(GD&TD) - Sáng nay (15/11), tại Hà Nội Bộ Xây dựng đã tổ chức hội nghị triển khai Quy hoạch phát triển nhân lực của ngành giai đoạn 2011-2020. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng và Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn đã tới dự.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Hội nghị |
Theo dự báo, nhu cầu nhân lực ngành Xây dựng đến năm 2015 sẽ cần khoảng 5 triệu người, đến 2010 khoảng 8-9 triệu người. Quy hoạch phát triển nhân lực của ngành cũng đặt mục tiêu đến 2015 phấn đấu 52% nhân lực được qua đào tạo và đến 2010 đạt mức 65% nhân lực được qua đào tạo…
Mục tiêu đề ra trong quy hoạch phát triển nhân lực ngành Xây dựng giai đoạn 2011-2020 là bước đầu tiên thực hiện chiến lược phát triển nhân lực quốc gia đến năm 2020, đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH và hội nhập quốc tế của ngành Xây dựng; làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch 5 năm và hàng năm về phát triển nhân lực ngành Xây dựng nói chung và của từng đơn vị trong ngành nói riêng, đồng thời triển khai xây dựng cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện phát triển nhân lực của toàn ngành.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định: Chiến lược phát triển KT-XH giai đoạn 2011-2020, Đảng ta xác định thực hiện 3 đột phá chiến lược để thực hiện mục tiêu, đó là hoàn thiện thể chế của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; phát triển hạ tầng kinh tế, kỹ thuật và hạ tầng xã hội; phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu CNH- HĐH, trong đó phát triển nguồn nhân lực là yếu tố quyết định để thực hiện các mục tiêu đề ra.
Với việc triển khai Quy hoạch này, ngành Xây dựng cũng thể hiện quyết tâm phát triển nguồn nhân lực đạt chất lượng cao. Bộ trưởng cho rằng cần tập trung nâng cao chất lượng đào tạo các bậc ĐH. CĐ, TCCN, đồng thời tập trung mở rộng quy mô đào tạo nghề đi đôi với đào tạo lao động kỹ thuật chất lượng cao, đào tạo nghề chuyên biệt, nghề đặc thù, nghề có lợi thế so sánh… và coi đây là khâu đột phá.
Đặc biệt, cơ cấu đào tạo phải hợp lý, khắc phục được tình trạng thừa thầy thiếu thợ, tạo ra nhiều mô hình đào tạo để đào tạo ra đội ngũ chuyên gia, lao động kỹ thuật giỏi, có tay nghề cao. Cần trú trọng kết hợp giữa đào tạo với thực hành, kết hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp, các doanh nghiệp phải tham gia công tác đào tạo. “Lực lượng cán bộ quản lý, lãnh đạo có vai trò quyết định, cần phải có đủ năng lực, phẩm chất để nắm bắt và điều hành công việc, chính vì vậy cần được đào tạo, đào tạo lại về chính trị, pháp luật, chuyên môn…
Đội ngũ cán bộ quản lý đô thị từ cấp xã, phường đến cấp tỉnh, TP tại các địa phương có vai trò rất quan trọng trong quản lý đầu tư xây dựng. Vì vậy, giải pháp đưa ra là cần phải đổi mới hệ thống cơ chế chính sách về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực của ngành, theo đó đổi mới cơ chế tuyển dụng, sử dụng lao động và đãi ngộ lao động ngành xây dựng tạo ra động lực thu hút người lao động nói chung và các chuyên gia giỏi nói riêng gắn bó với ngành nghề.
Bên cạnh đó, nên xây dựng và thực hiện một số chế độ chính sách đặc thù đối với lao động ngành xây dựng, với những người phải thường xuyên lưu động theo các công trình, công việc không ổn định, vùng xa, vùng sâu; phải xây dựng đơn giá CNLĐ phù hợp với thị trường để thu hút nhân lực vào làm việc trong ngành, có chính sách đãi ngộ, thu hút sử dụng nhân tài, nhất là đội ngũ trí thức trẻ…
Các đại biểu tham dự Hội nghị |
PGS.TS Vương Ngọc lưu, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội cho rằng muốn đảm bảo việc xây dựng và phát triển tốt nguồn nhân lực cho các trường xây dựng cần có chế độ đãi ngộ và tiện nghi làm việc cho đội ngũ Gv có học hàm, học vị cao; cấp kinh phí và tạo điều kiện cho cán bộ, GV các trường Đh được đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn. Tuy nhiên, phải đồng thời nâng cấp cơ sở vật chất của nhà trường như diện tích, trang thiết bị, phòng thí nghiệm, thư viện… đáp ứng nhu cầu tốt hơn cho việc dạy và học.
Theo TS.KTS. Phạm Tứ, Hiệu trưởng Trường ĐH Kiến trúc Tp.HCM thì một trong số những giải pháp quan trọng đó là sàng lọc đội ngũ GV. Theo đó phải sàng lọc trong thời gian thử việc, tập sự và phải sàng lọc cả đội ngũ GV cơ hữu. Cách làm này về lâu dài Việt nam mới có được đội ngũ GV đáp ứng yêu cầu phát triển của đổi mới.
Dự kiến nhu cầu vốn cho công tác đào tạo, bồi dưỡng của ngành Xây dựng đến 2020 cần 32.223 tỷ đồng. Ngoài ra còn cần khoản kinh phí khoảng 17.725 tỷ đồng để đầu tư cơ sở vật chất như phòng học, thư viện. Huy động mọi nguồn lực cho công tác đào tạo, tăng cường huy động các nguồn lực xã hội và cộng đồng quốc tế, trong đó có các dự án vay vốn nước ngoài, đặc biệt là các dự án hỗ trợ kỹ thuật đầu tư thiết bị, chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức quản lý DN, giảng viên và nghiên cứu viên…
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng: phát triển nhân lực trong giai đoạn hiện nay là khó, khó không phải do tài chính mà do trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường, kinh tế hàng hóa, nhà trường cũng phải chịu nhiều tác động. Cần tạo ra hình chóp trong mô hình đào tạo… |
Việt Hoa