Hướng tới phát triển bền vững lưu vực sông Mê Công

Hướng tới phát triển bền vững lưu vực sông Mê Công
iuy
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại hội nghị. Ảnh Chinhphu.vn

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh Hội nghị quốc tế về quản lý tài nguyên nước xuyên quốc gia được tổ chức ngay trước Hội nghị cấp cao này đã đưa ra nhiều đánh giá, khuyến nghị quan trọng.

Ủy hội sông Mê Công quốc tế được thành lập năm 1995 để thực hiện Hiệp định hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mê Công được ký kết giữa bốn quốc gia hạ lưu vực là Lào, Thái Lan, Cam-pu-chia và Việt Nam, nhất là trong việc điều phối hoạt động quy hoạch phát triển chung, xây dựng các biện pháp, quy chế sử dụng bền vững nguồn nước

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ Hiệp định Mê Kông 1995 với việc thành lập Ủy hội sông Mê Kông đã mở ra một chương mới trong hợp tác Mê Kông. Thực tế hợp tác Mê Kông 15 năm qua cho thấy Hiệp định Mê Kông là xu thế hợp tác của các dân tộc chung sống trong lưu vực và được sự ủng hộ tích cực của cộng đồng quốc tế.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, trong thời gian tới, lưu vực sông Mê Kông đứng trước nhiều thách thức. Sự phát triển năng động, nhanh chóng ở lưu vực sông Mê Kông đang gia tăng sức ép đối với các nguồn tài nguyên, trong đó có tài nguyên nước. Cùng với đó là những tác động bất lợi khó lường của biến đổi khí hậu và hiểm họa ô nhiễm môi trường.

Trên tinh thần này, Thủ tướng nhất trí với tầm nhìn và những định hướng ưu tiên đã đề ra trong Tuyên bố chung của hội nghị với chủ đề "Đáp ứng nhu cầu, bảo đảm cân bằng: Hướng tới phát triển bền vững lưu vực sông Mê Kông".

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Thủ tướng các nước Campuchia, Lào và Thái Lan tại Hội nghị. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Thủ tướng các nước Campuchia, Lào và Thái Lan tại Hội nghị. (Ảnh: TTXVN)

Đối với các nước đối thoại là Trung Quốc và Myanmar, Thủ tướng đánh giá cao việc Trung Quốc mới đây đã cung cấp thêm số liệu thủy văn trong mùa khô để các nước trong lưu vực có thêm cơ sở đánh giá hiện trạng dòng chảy của sông Mê Kông và mong muốn hai nước xem xét tích cực việc trở thành thành viên đầy đủ của Ủy hội. Đối với các đối tác phát triển, Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật để giúp triển khai các hoạt động trên những lĩnh vực ưu tiên đã được xác định trong Tuyên bố chung của Hội nghị cũng như Chiến lược phát triển lưu vực 2011-2015 của Ủy hội sông Mê Kông.

Thủ tướng nhấn mạnh sông Mê Kông có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam. Thủ tướng khẳng định, Việt Nam coi trọng hợp tác Mê Kông và luôn tham gia tích cực, chủ động và xây dựng trong các hoạt động của Ủy hội.

Đồng tình với phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, phát biểu của Thủ tướng các nước Thái Lan, Lào và Campuchia đều khẳng định cam kết mạnh mẽ của các nước thành viên Ủy hội sông Mê Kông trong việc tiếp tục hợp tác và thúc đẩy phát triển bền vững, sử dụng, bảo vệ và quản lý hiệu quả tài nguyên nước và tài nguyên liên quan của hạ lưu sông Mê Kông và đồng ý với Tuyên bố Huarhin. Những người đứng đầu chính phủ 4 nước cam kết thúc đẩy hợp tác để giải quyết những thách thức cấp bách trong lưu vực sông Mê Kông.

Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam đã rời Huarhin, kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị Cấp cao Ủy hội sông Mê Kông 

Sông Mê Công kéo dài gần 5.000 km, là dòng sông dài thứ 12 trên thế giới và có lưu vực rộng lớn gồm sáu quốc gia là Trung Quốc, Mi-an-ma, Lào, Thái Lan, Cam-pu-chia và Việt Nam. Dòng sông là một phần quan trọng của quá trình phát triển kinh tế, xã hội của cả 6 quốc gia; và đặc biệt cuộc sống của hơn 60 triệu người dân trong lưu vực gắn liền với dòng sông này

PV

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ