trồng ở đất liền. Có những quả bí ngô to đến nỗi, hai người mới nhấc được.

Với Cồn Cỏ, cũng như cá nhảy-bí đỏ là những sản vật quý, thân thiết mặc dầu về giá trị kinh tế, còn rất thấp so với những thực phẩm ở đất liền.

k
Thuyền vào đảo bán cá

Các hộ dân và các đơn vị bắt đầu chăn nuôi bò, dê, bên cạnh bầy lợn thả rông để làm thức ăn phục vụ cho cư dân trên đảo. Nhưng chưa nhiều. Trong thời gian tới, ông Lê Quang Lanh cho biết, sẽ thử nghiệm nuôi nhím. Nếu thành công, đảo sẽ phát triển loại hình kinh tế chăn nuôi toàn diện. Khi tôi hỏi, tại sao không nuôi ong, thì mọi người cho biết, ong không phù hợp với khí hậu trên đảo. Hình như hơi biển mặn, ong không thể phát triển và sinh sôi để làm mật. Dê, lợn, bò, nhím…giờ đang làm thí điểm. Tuy nhiên, để có một sự ổn định về kinh tế, nhất là kinh tế biển-trong việc đánh bắt hải sản, phục vụ đời sống nhân dân thì Huyện đảo lại chưa có điều kiện. Nên việc mua thức ăn, trông chờ vào những chuyến tàu công vụ và tàu của ngư dân thì bất ổn, bởi phụ thuộc vào thời tiết. Hôm nào biển động hoặc chuyển trời, sóng sẽ lớn, và bất kể tàu bè kiểu gì, tàu của ngư dân đánh cá, hay tàu công vụ của đảo cũng không thể ra khơi.

Vì thế, những chú cá nhẩy được bắt trong đêm và những quả bí ngô đỏ sậm to đùng kia vẫn mãi mãi là người bạn keo sơn gắn bó với các cư dân đảo.  Đó là những sản vật quý, chỉ có ai đến đây mới hiểu giá trị đích thực của chúng.

 Và, tôi cũng mong đêm ở Cồn Cỏ, trời giăng mắc nhiều sao hơn, trăng sáng hơn để đại dương đỡ mênh mông và dữ dội, để các cô giáo nhỏ bé sẽ bình an với biển, và mang được nhiều cá về nhà …

Chu Thị Thơm

(Kỳ 4: Nỗi niềm của Đảo.)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ