Hướng đến năm học mới - thành công mới

Hướng đến năm học mới - thành công mới

(GD&TĐ) - Sáng 6-8, tại Cần Thơ, Bộ GD&ĐT và các vụ chức năng  đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học mới 2012-2013 ở các cấp học.

GD trung học, GD thường xuyên: Tập trung đổi mới phương pháp

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ GD trung học và GDTX năm học 2012 – 2013, thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển chỉ đạo:  tiếp tục thực hiện chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong GD, tập trung thực hiện đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá…

 thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển chỉ đạo
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển phát biểu chỉ đạo HN

Báo cáo của Vụ GD trung học cho thấy năm học 2011-2012 quy mô các trường trung học tiếp tục ổn định, cơ bản đã đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân. Do số lượng HS THCS giảm, nhiều Sở GD& ĐT đã chỉ đạo giảm sĩ số HS/lớp để tăng cường hỗ trợ thực hiện đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá. Cấp THCS có tổng số 10.859 trường, tăng 115 trường so với năm học trước. Cấp THPT có tổng số 2.678 trường, tăng 71 trường so với năm học trước. Về quy mô HS, cấp THCS có 4.845.942 HS, so với năm trước tăng 38.860 HS. Cấp THPT có 2.460.556 HS, giảm 302.447 HS so với năm học trước.

Theo ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ GD Trung học, Bộ GD& ĐT, từ sự nỗ lực của các cấp chính quyền và ngành GD, hệ thống trường lớp ngày càng phát triển. Trong đó hệ thống trường chuẩn quốc gia được quan tâm đầu tư, toàn quốc có 2.748 trường đạt chuẩn quốc gia (tỉ lệ 25,71%), tăng 407 trường so với năm học trước. Cấp THPT có 378 trường chuẩn quốc gia (tỉ lệ 14,28%), tăng 86 trường so với năm học trước. Một số tỉnh có nhiều trường đạt chuẩn quốc gia như Thanh Hóa, Lào Cai, Đắk Lắk, Bình Định, Phú Thọ, Hải Dương, Hải Phòng, Nghệ An,… Bên cạnh đó các địa phương còn triển khai Đề án phát triển và hiện đại hóa hệ thống các trường THPT chuyên giai đoạn 2010 - 2020, sẽ tập trung vào việc củng cố, nâng cấp trường chuyên theo hướng đạt chuẩn quốc gia.

Với hệ thống trường lớp, cơ sở vật chất ngày càng hoàn thiện, các trường đang hướng tới dạy học 2 buổi/ngày. Theo đó cấp THCS, tổng số trường có 100% số lớp học 2 buổi ngày là 1.402 trường (tỉ lệ 13,11%), so với năm học trước tăng 352 trường. Tổng số trường có một số lớp học 2 buổi/ngày là 1.611 (tỉ lệ 15,06%), so với năm học trước tăng 287 trường. Cấp THPT, tổng số trường có 100% số lớp học 2 buổi ngày có 466 trường (tỉ lệ 17,37%) Tổng số trường có một số lớp học 2 buổi/ngày là 496 (tỷ lệ 18,49%), so với năm học trước tăng 89 trường.

Ngoài việc tiếp tục thực hiện tích hợp một số nội dung môn học và các hoạt động GD. Việc GD các nội dung địa phương được các Sở GD quan tâm thực hiện tốt. Nhiều Sở GD tham mưu lãnh đạo tỉnh, thành phố tổ chức lựa chọn, xây dựng chương trình, biên soạn bộ tài liệu về nội dung GD địa phương các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Âm nhạc, nghệ thuật truyền thống như hát Quan họ Bắc Ninh, hát Xoan Phú Thọ,… Một số tỉnh thực hiện tốt việc dạy tích hợp các nội dung GD địa phương như Bắc Ninh, Phú Thọ, Hải Dương, Quảng Ninh, Thái Bình, Hưng Yên, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Cà Mau,…

Ở nhiều địa phương, cơ sở GD trung học, hoạt động đổi mới phương pháp dạy học tiếp tục được triển khai cụ thể, sâu rộng hơn. Nhiều nơi chú trọng tổ chức cho GV nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng, sáng kiến cải tiến. Quan tâm xây dựng đội ngũ giáo viên cốt cán trong mỗi bộ môn, mỗi cơ sở GD, mỗi cấp học ở địa phương, xây dựng mạng lưới đội ngũ GV cốt cán toàn quốc. Trên cơ sở tinh giảm nội dung, nhiều trường đã tổ chức tốt dạy học phân hoá theo năng lực của HS dựa theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS, THPT…

Về công tác phổ cập GD, tính đến nay có 63/63 tỉnh, thành phố duy trì được kết quả phổ cập GD THCS đã đạt được 10.714/10.741 đơn vị cấp xã đạt chuẩn (tỉ lệ 99,7%) tăng so với năm trước 45 xã; 673/673 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn PCGDTHCS (tỉ lệ 100%). Tuy nhiên, hiện vẫn còn 27 xã của 18 tỉnh, thành phố chưa đạt chuẩn PCGD THCS.   

Năm học 2012-2013, GD trung học sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như tăng cường thực hiện tốt các cuộc vận động và phong trào thì đua của ngành. Tăng cường chỉ đạo thực hiện chương trình, kế hoạch GD, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động GD như: rà soát, đáng giá thường xuyên chương trình sách giáo khoa THCS, THPT, so sánh nội dung các môn học để tiếp tục chỉ đạo thực hiện nội dung dạy học theo hướng tích hợp… Tập trung chỉ đạo, tạo được chuyển biến cơ bản về đổi mới kiểm tra đánh giá, đổi mới phương pháp dạy, học, dây học phân hóa trên cơ sở chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình GD phổ thông. Tăng cướng đổi mới phương pháp GD đạo đức, tổ chức các hoạt động GD ngoài giờ lên lớp, GD hướng nghiệp theo tinh thần lồng ghép và tích hợp. Chú trọng GD giá trị, GD kỹ năng sống cho HS, đặc biệt là HS dân tộc, vùng núi. Thực hiện tích hợp ở một số nội dung môn học và các hoạt động GD. Đổi mới công tác quản lý GD trung học, tăng cường công tác phânc cấp quản lý cho các Sở GD& ĐT, các trường trung học.Triển khai công tác bồi dưỡng thường xuyên cho GV THCS, THPT, quan tâm xây dựng đội ngũ GV cốt cán; Tăng cường xây dựng cơ sở vật chất trường học, cải tạo cảnh quan nhà trường, xây dựng nhà trường theo hướng kiên cố hóa, hiện đại hóa, chuẩn hóa, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, phấn đấu năm 2013 có 30% số trường THCS và 20% trường THPT đạt chuẩn quốc gia… Tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện phổ cập GD THCS vào tháng 11/2012…

Năm học 2011 - 2012 GDTX có bước phát triển đáng ghi nhận, trong đó công tác xây dựng xã hội học tập và các Trung tâm học tập cộng đồng đã phát huy hiệu quả. Từ đó công tác GD, dạy nghề được triển khai khá thuận tiện và đồng bộ. Năm học vừa qua hệ thống trung tâm GDTX trên cả nước tiếp tục được phát triển về quy mô, số lượng, địa bàn và mở rộng về chức năng, nhiệm vụ.

Về Giáo dục thường xuyên, theo báo cáo, cả nước hiện có 70 TT GDTX cấp tỉnh, 642 TT GDTX cấp huyện, (tăng 6 trung tâm so với năm học trước), chiếm tỉ lệ 91,45% tổng số huyện/thị. Trong đó, có 34 tỉnh/thành đạt 100% huyện/thị có TT GDTX. Toàn quốc đã đầu tư xây dựng mới thêm 331 phòng học kiên cố (trung bình 0.5 phòng/trung tâm); mua sắm thêm 1.186 máy tính (trung bình 1,7 máy/trung tâm). Một số tỉnh đã kết nối Internet cho 100% TT GDTX như Hòa Bình, Quảng Trị, Đắk Nông,... Việc ứng dụng CNTT trong quản lý và dạy học được tăng cường hơn trước. Nhờ vậy, ở nhiều nơi, GV đã sử dụng thành thạo bảng tương tác thông minh vào quá trình dạy học. Một số tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các TT GDTX như Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Quảng Ninh… Tỉnh Yên Bái đang xây dựng Đề án phát triển các TT GDTX giai đoạn 2012 - 2015…

Theo ông Nguyễn Công Hinh - Vụ trưởng Vụ GDTX, Bộ GD& ĐT cho biết, cả nước huy động được 19.910 người học xóa mù chữ, số người mù chữ độ tuổi 15 - 35 được huy động ra lớp học xóa mù chữ là 12.176 người. Nâng tỷ lệ người biết chữ độ tuổi từ 15 trở lên là 98,05%. Bên cạnh các TT GDTX thực hiện nhiệm vụ GDTX - Hướng nghiệp hay GDTX - Dạy nghề có nhiều địa phương đã xây dựng thí điểm TT GDTX cấp huyện thực hiện 3 nhiệm vụ: GDTX - Hướng nghiệp - Dạy nghề như Cao Bằng, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Yên Bái, Ninh Bình,Thái Bình,… Mạng lưới các Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) phát triển khá mạnh, cả nước có 10.823 TTHTCĐ, tăng 129 trung tâm so với năm học trước (đạt tỷ lệ 97,3% xã/phường/thị trấn có TTHTCĐ). Trong đó, có 48 tỉnh/thành đạt 100% số xã, phường, thị trấn có TTHTCĐ, tăng 2 tỉnh so với năm học trước. 

Về công tác dạy, học, hầu hết các địa phương đã thực hiện dạy học, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập theo chuẩn kiến thức, kĩ năng và bám sát hướng dẫn điều chỉnh nội dung chương trình theo hướng giảm tải phù hợp với đối tượng học viên. Việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy học và quản lý được các địa phương quan tâm hơn trước, đặc biệt là ứng dụng CNTT hỗ trợ đổi mới phương pháp dạy học. Các địa phương đã tổ chức các lớp tập huấn về đổi mới phương pháp dạy học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng chương trình GDTX cấp THPT…

Năm học 2012-2013, GDTX tiếp tục nâng cao nhận thức cho mọi người về học tập suốt đời và xây dựng XHHT; thực hiện có hiệu quả việc xây dựng XHHT từ cơ sở; tập trung củng cố mô hình hoạt động của các TT GDTX và TTHTCĐ theo hướng một cơ sở thực hiện nhiều nhiệm vụ; tăng cường đầu tư xây dựng, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, nâng cao năng lực cho đội ngũ CB, GV các cơ sở GDTX để thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng thường xuyên cho đội ngũ GV của ngành và tổ chức các lớp giáo dục kĩ năng sống cho HS, SV và người lao động; đa dạng hoá nội dung, chương trình và hình thức học tập nhằm đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên, suốt đời của mọi người; đổi mới PPDH, đổi mới kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học viên nhằm nâng cao chất lượng dạy học; đổi mới công tác quản lý, tăng cường nền nếp, kỉ cương trong các hoạt động chuyên môn; chú trọng ứng dụng CNTT trong quản lý, dạy học và nghiên cứu; nâng cao hiệu quả công tác chống mù chữ…

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD& ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, năm học 2011 - 2012 và năm học mới 2012 - 2013 là năm học rất quan trọng, đặt nền móng cho việc tham mưu xây dựng chủ trương, chính sách thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, đổi mới căn bản toàn diện GDĐT nước nhà. Theo Thứ trưởng, năm học vừa qua đã thực hiện nhiều đổi mới như đổi mới về phân cấp quản lý GD, đổi mới về cơ chế tài chính, đang đổi mới về tổ chức hoạt động GD, cụ thể là GDTX và GD trung học; Đang hướng tới xây dựng nền GD mở, nhà trường mở, gắn với xã hội, liên thông các cấp bậc với nhau như liên thông GDTX không chính quy và GD chính quy; Đang hướng tới việc đổi mới kiểm tra đánh giá, hướng tới đánh giá năng lực của người học…

Năm học 2012 - 2013, Thứ trưởng lưu ý cần tập trung một số việc như tiếp tục thực hiện chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong GD. Đặc biệt là thi tốt nghiệp THPT, Thứ trưởng đề nghị các Sở GD& ĐT làm tốt hơn và thực hiện nghiêm túc. Vấn đề tiếp theo là phải tập trung thực hiện đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá. Năm học mới, theo Thứ trưởng một số bức xúc trong ngành phải khắc phục một cách triệt để: một là dạy thêm học thêm trái quy định, hai là thu góp trái quy định. Đối với đội ngũ GV và cán bộ quản lý GD, công tác quản lý phải dân chủ, công khai, đánh giá phải công khai, công bằng…Cần tạo động lực cho GV kiểm tra đánh giá và tự học, tự bồi dưỡng, tạo cơ hội cho GV có điều kiện để đổi mới; Động viên việc sử dụng thiết bị dạy học trong nhà trường, sử dụng thiết bị dạy học theo tinh thần đổi mới phương pháp dạy học trong các nhà trường phổ thông nói chung và trường chuyên là mẫu hình đi trước…

Giáo dục mầm non: Phát triển có tính chiều sâu

Phát biểu khai mạc hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học của giáo dục mầm non (GDMN), thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh: Năm học2011-2012 GDMN đã có nhiều khởi sắc, đạt những bước tiến đáng ghi nhận.

Phát huy “năm vàng”

Báo cáo trước hội nghị, Vụ trưởng vụ GDMN Lê Minh Hà cho biết: Trong năm học qua, ngành GDMN đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ: Chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ được chuẩn hóa, công tác đầu tư cơ sở vật chất, huy động trẻ đến trường ở tất cả các độ tuổi đều tăng mạnh. Trong đó, tỉ lệ trẻ nhà trẻ đến trường tăng 1,2% (22,7%), tỉ lệ trẻ mẫu giáo tăng 1,9% (84,4%). Riêng trẻ mẫu giáo 5 tuổi đến trường đạt tỉ lệ 98,6%. Đặc biệt, công tác chăm sóc nuôi dạy có chuyển biến mạnh khi tỉ lệ trẻ được ăn bán trú ở nhà trẻ đạt 91% ( tăng 4%), mẫu giáo đạt 76,8% (tăng 4,8%). Tỉ lệ trẻ nhẹ cân, suy dinh dưỡng, thể thấp còi…giảm từ 1,1-5,9%.

p
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa, vụ trưởng Lê Minh Hà chủ trì hội nghị

Năm học qua, công tác nâng chuẩn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho GV MN đã mang lại kết quả hết sức ấn tượng khi GV đạt chuẩn (96,2%) và trên chuẩn (47%) tăng từ 2-7,8%, CBQL có trình độ đạt chuẩn (97,2%) và trên chuẩn (77,4%) tăng từ 2,6-7%. Năm học 2011-2012, cũng ghi nhận sự phát triển vượt bậc của bậc MN trong công tác xây dựng trường MN đạt chuẩn QG khi cả nước có thêm 402 trường đạt chuẩn, nâng tổng số trường lên 2.828 trường, đạt tỉ lệ 21%.

Tại hội nghị, vụ trưởng Lê Minh Hà đặc biệt lưu ý các địa phương cần rút kinh nghiệm trong việc thực hiện công tác báo cáo bởi đang còn quá nhiều sai sót; Các địa phương thực hiện công tác PCGDMN 5 tuổi phải  thực chất, tránh chạy theo phong trào, gây thêm áp lực cho địa phương. Dù năm học 2011-2012 được ví như là “năm vàng” thành công của bậc GDMN, nhưng vụ trưởng Lê Minh Hà vẫn mong các tỉnh không được “ngủ quên” trên chiến thắng. Đặc biệt, cần phải hướng đến thực hiện một cách có chiều sâu các nhiệm vụ của năm học 2012-2013.

10 nhiệm vụ trọng tâm năm học 2012-2013 được xác định cho toàn ngành GD Mầm non: Tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng nuôi dạy chăm sóc trẻ, thực hiện công tác PCGDMN 5 tuổi, củng cố mở rộng mạng lưới trường lớp, phát huy một cách hiệu quả hơn nữa các cuộc vận động, phong trào thi đua của ngành (THTT, Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh), tập trung xây dựng và nâng cao đội ngũ GV, CBQL, thực hiện nghiêm và hiệu quả hơn công tác đánh giá chất lượng GDMN, song song với công tác tăng cường thanh tra, kiểm tra toàn diện… Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa  lưu ý: Các địa phương cần khai thác tốt hơn nữa thế mạnh của riêng mình. Trên nền tảng đó, năm học tới cố gắng từng bước tháo gỡ những khó khăn về đội ngũ, trường lớp, hướng đến việc phát triển ngành học một cách đồng bộ.

Quyết liệt cùng nhau tháo gỡ khó khăn

Mặc dù năm học qua  là năm đại thành công của GDMN, nhưng những thách thức trong năm học tới vẫn không phải là nhỏ:  Cơ sở vật chất còn thiếu thốn (cả nước còn thiếu 21.058 phòng học), đội ngũ GV vẫn thiếu hụt nhiều (hàng ngàn người), số lớp ghép 2-3 tuổi vẫn còn nhiều, công tác quản lý các cơ sở GDMN NCL tại một số địa phương chưa chặt chẽ, nhiều địa phương còn chậm và khó khăn trong việc hỗ trợ, giải quyết chế độ chính sách cho GV .

Đóng góp ý kiến tại hội nghị, bà Triệu Duy Trần Đông Thảo, trưởng phòng GDMN, Sở GD&ĐT tỉnh Sóc Trăng đề xuất: Bộ GD-ĐT cần có chương trình hỗ trợ kinh phí cho các địa phương đặc biệt khó khăn để xây trường lớp. Đồng thời, giúp các địa phương chủ động trong việc hỗ trợ kinh phí cho trẻ 5 tuổi (trước năm học mới) theo NĐ 49 CP của Thủ tướng Chính phủ, nhằm góp phần huy động trẻ đến trường và đảm bảo việc học 2 buổi/ngày. Song song công tác hỗ trợ về kinh phí, vụ GDMN cần tăng cường hơn nữa công tác bồi dưỡng chuyên môn cho CBQL, GVMN ở các tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc, khó khăn về kinh phí, hỗ trợ thêm tài liệu tham khảo, học tập để giúp các địa phương có cơ sở sớm tháo gỡ những khó khăn đang tồn tại.

Bà Nguyễn Thị Hồng Vân, trưởng phòng GDMN, Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La cho rằng:  để nâng cao chất lượng GDMN, các địa phương cần có lộ trình và quyết tâm xây dựng được hệ thống trường chuẩn quốc gia. Xem đó như những “hạt nhân” trong sự phát triển, nâng cao chất lượng dạy học, chuẩn chất đội ngũ GV cho tỉnh nhà. Bởi theo bà, khi chúng ta có được một hệ thống trường chất lượng, với một đội ngũ GV-CBQL đạt chuẩn, giàu kinh nghiệm, chắc chắn công tác PCGDMN 5 tuổi, đánh giá chất lượng GDMN sẽ có nhiều thuận lợi.

Bà Cao Thị Bích Nhuận, trưởng phòng GDMN, Sở GD &ĐT tỉnh Quảng Bình hiến kế: Việc đẩy mạnh công tác chuyển đổi loại hình trường bán công sang công lập sẽ giải quyết được rất nhiều khó khăn về chỗ học, điều kiện phát triển, nút thắt về đội ngũ GV. Mặt khác, sẽ tạo cho các địa phương có thêm nhiều điều kiện xây dựng trường MN đạt chuẩn quốc gia, đảm bảo công tác PCGDMN 5 tuổi hiệu quả, đồng thời giúp san sẻ gánh nặng sĩ số cho các trường CL. Trong 2 năm qua, được sự chỉ đạo của Bộ, sự quyết liệt từ lãnh đạo địa phương, chúng tôi đã chuyển đổi được 105 trường MNBC sang MNCL, giúp tháo gỡ rất nhiều khó khăn, mang lại hiệu quả cho công tác phát triển giáo dục của địa phương ổn định hơn.

Ngoài các kiến nghị trên, tại hội nghị các đại biểu còn đưa ra rất nhiều giải pháp để cùng nhau tháo gỡ khó khăn, đồng thời chọn những hướng đi hiệu quả cho giai đoạn tới. Trong đó, nhiều ý kiến tập chung vào việc phát huy tác dụng việc dạy tiếng Việt cho trẻ em dân tộc, tăng cường hỗ trợ cho GV vùng xa, đẩy mạnh việc chuyển đổi loại hình trường và đẩy mạnh công tác quy hoạch mạng lưới trường lớp.

Kết luận hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học, thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa yêu cầu các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để thay đổi sâu sắc hơn nữa nhận thức của xã hội về vai trò và tầm quan trọng của GDMN trong hệ thống giáo dục quốc dân. Đồng thời  đẩy mạnh công tác quy hoạch mạng lưới trường lớp, tiếp tục đảm bảo đời sống, tạo điều kiện cho GV, đặc biệt là ở các vùng khó, để GV yên tâm công tác,  tạo tiền đề cho công tác PCGDMN 5 tuổi thuận lợi hơn.

Thứ trưởng cũng lưu ý các địa phương (còn trường MNBC-536 trường) chưa chuyển đổi cần phải tích cực hơn trong việc thực hiện chuyển đổi để việc thực hiện thông tư 60 được hiệu quả hơn. Riêng với công tác chăm lo cho trẻ em vùng dân tộc, trẻ thuộc độ tuổi 3-4, thứ trưởng yêu cầu các địa phương có nhiều dân tộc anh em cần phải đặc biệt lưu ý và quan tâm. Công tác quản lý các nhóm, lớp MN tư thục, việc triển khai xây dựng trường  MN các KCN (các tỉnh có nhiều KCN) cần phải được xiết chặt và chú trọng nhiều hơn, giúp cho cơ hội và điều kiện đến lớp của trẻ tốt hơn.

Thứ trưởng cũng mong muốn các đồng chí CBQL đã và đang mang lại bước chuyển mình cho giáo dục của địa phương tiếp tục phát huy, sáng tạo nhiều hơn nữa trong công tác, trong các chiến lược phát triển GDMN của địa phương để việc phát triển của ngành ngày càng vững chắc và ổn định.

Giáo dục tiểu học: Phân cấp quản lý triệt để, phát huy tính chủ động ở cơ sở

Đến dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học của giáo dục tiểu học (GDTH), Thứ trưởng Trần Quang Quý nhấn mạnh:Trọng tâm của năm học 2012-2013 là đổi mới phương pháp giảng dạy theo những mô hình giáo dục mới, đổi mới phương pháp quản lý theo hướng tăng cường tính chủ động cho  cơ sở.

Báo cáo tại hội nghị cho thấy những thành tựu nỗi bật của GDTH trong năm học qua như:  mạng lưới trường lớp được mở rộng, trong đó lớp học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày tăng 51,8% so với năm học trước. Trong năm học qua đã có thêm 7.150 trường TH đạt chuẩn quốc gia, tăng 46,68%, trong đó có 522 trường đạt chuẩn cấp độ II; Có 59/63 tỉnh thành đạt phổ cập TH đúng độ tuổi. Qua 4 năm thực hiện phong trào thi đua xây dựng THTT HSTC đã có những kết quả tốt: nhiều trường xây dựng được qui tắc ứng xử, đưa dân ca, trò chơi dân gian vào nhà trường, từ đó giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh có bước chuyển biến mạnh mẽ, học sinh bỏ học giảm mạnh, giảm  trên 90.000 em so với năm trước, chỉ còn 88.355 em.

Theo triển khai nhiệm vụ năm học mới 2012-2013 của Vụ GDTH, vấn đề dạy thêm, học thêm trái với đạo đức nhà giáo, ép học sinh học trước chương trình, nhất là dạy chữ trước khi vào lớp 1 phải được khắc phục trong năm học mới. Việc thu học phí tràn lan, gây bức xúc cho phụ huynh, gây bức xúc cho xã hội cũng cần chấm dứt. Tuy nhiên việc bồi giỏi, nâng kém là việc làm cần duy trì, làm  cơ sở để nâng cao chất lượng giáo dục. Song song đó,  phải tăng cường phát huy mô hình giáo dục chất lượng cao (chớ không phải trường chất lượng cao), chú ý đảm bảo chất lượng phổ cập giáo dục cho mọi trẻ em. Trong các mô hình chất lượng cao phải đảo bảo công khai: chất lượng giáo dục, chất lượng giáo viên, cơ sở vật chất, thu chi... từ đó làm cơ sở vận động xã hội hóa. 

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Quang Quý
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Quang Quý

Năm học 2012-2013, phải đổi mới quản lý và phân cấp quản lý triệt để; Nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác giáo dục (đạo đức, chuyên môn, nghiệp vụ);  Nâng cao chất lượng giáo dục thông qua chuẩn kiến thức và rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh; đổi mới phương pháp dạy học: dạy tích cực, lấy hoạt động của HS làm trung tâm. Năm học này sẽ triển khai tiếng Việt lớp 1, chương trình Công nghệ Giáo dục ở 18 tỉnh thành; Triển khai mô hình trường học mới (VNEN) ở 1.447 trường tiểu học khắp 63 tỉnh thành; Triển khai mô hình “Bàn tay nặn bột” ở 63 tỉnh thành, mỗi tỉnh, thành 2 trường tiểu học.  Riêng, vấn đề dạy tiếng Anh, phấn đấu đến năm 2020, có 100% trường tiểu học có dạy tiếng Anh từ lớp 3 đến lớp 5; Đưa tiếng Anh vào lớp 3, dạy 4 tiết/tuần phải tiến hành tuần tự, thực chất không nóng vội, theo nguyên tắc: Không chạy theo số lượng; đảm bảo chất lượng; nơi nào có điều kiện có thể “đi nhanh, về sớm”, nơi không đủ điều kiện thì không triển khai dạy tiếng Anh ở bậc tiểu học. Điều kiện đó là: lớp phải học 2 buổi/ngày; giáo viên phải đạt chuẩn tiếng Anh B2, theo khung tham chiếu châu Âu; lớp học không quá 35 học sinh; phương tiện, thiết bị dạy học phải đầy đủ. 

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Trần Quang Quý biểu dương thành tích đạt được trong năm học qua của GDTH và nhấn mạnh nhiệm vụ: Trong năm học mới 2012-2013, GDTH cần tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy theo 3 mô hình mới như Vụ tiểu học đã triển khai;  Đổi mới quản lý mạnh mẽ theo hướng làm sao phát huy tính chủ động ở cơ sở; Phải chấm dứt việc dạy thêm học thêm trái với đạo đức nhà giáo. Vùng sâu, vùng xa huy động học sinh vào lớp 1 khá vất vả, nhưng ở các thành phố lớn có nhiều phức tạp khi xin con vào học lớp 1 cũng cần chấn chỉnh. Chống lạm thu là cần thiết, nhưng vận động xã hội hóa phải thực hiện công khai, minh bạch. GDTH cũng cần khắc phục  tình trạng chênh lệch  tỉ lệ học sinh TH trung bình, yếu kém giữa các vùng miền: đồng bằng sông Hồng  có 11%, trong khi có vùng lên tới 40%.

Giáo dục chuyên nghiệp: Chuyển từ số lượng sang chất lượng

Dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học mới 2012-2013 của Giáo dục Chuyên nghiệp, thứ trưởng Bùi Văn Ga đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong công tác GDCN thời gian qua, đề nghị  lãnh đạo các Sở GD-ĐT, các trường ĐH, CĐ, các cơ sở GD cần đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong năm học tới 2012-2013 cũng như những năm tiếp theo.

 thứ trưởng Bùi Văn Ga
Thứ trưởng Bùi Văn Ga trao đổi cùng các đại biểu dự HN

Theo báo cáo, tuy quy mô HS tăng nhưng công tác tuyển sinh trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) còn gặp khó khăn, tổng số HS nhập học trong năm học qua chỉ đạt 71,1% so với chỉ tiêu đã xác định, các cơ sở không tuyển đủ chỉ tiêu chủ yếu là các trường TCCN tư thục. Năm học 2011-2012, cả nước có tổng số 596 cơ sở có đào tạo TCCN, trong đó trường TCCN gồm 272 trường; Trường cao đẳng đào tạo TCCN gồm 204 trường; Trường đại học đào tạo TCCN gồm 86 trường; Các cơ sở khác đào tạo TCCN gồm 34 cơ sở. Năm học vừa qua, Bộ GD&ĐT tiếp tục cắt giảm chỉ tiêu tuyển sinh TCCN ở những trường ĐH vốn không có truyền thống đào tạo nghề hoặc trong tuyển sinh, tổ chức đào tạo vi phạm quy chế. Trong những năm tới Bộ vẫn tiếp tục thực hiện chủ trương này và điều chỉnh chỉ tiêu hệ vừa làm vừa học CĐ,  ĐH để tạo điều kiện cho các trường tập trung nâng cao chất lượng đào tạo hệ chính quy. Tình hình tuyển sinh TCCN năm qua nói chung mặc dù diễn ra khá suôn sẻ nhưng tính cạnh tranh nguồn tuyển sinh HS tốt nghiệp THPT giữa các trường ngày càng gay gắt. Các nhóm ngành đào tạo, đặc biệt là sự phát triển “nóng” của người học nhóm ngành y tế tăng cao ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Cần Thơ... Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất trong tuyển sinh TCCN vẫn là sự thiếu thông tin tuyển sinh, ngành đào tạo đối với những HS ở các vùng mà điều kiện đi lại, thông tin liên lạc còn gặp khó khăn và năng lực trình độ cán bộ làm công tác tuyển sinh ở các cơ sở đào tạo TCCN mới thành lập còn hạn chế... Thời gian qua, các địa phương và nhà trường đã có nhiều cố gắng để nâng cao chất lượng đào tạo TCCN. Tuy nhiên, do còn nhiều khó khăn về CSVC nên chất lượng đào tạo TCCN chưa được cải thiện nhiều, kỹ năng thực hành của HS còn chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Đặc biệt, các kỹ năng “mềm” chưa được cải thiện nhiều. Việc liên kết, hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp chưa hình thành thường xuyên liên tục, tâm lý thụ động trong tìm các đối tác doanh nghiệp vẫn còn khá phổ biến ở nhiều trường TCCN công lập...

Nhằm phát triển từ số lượng sang nâng cao chất lượng trong năm học tới 2012-2013 và chiến lược phát triển GD giai đoạn 2011-2020 đã được Chính phủ phê duyệt, GD chuyên nghiệp đã đề ra một số phương hướng cụ thể: Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, sáng tạo, có hiệu quả và sâu rộng hơn các cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức về học và sáng tạo”....; Đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu phát triển của xã hội; Tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo TCCN; Tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo, chú trọng thực hiện quy hoạch và phát triển nhân lực các cơ sở GD TCCN; Thực hiện quy chế công khai đối với các cơ sở GD, thực hiện đổi mới cơ chế quản lý tài chính… Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe ý kiến thảo luận một số vấn đề trong công tác đào tạo TCCN trong thời gian qua của một số Sở GD-ĐT, trường trung cấp, CĐ, ĐH, các cơ sở đào tạo... Bên cạnh đó, chỉ ra những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc, đồng thời đề ra một số giải pháp, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế trong công tác tuyển sinh, đào tạo... đối với GDCN trong thời gian tới.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong công tác GDCN thời gian qua. Thứ trưởng đề nghị lãnh đạo các Sở GD-ĐT, các trường ĐH, CĐ, các cơ sở GD cần đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong năm học tới 2012-2013 cũng như những năm tiếp theo: Triển khai thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của Chiến lược phát triển GD và Chiến lược dạy nghề giai đoạn 2011-2020, thực hiện đổi mới văn bản, toàn diện GDCN theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, dân chủ hoá, xã hội hoá và hội nhập quốc tế; Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; triển khai có hiệu quả, sáng tạo, đi vào chiều sâu  các cuộc vận động lớn của ngành; Tiếp tục thực hiện nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo TCCN; đẩy mạnh công tác truyền thông về GDCN và tham mưu cho các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương triển khai thực hiện tốt hơn nữa chủ trương đào tạo theo nhu cầu xã hội và các giải pháp phân luồng HS sau THCS và TCCN...

Trung Toàn-Anh Tú, Nguyễn Ngọc, Quốc  Ngữ

TIN LIÊN QUAN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ