(GD&TĐ) - Kinh tế vẫn hết sức khó khăn với sự phá sản, ngừng hoạt động của hàng loạt doanh nghiệp; hàng tồn kho cũng như nợ xấu doanh nghiệp đều tăng cao, thị trường bất động sản – lĩnh vực “chiếm giữ” nguồn vốn lớn nhất trong xã hội hiện nay - vẫn chìm sâu trong khủng hoảng… Đó là thực tế không mấy khả quan của nền kinh tế đất nước trong năm 2012; dẫu rằng cũng có nhiều chuyển biến tích cực cần ghi nhận. Những chuyển biến tích cực ấy, sẽ là cơ sở quan trọng để tạo động lực cho hướng đi của nền kinh tế trong năm 2013 – năm đươc coi là bản lề giải quyết các vấn đề còn tồn đọng của nền kinh tế, tạo tiền đề cho sự phục hồi trở lại vào năm 2014, bắt đầu có sự phát triển ổn định từ năm 2015 như định hướng của Quốc hội đã đề ra cho Chính phủ trong điều hành nền kinh tế đất nước.
Cân bằng “thành tích” và “hạn chế”
Cuối năm 2011, với những chuyển động có phần tích cực sau suốt một năm chìm trong vô vàn khó khăn, đã có không ít hy vọng được đặt ra cho nền kinh tế đất nước năm 2012 này, ít nhất cũng coi đây là năm “giải quyết” những hậu quả để lại của khủng hoảng kinh tế năm 2011; tạo tiền đề cho bước ổn định và phát triển trở lại vào năm 2013. Hy vọng, chứ không kỳ vọng. Bởi vậy, khi đặt ra kế hoạch điều hành nền kinh tế đất nước của năm nay, bên cạnh quyết tâm đưa lạm phát về dưới 1 đơn vị số (dưới 10%) từ chỉ số cao ngất ngưởng 18,13% của năm 2011, Chính phủ chỉ đặt mục tiêu “khiêm tốn” cho mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) từ 6 – 6,5%. Diễn biến thực tế đến nửa đầu tháng 12/2012 cho thấy mục tiêu kiềm chế lạm phát chắc chắn đạt được, với mức tăng cao nhất chỉ khoảng 8%. Nhưng GDP thì chỉ tăng được khoảng từ 5 – 5,5%, thấp hơn chỉ tiêu đề ra.
Đẩy mạnh tái cơ cấu để nâng cao năng lực hoạt động của DNNN là yêu cầu hàng đầu của nền kinh tế trong năm 2013 |
Nhìn lại diễn biến nền kinh tế năm 2012, có thể thấy sự khó khăn thách thức là khá lớn, ngược với những dự đoán khả quan nhất trước đó. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, kinh tế - xã hội đã có chuyển biến nhất định. Kinh tế vĩ mô ổn định hơn, lạm phát được kiềm chế. Sản xuất công nghiệp có dấu hiệu phục hồi; sản xuất nông nghiệp mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn phát triển ổn định; du lịch, dịch vụ tăng khá; các đề án tái cơ cấu nền kinh tế, thực hiện 3 đột phá chiến lược được chú trọng xây dựng và bước đầu triển khai thực hiện; an sinh xã hội và phúc lợi xã hội cơ bản được bảo đảm; các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa - thông tin và truyền thông đạt được một số kết quả; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; hoạt động đối ngoại, quốc phòng được tăng cường, giữ vững độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.
Đó là những mặt được. Nhìn ở mặt ngược lại, áp lực lạm phát và bất ổn kinh tế vĩ mô vẫn còn lớn; các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, tổng đầu tư toàn xã hội, tạo việc làm mới, tỷ lệ giảm nghèo, tỷ lệ che phủ rừng không đạt được kế hoạch đề ra. Thị trường tiền tệ diễn biến phức tạp; lãi suất, nợ xấu ngân hàng ở mức cao; hoạt động của một số ngân hàng thương mại thiếu minh bạch và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhất là trong tiếp cận vốn tín dụng, hàng hóa tồn kho nhiều; số doanh nghiệp phải giải thể, ngừng hoặc thu hẹp hoạt động vẫn ở mức cao. Thị trường bất động sản trầm lắng, chưa có khả năng phục hồi; thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh; thị trường vàng còn nhiều biến động; tình trạng buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng chưa được ngăn chặn hiệu quả, ảnh hưởng xấu đến sản xuất, tiêu dùng và tâm lý xã hội. Kinh tế tăng trưởng chậm lại tác động tiêu cực đến việc làm, giảm nghèo; đời sống của người dân, nhất là đối tượng chính sách, người nghèo, người lao động có thu nhập thấp. Lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế và an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn chưa có sự chuyển biến căn bản. Tai nạn giao thông có giảm nhưng còn ở mức cao. Tình trạng khiếu kiện, tội phạm, tệ nạn xã hội, tham nhũng còn diễn biến phức tạp.
Tái cơ cấu để phát triển bền vững
Thực tế nền kinh tế năm 2012 với sự cân bằng về cả “thành tích” lẫn… “hạn chế” như vừa nêu ở trên đã đặt ra những khó khăn thách thức lớn cho năm 2013, năm được coi là bản lề để chúng ta giải quyết các vấn đề tồn đọng, đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo ổn định và phát triển. Trước tình hình đó, Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2013 của Quốc hội (được ban hành tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XIII, diễn ra từ cuối tháng 10 đến cuối tháng 11/2012) đã yêu cầu Chính phủ tiếp tục tập trung chỉ đạo giải quyết hàng hóa tồn kho và nợ xấu.
Cùng với đó là hàng loạt các chỉ tiêu kinh tế được đặt ra như: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 5,5%; Kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 8%; Bội chi ngân sách nhà nước không quá 4,8% GDP; Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 8%; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 30% GDP… Những con số đặt ra không quá cao, nhưng không phải dễ dàng đạt được nếu thiếu quyết tâm thực sự, khi mà các dự báo đều cho thấy sang năm 2013, nền kinh tế toàn cầu cũng như trong nước vẫn còn rất nhiều khó khăn thách thức, thậm chí là những rủi ro tiềm ẩn…
Vấn đề nổi cộm nhất là những thách thức về lạm phát. Thách thức (hay rủi ro) này trong trung hạn có thể nhìn thấy trước đó một số mặt hàng như dịch vụ y tế, giáo dục bị kiểm soát để kìm giá trong ngắn hạn nhưng về dài hạn nó vẫn buộc phải tăng và một khi đã tăng thì nguy cơ lạm phát bùng trở lại là hiện hữu.
Thứ hai, mức dự trữ ngoại tệ tuy có tăng lên nhưng vẫn thấp so với quốc tế. Theo ước tính, dự trực ngoại tệ năm 2012 của Việt Nam khoảng 2,3 tháng nhập khẩu, thấp nhất trong 10 nền kinh tế Đông Á theo khảo sát gần đây của Ngân hàng Thế giới.
Thứ ba, chất lượng tài sản của các tổ chức tín dụng xấu đi, nợ công nếu tính cả nợ dự phòng của các ngân hàng và doanh nghiệp Nhà nước tăng. Đặc biệt, rất nhiều chuyên gia cũng như các nhà quản lý kinh tế đã lên tiếng lo ngại việc các số liệu báo cáo về nợ xấu có sự chênh lệch với nhau. Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, nợ xấu cuối quý III/2012 của nước ta đã chiếm 4,93% tổng dư nợ, nhưng số liệu của cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước lại cho con số là 8,82%; đó là còn chưa kể đến con số thống kê của các tổ chức và chuyên gia tài chính độc lập khác. Trong khi đó, sự khác biệt về nợ xấu 1% là chênh lệch tương đương với 1,1 tỷ USD - một con số không hề nhỏ, ngay cả nếu đặt trong một nền kinh tế có quy mô lớn hơn chúng ta.
Tăng trưởng bền vững là yêu cầu của Quốc hội đặt ra và cũng là mục tiêu phấn đấu trong điều hành kinh tế của Chính phủ. Chúng ta cũng đã xác định tái cơ cấu nền kinh tế để phát triển. Thực tế cũng chỉ ra rằng muốn nền kinh tế tăng trưởng bền vững thì cần quan tâm đến tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước và ngân hàng. Ổn định kinh tế vĩ mô không phải là vấn đề duy nhất mà phải quan tâm đến cấu trúc nền kinh tế để đảm bảo tăng trưởng dài hạn. Đó là lý do các nhà quản lý cũng như các chuyên gia kinh tế đều bày tỏ sự đồng thuận với chỉ tiêu về GDP không quá cao trong năm 2013 của Quốc hội đặt ra, bởi lẽ, mục tiêu lớn hơn, dài hạn hơn mới là quan trọng. Thực tế mức tăng trưởng này được tính toán, dự báo ở mức trung bình vì ưu tiên đã được xác định là ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Thế nhưng, chỉ tiêu đó cũng là một thách thức đặt ra cho doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp nhà nước - vốn đóng vai trò chủ đạo đóng góp cho tăng trưởng năm sau. Nếu GDP tăng 5,5% thì tăng trưởng của doanh nghiệp nhà nước phải tăng gấp 3 lần, khoảng 15%, theo tính toán của rất nhiều chuyên gia kinh tế. Thấp hơn mức này, chính các doanh nghiệp nhà nước lại sẽ kéo lùi tăng trưởng quốc gia và trở thành gánh nặng lớn cho nền kinh tế.
Đó là lý do mà trong hầu hết các ý kiến đưa ra gần đây của các chuyên gia kinh tế hàng đầu, đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước để nâng cao hiệu quả hoạt động là một trong những yêu cầu trọng tâm của nền kinh tế đất nước năm 2013 này.
Như Nguyễn