Hùng "sầu", từ giang hồ khét tiếng đến ông chủ

Từng là giang hồ thứ thiệt ở đất Sài Gòn những năm cuối thế kỷ trước, với 3 lần vào tù ra trại và bảng “thành tích” đâm chém bảo kê khiến Năm Cam cũng phải nhiều lần tìm đến tận nhà chiêu mộ bất thành, nhưng nay Lê Dương Thừa Hùng (tự Hùng sầu) đã quay về nẻo thiện để trở thành ông chủ một công ty điêu khắc mỹ nghệ nổi tiếng khắp ba miền.

Hùng "sầu", từ giang hồ khét tiếng đến ông chủ
Hung

Trùm giang hồ thời ấy giờ đã là nghệ nhân có tiếng.

Tuổi thơ dữ dội

Đến ấp Thới Tây 2, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, TPHCM hỏi thăm cơ sở điêu khắc mỹ nghệ Tịnh Tín hầu như người dân ở đây ai cũng biết đến. Chúng tôi ghé xưởng của Lê Dương Thừa Hùng (SN 1973, tự Hùng sầu, quê tỉnh Quảng Trị) khi anh đang cặm cụi đục đẽo một bức tượng phật khá lớn.

Phủi tay vào bộ quần áo đầy bụi gỗ, Hùng sầu. Anh kể, sinh ra không biết mặt cha và tuổi thơ gắn liền với những trận đòn roi, chửi rủa thậm tệ của người cha dượng nát rượu. Khi vừa lên 4 tuổi anh đã bị cha dượng đẩy ra đời kiếm tiền. Năm lên 15 tuổi, sau trận đâm chém đẫm máu, Hùng sầu bị công an bắt, vì chưa đến tuổi thành niên nên Hùng chỉ bị giam 2,5 năm ở trại để giáo dục. Ra tù chưa được bao lâu, trong một lần trở lại đất Quảng Trị, Hùng sầu đã đánh trọng thương một công an viên và lần thứ 2 dính vào con đường lao lý với bản án 3,5 năm tù giam. Tuy nhiên, khi ngồi trong trại chưa được bao lâu, với bản tính của một tay giang hồ tinh ranh, Hùng sầu vượt ngục thành công, lang bạt khắp nơi rồi trôi dạt vào đất Sài Gòn.

Trùm giang hồ hoàn lương

Trong một lần đi đòi nợ thuê, Hùng sầu bị công an bắt thêm một lần nữa và lần thứ ba vào nhà đá với 2,5 năm tù giam vì tội cố ý gây thương tích. “Lần thứ ba ngồi trong bốn bức tường nhà giam tôi mới nhận ra mình đã đánh mất thời tuổi trẻ. Tôi thèm được có một gia đình yên ấm rồi quyết tâm cải tạo để trở thành người lương thiện”, anh Hùng nhớ lại.

Xưởng mỹ nghệ Tịnh Tín của anh giờ đây đã nổi tiếng khắp ba miền, mở thêm cơ sở ở Lâm Đồng và những công trình điêu khắc quy mô lớn như chùa Linh Ứng ở Đà Nẵng, công trình tâm linh hơn 3.000 tỷ ở Lâm Đồng…

Mãn hạn tù, Hùng trở về xã hội với ước nguyện được làm người lương thiện. Có lần thấy người nghệ nhân đang tạc tượng gỗ, Hùng mê mẩn quyết định theo nghề này và tìm đến các cơ sở điêu khắc để xin học nghề nhưng anh đi khắp đất Sài Gòn cũng không có ai nhận. Anh đi tìm mua đồ nghề rồi về tự học: Lúc đó chỉ có nghề này là hợp với tôi vì không cần biết chữ, chỉ cần kiên trì học hỏi nên tôi quyết tâm làm bằng được.

Đến tháng 5/2005, sau 4 năm miệt mài, tay nghề của anh đã vững chãi, với số vốn ít ỏi trên tay, anh quyết định mở xưởng điêu khắc. Anh thu nhận những đứa trẻ mồ côi, lang thang, phạm pháp vừa ra tù về dạy nghề miễn phí.

Mỗi năm bốn lần anh Hùng dành ra một số tiền để đi làm từ thiện, giúp đỡ người khó khăn. “Từng là người vào tù ra trại nhiều lần nên tôi biết nếu không có công việc ổn định, người ta rất dễ sa ngã vào tội lỗi. Mình từng trải rồi không đưa tay ra giúp họ thì ai giúp. Chủ yếu đào tạo nghề để những người lầm lỗi làm lại cuộc đời có cần câu cơm”, anh Hùng nói.

Ngô Bình

Theo Tiền Phong

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ