(GD&TĐ) - Tại Hội nghị tổng kết năm học 2012 - 2013, báo cáo từ các địa phương và báo cáo tổng kết năm học của Bộ GD&ĐT cho thấy bức tranh giáo dục tổng thể có bước đổi mới rõ nét làm tiền đề đổi mới căn bản toàn diện nền GD-ĐT nước nhà.
Phóng viên Báo Giáo dục và Thời đại đã trao đổi sâu hơn với lãnh đạo ngành GD&ĐT một số địa phương về việc thực hiện những chủ trương lớn của ngành và định hướng công tác trong năm học mới.
Một phong trào tạo ra không khí phấn khởi, dân chủ trong trường học
|
Ông Lê Minh Hoàng- GĐ Sở GD&ĐT Đồng Nai |
|
Phong trào thi đua Xây dựng Trường học thân thiện – học sinh tích cực (THTT-HSTC) đã tạo nên một dấu ấn rất tích cực và đóng góp vào sự phát triển ổn định của ngành GD. Qua đó bộ mặt của nhà trường nói riêng và của ngành GD nói chung thêm khang trang và vững mạnh hơn.
Phong trào đã thật sự đi sâu vào môi trường GD, từ những trường thuộc vùng thành thị cho đến các trường ở vùng sâu, vùng xa. Đã tạo nên dấu ấn riêng, đặc biệt là tạo nên môi trường học tập của các em HS hết sức thân thiện và nhà giáo cũng rất phấn khởi từ khi phong trào được triển khai.
Có thể thấy rằng tất cả khu vực nhà vệ sinh được quan tâm đầu tư, nơi vui chơi, giải trí ở sân trường, cảnh quan sư phạm được đầu tư… đã tạo ra không khí phấn khởi, dân chủ trong trường học.
Từ phong trào này, thầy trò có sự chia sẻ nhiều hơn và nhận được sự quan tâm của các lực lượng xã hội, đặc biệt các ban ngành đoàn thể tham gia tích cực, tạo thêm sức đẩy để phong trào dạy tốt học tốt trong nhà trường phát huy tác dụng… Tạo điều kiện cải tiến phương pháp dạy học, giúp thầy trò có sự chia sẻ, thúc đẩy chất lượng GD được cải thiện, nâng lên đáng kể.
Tiếp tục triển khai các nội dung để trường học thêm thân thiện và tích cực
|
Ông Lê Trung Chinh, GĐ Sở GD&ĐT Đà Nẵng |
Phong trào thi đua Xây dựng THTT-HSTC triển khai được 5 năm, qua đó đã đạt được những kết quả khả quan đáng ghi nhận. Phong trào xem như động lực quan trọng góp phần làm cho thầy cô giáo, các em HS tích cực hơn trong công tác giảng dạy và học tập. Đồng thời thầy trò có nhiều cơ hội để tham gia các hoạt động xã hội, từ đó hình thành và phát huy kỹ năng sống cho các em HS và cả thầy cô giáo hằng ngày đứng trên bục giảng.
Qua phong trào này cũng thấy rằng xã hội có trách nhiệm hơn và chung tay cùng ngành GD, cùng nhà trường xây dựng chăm lo cho sự nghiệp GD&ĐT, đẩy mạnh các hoạt động GD, từng bước nâng cao chất lượng GD.
Tại Đà Nẵng, chúng tôi rất quan tâm để làm sao phong trào thi đua Xây dựng THTT - HSTC được triển khai một cách sâu rộng nhất; đồng thời các trường học đã tích cực triển khai phong trào này.
Qua đó, cái được nhất của phong trào thi đua Xây dựng THTT-HSTC là chất lượng GD, cảnh quan nhà trường, cơ sở vật chất nhà trường và kỹ năng sống của các em HS. Từ đó ý thức cộng đồng với sự nhiệp GD cũng được nâng lên. Đây là những vấn đề chúng tôi thấy nổi lên và đã đạt được những kết quả thiết thực, được xã hội đánh giá cao.
Trong triển khai nhiệm vụ năm học những năm tiếp theo, theo tôi, cần nhấn mạnh phong trào này và các địa phương tiếp tục phát huy vai trò để có thể chỉ đạo các đơn vị trường học để tiếp tục triển khai nội dung để các trường học thêm thân thiện, tích cực...
Làm được những việc khó nhờ triển khai phong trào
|
Ông Hồ Văn Thống, GĐ Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp |
Trong 5 năm triển khai phong trào thi đua Xây dựng THTT - HSTC đã tạo ra một động lực lớn trong các trường học, là động lực cho HS hứng thú trong học tập, tạo môi trường hết sức thân thiện để các em học tập tốt hơn và thêm gắn bó với ngôi trường thân yêu. Đó cũng là một trong những điều kiện hết sức quan trọng góp phần vào việc nâng cao chất lượng GD ở địa phương.
Qua thời gian triển khai phong trào, đa phần các trường học dù còn nhiều khó khăn nhưng đã tạo nên môi trường thân thiện, xanh, sạch, đẹp làm cho việc dạy, học hiệu quả hơn.
Minh chứng là trong 5 năm qua chất lượng GD của tỉnh Đồng Tháp được nâng lên rõ rệt. Từng bước những phong trào hỗ trợ hoạt động GD toàn diện cho HS được nâng lên và đạt kết quả khả quan.
Những tri thức lịch sử địa phương cũng như truyền thống của địa phương các em HS có dịp tiếp cận và cập nhật... Đây là điều không phải dễ làm, nhưng nhờ có phong trào thi đua Xây dựng THTT-HSTC nên chúng tôi đã làm được.
Thời gian tới, trên những kết quả đạt được, địa phương tiếp tục chỉ đạo cho các cơ sở GD thực hiện tốt và nhân rộng, giữ vững những ngôi trường thân thiện và tích cực. Qua đó có những phong trào hiệu quả hơn có sự sáng tạo, phù hợp với đặc thù của địa phương.
Vừa qua ngành GD địa phương đã tổ chức cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia tỉnh Đồng Tháp dựa theo chương trình của Đài Truyền hình Việt Nam. Qua cuộc thi chúng tôi thấy đã giúp ích rất nhiều về kiến thức cho HS, không chỉ kiến thức trong nhà trường mà có kiến thức xã hội, kỹ năng sống...
Mong Nhà nước có chính sách phù hợp để huy động GV ra đảo
Trước đây theo đánh giá của xã hội và dư luận thì ĐBSCL là vùng trũng GD. Vì thế chúng tôi nỗ lực tìm tòi, cố gắng tìm giải pháp những năm qua, đặc biệt năm học 2012-2013 vừa qua những chỉ số phát triển ở các vùng thuận lợi cũng như khó khăn có dấu hiệu ổn định, bền vững. Đó là điều chúng tôi mong đợi nhất.
Năm học 2012-2013, HS THPT của tỉnh đỗ tốt nghiệp đạt tỷ lệ khá cao, đề thi vừa sức, việc dạy và học đã đi vào nề nếp, thi cử nghiêm túc… là những nguyên nhân tạo ra kết quả này.
Tỉnh Kiên Giang còn nhiều khó khăn, thời gian qua nhà nước đã dành cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc nhiều chính sách nên người dân, GV và HS rất phấn khởi.
Tuy nhiên đối với vùng biển đảo ở Kiên Giang hiện nay còn nhiều điều bất cập. Kiên Giang là địa phương có đến 15 xã đảo, trong đó có 9 xã nằm độc lập ở ngoài biển khơi. Xa xôi cách trở như vậy nhưng chính sách nơi đây nhìn chung chưa thỏa đáng.
Như chính sách vùng 135 hay vùng đặc biệt khó khăn chú ý vào chủ yếu tiêu chí nơi đông đồng bào dân tộc hay hộ nghèo. Thực tế, vùng biển đảo ít đồng bào dân tộc sinh sống, bên cạnh đó, theo tiêu chí hộ nghèo của nhà nước, xét về tiêu chí thu nhập thì ngoài đảo khó mà đạt được. Vì những bất cập nói trên nên tất cả những GV công tác ở những vùng biển đảo vẫn chưa hưởng chính sách như vùng đặc biệt khó khăn. Đó cũng là nguyên nhân chúng tôi huy động GV ra đảo rất khó.
Thời gian tới mong muốn nhà nước có chính sách cho GV công tác ở các đảo được hưởng chính sách như vùng đặc biệt khó khăn…
Quan tâm đến các điều kiện tạo nên chất lượng GD trong năm học mới
|
Ông Nguyễn Hữu Độ, GĐ Sở GD&ĐT Hà Nội |
Năm học 2012-2013, ngành GD&ĐT Hà Nội đánh dấu mốc sau 5 năm hợp nhất. Khi hợp nhất, quy mô lớn, địa bàn rộng nên Hà Nội đã đặt quyết tâm với mục tiêu là kỷ cương nghiêm, chất lượng thực và hiệu quả cao, xây dựng nề nếp, hướng tới nền GD có chất lượng, trung thực và hiệu quả.
Năm qua với sự chỉ đạo sâu sát của thành phố và của Bộ GD&ĐT, ngành GD Hà Nội đã triển khai nhiệm vụ năm học một cách rốt ráo. Nổi bật nhất là chất lượng GD&ĐT, từ PCGD MN 5 tuổi đến chất lượng PC TH, THCS đạt kết quả khả quan, thể hiện chất lượng GD đại trà tiếp tục được giữ vững. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT đạt tỷ lệ cao, đạt hơn 97% và Hà Nội tổ chức chỉ đạo kỳ thi rất quyết liệt...
Đặc biệt chất lượng HS giỏi quốc gia, HS giỏi đạt giải quốc tế sau 5 năm hợp nhất Hà Nội đã có nhiều cố gắng, duy trì ổn định. Chất lượng HS giỏi đạt giải quốc tế ngày càng ổn định và phát triển, năm 2013 HS Hà Nội có 1 huy chương vàng quốc tế môn Vật lý…
Năm học 2013-2014 Hà Nội đặc biệt quan tâm đến chất lượng GD&ĐT và các điều kiện để làm nên chất lượng GD. Chúng tôi nhận thức rằng GD mà không có chất lượng thì coi như chưa có GD nên phải ưu tiên để nâng cao chất lượng GD. Theo đó, sẽ tích cực đổi mới phương pháp dạy, học… theo hướng phát huy tính chủ động, sáng tạo của HS… Đặc biệt là tâm huyết, trách nhiệm người thầy từ việc đổi mới phương pháp đào tạo bồi dưỡng, công tác GD chính trị và tuyển dụng GV… Kế đến là tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và xây dựng nền GD chuẩn hóa với các trường đạt chuẩn quốc gia…
Q.N - PV - Văn Minh