Hướng đến phát triển những điểm sáng ngoại ngữ trên toàn quốc

Hướng đến phát triển những điểm sáng ngoại ngữ trên toàn quốc

(GD&TĐ) -  Nằm trong kế hoạch triển khai Đề án Ngoại ngữ Quốc gia (ĐANNQG) 2020, sáng nay (26/12), Hội thảo Xây dựng các tiêu chí thành lập Trung tâm Ngoại ngữ xuất sắc (TTNNXS) do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển chủ trì đã được khai mạc tại trường Đại học Ngoại Ngữ, Đại học Huế (TP. Huế).

Tham dự hội thảo còn có TS. Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Bộ phận thường trực ĐANNQG 2020 các Vụ, Cục, TT Nghiên cứu GDĐH (Bộ GD-ĐT); lãnh đạo Đại học Huế cùng các đại biểu đến từ các trường đại học như ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Thái Nguyên, ĐH Cần Thơ, ĐH Sư phạm TP. HCM và ĐH  Ngoại ngữ Huế.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển phát biểu khai mạc Hội thảo Xây dựng các tiêu chí thành lập Trung tâm Ngoại ngữ
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển phát biểu khai mạc Hội thảo Xây dựng các tiêu chí thành lập Trung tâm Ngoại ngữ

Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày những tham luận về vấn đề xây dựng TTNNXS như mô hình thí điểm, nguồn lực xây dựng, tiêu chí đánh giá, hoạt động bồi dưỡng đào tạo, kết nối các TTNNXS trong khu vực và quốc tế, các giải pháp tổ chức triển khai đề án NNQG 2020. 

Phát biểu chỉ đạo hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh: “Trước hết, chúng ta nên tạm thời hình dung, TTNNXS ở các trường đại học và cơ sở đào tạo có uy tín nhất, phải có dấu ấn và có sức lan tỏa, góp phần nâng cao chất lượng. Không chỉ là một trung tâm ngoại ngữ chuyên ngành mà TTNNXS còn phải góp phần phát triển ngoại ngữ tại các vùng miền nhằm hướng đến phát triển những điểm sáng ngoại ngữ trên toàn quốc”.

TS. Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Bộ phận thường trực ĐANNQG 2020 bày tỏ quan điểm sau khi đề án được triển khai theo công văn số 7274/BGDĐT-GDĐH từ ngày 31/10/2012: “Trọng tâm của đề án NNQG 2020 chính là việc xây dựng đội ngũ giáo viên tiếng anh xuất sắc trên toàn quốc. Trong đó, việc thành lập các TTNNXS không chỉ để phục vụ riêng cho bản thân của các TTNNXS mà nó còn có tác động lan tỏa đến các trường đại học và cao đẳng trong phạm vi khu vực”.

TS. Nguyễn Ngọc Hùng còn nhấn mạnh đến 4 giải pháp hàng đầu được lựa chọn trong việc phát triển giáo viên tiếng anh khi thành lập các TTNNXS như công tác xây dựng năng lực tiếng anh cho GV, nâng cao năng lực giảng dạy, kiểm tra đánh giá và nghiên cứu ứng dụng, chất lượng chuẩn đầu ra…

Theo TS. Huỳnh Thanh Triều, việc xây dựng những TTNNXS là một chủ trương hết sức thiết thực trong ĐANNQG 2020 trước quá trình hội nhập cũng như việc chuẩn hóa hệ thống bằng cấp và chứng chỉ quốc gia theo chuẩn quốc tế.  “Để chuẩn hóa trình độ của SV ngành tiếng Anh theo hệ thống đánh giá quốc tế hiện nay, chúng ta vẫn khuyên các em sắp tốt nghiệp lấy các chứng chỉ TOEFL, TOEIC, IELTS hay các chứng chỉ tương đương bậc 5 của khung tham chiếu Châu Âu. Trên lý thuyết, đây là một nghịch lý. Nó chẳng khác gì việc chúng ta cần mẫn dạy các em trong suốt 4 hoặc 5 năm rồi nói: Bằng cấp của chúng tôi chẳng có giá trị gì đâu, các em hãy đi tìm sự công nhận ở nơi khác”, TS. Huỳnh Thanh Triều bày tỏ quan điểm.  

Về xây dựng các tiêu chí để thành lập TTNNXS, PGS.TS Trần Văn Phước, Hiệu trưởng trường ĐH Ngoại ngữ Huế đã nêu ra các tiêu chí đánh giá năng lực cốt lõi của TTNNXS. Trong đó, PGS.TS Trần Văn Phước nhấn mạnh đến năng lực xây dựng chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ, năng lực đánh giá khả năng phát triển nghiệp vụ của giáo viên và giảng viên, năng lực kết nối và kiến tạo cộng đồng, khả năng ứng dụng các năng lực và tiêu chí trong việc xây dựng TTNNXS…

Các đại biểu đến từ các trường đại học tham dự Hội thảo Xây dựng các tiêu chí thành lập Trung tâm Ngoại ngữ
Các đại biểu đến từ các trường đại học tham dự Hội thảo Xây dựng các tiêu chí thành lập Trung tâm Ngoại ngữ

Để thực hiện kế hoạch triển khai đề án NNQG 2020 của Bộ GD&ĐT, trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng cũng đã đề xuất dự án thành lập một Trung tâm ngoại ngữ xuất sắc trực thuộc trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng. PGS. TS Phan Văn Hòa, Hiệu trưởng trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng cho biết “Mục tiêu của TTNNXS (gọi tắt là RTDC) nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện khuyến khích các cơ sở đào tạo sư phạm huy động nguồn lực để tiếp cận và phát triển năng lực ngôn ngữ, năng lực sư phạm cho GV tiếng Anh bằng các khóa bồi dưỡng tại chỗ ở các địa phương, cấp chứng chỉ theo khung năng lực NN Châu Âu…”.

Ngoài các vấn đề trên, các đại biểu còn đưa ra nhiều ý kiến thảo luận như: Tên gọi các TTNNXS khi được thành lập, hoạt động của một TTNNXS như thế nào, các tiêu chí đánh giá chất lượng một TTNNXS, đánh giá năng lực ngoại ngữ trên khung tham chiếu châu Âu và những vấn đề còn bất cập trong việc dạy và học, thi cử đến các đề án, CSVC trang thiết bị khi xây dựng một TTNNXS theo đề án NNQG 2020 của Bộ GD&ĐT.

PGS.TS Trần Văn Phước, Hiệu trưởng trường ĐH Ngoại ngữ Huế đề xuất: Một TTNNXS phải có 1 tạp chí gắn liền với trường đại học của trung tâm đó để việc triển khai xã hội hóa tiếng anh được thuận lợi. Bên cạnh đó, TTNNXS phải đưa ra được các bài soạn hợp lý, các tài liệu, chương trình nâng cao tiếng anh online để ứng dụng thông tin vào các cấp học. Có như thế thì việc dạy và học tiếng anh phải mới được xã hội hóa.

TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục thường xuyên, Bộ GD&ĐT còn cho biết: “Hiện nước ta có hơn 2000 Trung tâm ngoại ngữ, thế nên khi chúng ta đưa ra tiêu chí thành lập một TTNNXS thì cần quan tâm đến phạm vi và nội dung hoạt động của trung tâm đó sẽ như thế nào. Chúng ta cần phải có sự phân loại đánh giá toàn bộ hệ thống giáo viên tiếng Anh, đó là trách nhiệm của giáo dục ko chính quy trong việc xây dựng TTNNXS”.

Sau khi lắng nghe các ý kiến của các đại biểu trình bày các tiêu chí để thành lập TTNNXS, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh: Nhiệm vụ của các trung tâm trước hết là đào tạo bồi dưỡng đội ngũ giáo viên cho vùng, nâng cao năng lực ngoại ngữ ở vùng đó. Ngoài ra, TTNNXS còn là các đầu mối thu hút quan hệ quốc tế, hợp tác quốc tế của vùng… và chuẩn đầu ra tính theo khung chuẩn 6 bậc Châu Âu”.
Để hỗ trợ và kết nối các trung tâm có kết quả, Thứ trưởng còn đề nghị các trường đại học đăng ký với Bộ phận thường trực đề án NNQG 2020 các chiến lược, hướng phát triển… và yêu cầu bộ phận thường trực đề án đưa ra các tiêu chí đánh giá thi đua, khen thưởng hàng năm giữa các Trung tâm để thúc đẩy các TTNNXS phát triển trong tương lai.

Các Vụ, Cục, TT Nghiên cứu GDĐH  cũng như các đại biểu có mặt đều ủng hộ việc thành lập ngay một TTNNXS đáp ứng nhu cầu chuyên môn mà Đề án NNQG 2020 đề ra.

Anh Khoa-Thanh Huế

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ