Hướng tới không còn kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người bị nhiễm HIV/AIDS

Hướng tới không còn kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người bị nhiễm HIV/AIDS

(GD&TĐ) - Theo thống kê chưa đầy đủ của Trung tâm y tế Sóc Sơn - Hà Nội, hiện toàn huyện có khoảng trên dưới 300 người bị nhiễm HIV/AIDS. Trong đó có trên 100 người tử vong vì căn bệnh thế kỷ này.

Có thể thấy, HIV/AIDS đang đe dọa trực tiếp đến sức khoẻ, tính mạng con người, trật tự an toàn xã hội, đến sự phát triển tương lai của đất nước, tương lai của giống nòi.

Thực tế cho thấy, công tác phòng chống HIV/AIDS vẫn còn đang thiếu sự phối hợp của cộng đồng xã hội. Nhiều người vẫn quan niệm về HIV/AIDS rất mơ hồ. Đâu đó vẫn còn tình trạng kì thị và phân biệt đối xử từ phía cộng đồng đối với những người nhiễm HIV/AIDS.

N
Hội nghị tuyên truyền về phòng chống HIV/AIDS và giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với những người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS của huyện Sóc Sơn, Hà Nội (Ảnh: Hồng Hà)

Qua nhiều năm tuyên truyền về phòng chống HIV/AIDS và giảm kỳ thị với những nạn nhân, huyện Sóc Sơn đã thành lập các nhóm như: Vòng tay bè bạn; Hoa sim tím đã tạo hiệu ứng tích cực, giúp mọi người mở rộng vòng tay nhân ái đón nhận những nạn nhân HIV/AIDS trở về với cuộc sống đời thường. Cho đến giờ hầu hết ai cũng đều biết, đều hiểu ít nhiều về căn bệnh thế kỷ này và để phòng tránh.

Anh Ngô Văn Thắng – xã Trung Giã là một trong những nạn nhân bị nhiễm HIV/AIDS đã không khỏi xúc động khi chia sẻ với chúng tôi về cuộc sống thường nhật của mình. Anh nghẹn ngào nói mà trong lòng vui mừng khôn xiết: “Giờ đây, những người xung quanh đã bớt đi sự kỳ thị trong đối xử và dần biết được nhiều hơn thông tin về những người nhiễm HIV/AIDS.

Còn đối với anh Cao Văn Hưng – Một thành viên trong nhóm “Vòng tay bè bạn” của huyện Sóc Sơn và cũng là nạn nhân của HIV/AIDS bộc bạch: “Gia đình và những người thân đã chấp nhận, không còn hắt hủi như trước. Anh cũng được hỗ trợ nhiều trong sinh hoạt hàng ngày nhờ đó mà những người nhiễm HIV/AIDS như chúng em đã dần bớt đi mặc cảm và hòa nhập với các hoạt động của cộng đồng”.

Càng tiếp xúc nhiều, trò chuyện nhiều với các nạn nhân HIV/AIDS chúng tôi càng thấu hiểu: Trong sâu thẳm tâm hồn, điều mà họ mong muốn lớn nhất vẫn là được tham gia bình đẳng thực sự trong các hoạt động xã hội; trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được gần gũi với bạn bè và học tập bình thường…

Thiết nghĩ, để những nạn nhân có được những điều đó, vẫn còn cần nhiều hơn nữa sự cố gắng ngay từ mỗi người, mỗi gia đình và cộng đồng xã hội. Đó cũng là góp phần ngăn chặn đại dịch này trong tương lai và hướng tới mục tiêu 3 không: Không còn người nhiễm mới HIV, không còn người tử vong do AIDS và không còn kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS.

Đức Trí

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ