Hướng dẫn tổ chức hội nghị cử tri ở nơi có đông hộ dân

Hướng dẫn tổ chức hội nghị cử tri ở nơi có đông hộ dân

(GD&TĐ) – Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBTWMTTQVN) vừa có hướng dẫn cụ thể đối với trường hợp tổ chức hội nghị cử tri giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu HĐND cấp xã ở thôn, tổ dân phố có đông hộ gia đình sinh sống, có nơi tới vài trăm hộ, thậm chí lên tới hơn nghìn hộ.

 

Mặc dù Nghị quyết 02/2011/NLT /UBTVQH-CP-ĐCTUBTWMTTQVN đã hướng dẫn việc tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú với những người ứng cử đại biểu Quốc hội và ứng cử đại biểu HĐND, song thực tế ở một số địa phương, do đặc điểm dân cư đông đúc, số lượng hộ gia đình nhiều (lên tới nghìn hộ) nên UBTWMTTQVN phải có thêm hướng dẫn cụ thể đối với trường hợp này.

Với thôn, tổ dân phố từ 200 hộ trở lên, không nhất thiết họp toàn thể

Theo đó, những địa phương có thôn, tổ dân phố có từ 200 hộ gia đình trở lên, khi tổ chức hội nghị cử tri giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND cấp xã ở thôn, tổ dân phố thì không nhất thiết họp toàn thể mà tùy theo điều kiện của địa phương mình, tiến hành tổ chức nhiều cuộc họp chia theo từng đơn vị như cụm, xóm, tổ liên gia, đội sản xuất, tổ sản xuất của hợp tác xã,... trên cơ sở bảo đảm và tuân thủ nội dung, thủ tục, trình tự quy định.

Sau đó, Ban công tác Mặt trận ở thôn, tổ dân phố có trách nhiệm tổng hợp kết quả chung các cuộc họp để làm thành biên bản gửi Ban Thường trực UBMTTQ cấp xã.

Lựa chọn nơi tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri

Về việc lấy ý kiến của hội nghị cử tri nơi cư trú đối với những người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu HĐND, theo Nghị quyết liên tịch 02/2011/NQLT/UBTVQH-CP-ĐCTUBTWMTTQVN, việc lấy ý kiến này được tổ chức ở nơi người ứng cử cư trú thường xuyên tại thôn, tổ dân phố (không phân biệt có hộ khẩu thường trú hay tạm trú dài hạn) do Ban Thường trực UBMTTQVN cấp xã phối hợp với UBND cùng cấp triệu tập và chủ trì...".

Tuy nhiên, trên thực tế, có trường hợp người ứng cử đại biểu Quốc hội được luân chuyển công tác từ nơi khác đến theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, ở nhà công vụ hoặc chỗ ở chưa ổn định, thì việc tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú cho người đó không thuận lợi.

Vì vậy, đối với những trường hợp này, UBTWMTTQVN hướng dẫn: Lãnh đạo cơ quan, tổ chức có người ứng cử ĐBQH chủ động trao đổi, thống nhất với người ứng cử để lựa chọn nơi tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri cho phù hợp (có thể lấy ở nơi gia đình người đó sinh sống) và phối hợp với Ban Thường trực UBMTTQ xã, phường, thị trấn nơi đó để tổ chức hội nghị cử tri.

Đối với những người ứng cử đại biểu HĐND, nếu thuộc diện trên thì cũng làm tương tự như đối với đại biểu Quốc hội.

Theo Nghị quyết liên tịch số 01/2011/NQLT/UBTVQH-CP-ĐCTUBTWMTTQVN, thành phần hội nghị cử tri thảo luận, giới thiệu những người ứng cử đại biểu HĐND cấp xã ở thôn, tổ dân phố bao gồm: Toàn thể cử tri hoặc cử tri đại diện các hộ; toàn thể thành viên của Ban công tác Mặt trận; Trưởng thôn, Phó trưởng thôn hoặc Tổ trưởng, Tổ phó tổ dân phố,...

Trong đó, nếu ở thôn, tổ dân phố có dưới 100 hộ gia đình thì họp toàn thể cử tri là đại diện hộ gia đình và hội nghị được tiến hành khi đảm bảo ít nhất quá nửa số cử tri đại diện hộ gia đình dự họp.

Nơi có trên 100 hộ gia đình thì không nhất thiết họp toàn thể mà tổ chức hội nghị đại biểu cử tri là đại diện các hộ gia đình, nhưng phải mời ít nhất là 50% cử tri hoặc đại diện các hộ gia đình tham dự hội nghị và hội nghị được tiến hành khi có quá nửa số cử tri là đại diện các hộ gia đình theo giấy mời tham dự.

Trưởng Ban công tác Mặt trận chủ trì, phối hợp với Trưởng thôn, hoặc Tổ trưởng dân phố mời cử tri dự họp, mời đại diện Thường trực HĐND, UBND, Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam cấp xã tham dự hội nghị.

PV

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ