Huyện có nhiều phong tục đón Tết độc đáo

GD&TĐ - Về huyện Tân Yên (Bắc Giang) những ngày giáp Tết chúng tôi được nghe những phong tục đón Tết độc đáo có từ rất lâu đời nay vẫn được người dân ở đây duy trì.

Huyện có nhiều phong tục đón Tết độc đáo

1. Tục gọi gạo

Phong tục “độc nhất vô nhị” của thôn Phúc Lễ (xã Phúc Hòa) diễn ra từ đêm 30 cho đến rạng sáng ngày mùng một Tết.

Hàng năm cứ đến 8 giờ (tức 20 giờ) đêm 30 Tết, thanh niên trai tráng trong thôn, người đốt đuốc, người mang trống, tù và gồng gánh, thúng mủng… tụ tập ở nhà văn hóa thôn để tỏa đi đến từng cổng mỗi gia đình trong khắp thôn để gọi gạo.

Khi đến cổng các gia đình, một người đại diện (trưởng đoàn) trong nhóm thanh niên gọi chõ vào trong nhà câu: “Gạo ơi, gạo ởi, gạo ời/ Nắm cơm, bát nước, nấu xôi gạo à”.

Dứt câu gọi của người đại diện, tất cả những người trong nhóm cùng đi đều reo lên hai tiếng: “À, à!"

Rồi trống mõ, tù và nổi lên. Tức thì trong nhà có người ra mở cổng và cho đoàn một bát gạo nếp trắng thơm ngon. Người trưởng nhóm đỡ lấy gạo đổ vào thúng rồi cho đoàn quân đến nhà thứ 2, thứ ba…

Qua mỗi nhà đoàn quân đều dừng lại, người trưởng nhóm đều gọi như thế, để chủ nhà lại cho gạo...

Đi đến nhà cuối cùng thì trời vừa sáng. Cả đoàn kéo nhau ra cánh rừng ngoài làng nghỉ ngơi. Các chị, các bà từ trong làng ra nấu xôi, đơm từng phần vào lá chuối cho mỗi người một suất.

Mọi người chấm xôi với muối trắng, ăn xong ai về nhà nấy đón ngày mùng Một Tết ở gia đình, làm cho không khí ngày tết của thôn vui tươi, đầm ấm.

Các cụ bô lão trong thôn cho biết: Tục “Gọi gạo” của thôn Phúc Lễ có từ lâu lắm rồi, nhưng cụ thể về thời gian thì chẳng ai rõ. Trong hương ước, phả hệ cũng không còn tài liệu nào ghi chép về tục này.

Chỉ biết rằng đời trước truyền cho đời sau, cứ thế tồn tại. Vì thế về ý nghĩa của tục này đến nay cũng có nhiều giả thuyết khác khau. Có nhiều người cho rằng: Cái lý của tục gọi gạo này là sự thể hiện những may mắn cho một năm mới, bởi được chính những trai tráng khỏe mạnh về làng xông đất trong ngày Tết.

Cũng có những cách giải thích khác về nguồn gốc của tục “Gọi gạo”, đó là tục lệ dân gian cầu mong mưa thuận gió hòa, mọi người khỏe mạnh, lúa tốt cau sai.

Theo ông Vi Phúc Khương- Trưởng thôn Phúc Lễ, thì tục “Gọi gạo” là một trong những phong tục của thôn sau thời gian khá dài không duy trì được do chiến tranh, mãi đến năm 1990 tục lại được dân làng khôi phục và duy trì cho đến nay.

Tuy có những cách giải thích khác nhau về nguồn gốc của tục “Gọi gạo”, nhưng đây là một nét sinh hoạt văn hóa riêng của người dân Phúc Lễ, nó thực sự là một nét sinh hoạt cộng đồng lành mạnh của nhân dân trong những ngày Tết.

Các chị, các bà từ trong làng ra nấu xôi, đơm từng phần vào lá chuối cho mỗi người một suất
Các chị, các bà từ trong làng ra nấu xôi, đơm từng phần vào lá chuối cho mỗi người một suất 

2. Đi chợ âm dương.

Là phiên chợ duy nhất chỉ họp một lần vào đúng ngày mùng 2 Tết và họp từ từ lúc nửa đêm cho đến rạng sáng là tan. Chợ họp trên chính sân đình xã Cao Thượng.

Xưa kia chưa có điện, người bán hàng thắp bằng dầu, bằng nến từng dãy như sao sa tại cả khoảng không gian đình Cao Thượng. Giờ có điện, chợ họp càng đông hơn. Phiên chợ tranh tối tranh sáng chủ yếu là bán bún, bánh cuốn, bánh đa quê, bánh gio, rau cần, cá tươi…

Ông Nguyễn Văn Đắc ở xã Cao Thượng cho biết: Xưa đến nay, ông luôn đi chợ mùng 2 Tết. Chợ giờ đông hơn xưa nhiều lần, nhưng gốc rễ của phiên chợ này ra sao thì không rõ, chỉ biết rằng người ta thường gọi là chợ Âm dương.

Theo những người cao tuổi xã Cao Thượng, chợ mùng 2 Tết là một tập tục sinh hoạt cổ. Đồ rằng vùng đất thờ thần Bạch Hổ, nên để trấn an phải mở phiên chợ mùng 2. Cũng có nhiều ý kiến khác cho rằng người dân mở chợ là để giao tiếp hai cõi âm dương, để cầu cho dân khang vật thịnh, trấn an đất dữ bằng chính sản vật quê nhà.

Phiên chợ cũng là nơi người chết và người sống có thể gặp nhau, nên người đi chợ ai nấy đều rất vui vẻ, thoải mái, họ quan niệm rằng đó là dịp làm phúc, làm điều thiện với người đã chết và cuộc sống tâm linh của họ sẽ thanh thản hơn.

Điều đặc biệt tại phiên chợ này, người mua không mặc cả, người bán không nói thách. Cả người mua và người bán đều nói năng nhẹ nhàng, rì rào thay vì sôi động, náo nhiệt.

Thậm chí, người mua và người bán còn không nhìn thấy mặt nhau vì cả phiên chợ chìm trong bóng tối, không đèn điện, mà chỉ là những ánh đèn dầu le lói...

Gọi là chợ nên ngày nay chợ cũng có đủ mặt hàng từ đồ chơi trẻ em, quần áo, hoa quả, bánh kẹo...nhưng nhiều nhất là bún bánh, rau xanh, cá và bánh đa đỏ… và thu hút được rất đông người đi chợ. 

Chợ Âm dương thu hút được đông đảo người dân tham gia
Chợ Âm dương thu hút được đông đảo người dân tham gia

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ