Hướng dẫn thủ tục cấp đổi Chứng minh nhân dân

Theo phản ánh của ông Kiều Tuấn, chị ông Tuấn đi làm xa quê hương đã nhiều năm, đã tách khỏi sổ hộ khẩu của gia đình tại xã Nga Trường, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa và nhập vào sổ hộ khẩu của anh chị tại tỉnh Bình Phước.

Ảnh có tính chất minh hoạ/Internet
Ảnh có tính chất minh hoạ/Internet

Mấy năm trước, bố ông Tuấn đã nhập lại tên của chị ông vào sổ hộ khẩu của gia đình theo đúng thủ tục của chính quyền địa phương. Hiện nay, chị ông Tuấn đã đi tu hành nên cần làm lại Giấy chứng minh nhân dân (CMND). 

Chị ông Tuấn đã về quê để xin làm lại CMND, tuy nhiên cán bộ xã trả lời chị có tên trong sổ hộ khẩu nhưng không có tên trong hồ sơ gốc của xã nên đã không cấp lại CMND.

Cán bộ xã cũng yêu cầu chị ông Tuấn đi xa quê hương đã lâu bây giờ nếu muốn xã cấp giấy là người địa phương thì phải đóng tất cả các khoản đóng góp và các loại thuế từ trước tới nay.

Hiện nay chị ông Tuấn vẫn còn CMND cũ, bây giờ chị ông muốn làm lại CMND mới thì thủ tục như thế nào và làm ở đâu? Yêu cầu của chính quyền xã như vậy có đúng không?

Về vấn đề này, Bộ Công an trả lời ông Tuấn như sau:

Về đối tượng được cấp CMND: Điều 3, Nghị định 05/1999/NĐ-CP ngày 3/2/1999 của Chính phủ về CMND quy định đối tượng được cấp CMND là: Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên, đang cư trú trên lãnh thổ Việt Nam có nghĩa vụ đến cơ quan nơi đăng ký hộ khẩu thường trú làm thủ tục cấp CMND theo quy định của Nghị định này.

Các trường hợp phải đổi CMND quy định tại Khoản 1, Điều 5 Nghị định 05/1999/NĐ-CP bao gồm: CMND hết hạn sử dụng; CMND hư hỏng không sử dụng được; Thay đổi họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh; Thay đổi nơi đăng ký hộ khẩu thường trú ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thay đổi đặc điểm nhận dạng.

Thủ tục đổi, cấp lại CMND quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 6, Nghị định 05/1999/NĐ-CP bao gồm: Đơn trình bày rõ lý do xin đổi CMND hoặc cấp lại có xác nhận của công an phường, xã, thị trấn nơi đăng ký hộ khẩu thường trú; Xuất trình hộ khẩu thường trú; Xuất trình quyết định thay đổi họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh; Chụp ảnh; In vân tay hai ngón trỏ; Khai tờ khai cấp CMND; Nộp CMND đã hết hạn sử dụng, hư hỏng hoặc có thay đổi nội dung theo quy định tại các điểm c, d, e Điều 5 Nghị định này.

Căn cứ vào các quy định trên thì trường hợp chị của ông Tuấn đã có tên trong hộ khẩu, vẫn còn CMND muốn đổi sang CMND có hình đi tu thì chị anh Tuấn làm thủ tục đổi CMND theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 6, Nghị định 05/1999/NĐ-CP.

Theo đó, chị ông Tuấn đến cơ quan công an cấp huyện hoặc Phòng Cảnh sát quản lý hành chính nơi đăng ký hộ khẩu thường trú để làm thủ tục và nộp lệ phí cấp đổi CMND theo quy định. Ngoài ra ông Tuấn không phải nộp bất kỳ loại phí nào khác để được cấp đổi CMND.

Theo Cổng TT Chính phủ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ