Một nghiên cứu mới đây cho thấy đàn ông hút thuốc có nguy cơ bị loãng xương cao hơn so với những người cùng giới không hút thuốc, thậm chí vẫn cao hơn nếu so với phụ nữ hút thuốc.
Loãng xương làm cho xương rất yếu và giòn, chỉ một cú ngã hoặc thậm chí là một cơn ho bất ngờ hay vô tình cúi người quá sâu cũng có thể gây ra một vết nứt trong xương. Càng về già thì điều này càng trở nên phổ biến. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, khoảng 1/10 phụ nữ và 1/50 đàn ông trên 50 tuổi bị loãng xương.
Xương của phụ nữ có xu hướng nhỏ và mỏng hơn so với đàn ông. Hơn nữa, họ bị mất mật độ xương khi quá trình sản sinh hoóc môn estrogen giảm sau thời kỳ mãn kinh. Bên cạnh đó, hút thuốc lá có thể góp phần đẩy nhanh tốc độ mất mật độ xương.
Tiến sĩ Elizabeth Regan, một nhà nghiên cứu tại Bệnh viện National Jewish Health ở Denver, Colorado và các đồng nghiệp đã kiểm tra mật độ xương, tình trạng bệnh phổi và những khe nứt nhỏ tại các đốt xương cột sống của 3.321 người đang và đã hút thuốc, đồng thời so sánh với một nhóm 63 người chưa bao giờ hút thuốc.
Kết quả cho thấy đàn ông hút thuốc có nguy cơ mật độ xương thấp lớn hơn đáng kể và cũng có nhiều khe nứt tại cột sống hơn so với những phụ nữ hút thuốc. Các dấu hiệu loãng xương này xuất hiện ở 58% những người tham gia nghiên cứu và ở 84% nhóm người có tình trạng nghiêm trọng của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính .
37% những người tham gia nghiên cứu có một hoặc nhiều khe nứt tại cột sống. Họ chủ yếu là đàn ông, lớn hơn độ tuổi trung bình của nhóm và nhiều khả năng có thói quen hút thuốc trong một thời gian dài.
Phát hiện này gây cho các nhà khoa học một sự ngạc nhiên khi họ đã nghĩ rằng những người phụ nữ hút thuốc mới là đối tượng có nguy cơ loãng xương cao hơn trước khi thực sự bắt đầu nghiên cứu.