Huấn luyện viên Park Hang-seo có bị giảm lương?

Huấn luyện viên Park Hang-seo có bị giảm lương?

Ngay như Thái Lan, huấn luyện viên Nishino cũng đã được Hiệp hội bóng đá nước này tính đến việc giảm 50% lương. Còn ở Việt Nam, câu lạc bộ TPHCM đã tiến hành giảm lương cầu thủ trong tháng 4, còn Nam Định cũng đã giảm 25% lương của cầu thủ, huấn luyện viên.

Khi đặt vấn đề về giảm lương thầy Park Hang-seo, Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh cho biết, đây là điều khá tế nhị. VFF cũng chưa bàn tới vấn đề này và vẫn thực hiện theo hợp đồng. Thực tế, chuyện tiền lương luôn là điều tế nhị với huấn luyện viên Park Hang-seo. Ông từng tạm dừng đàm phán gia hạn hợp đồng với VFF cũng vì vấn đề tiền lương được báo chí khai thác quá nhiều.

Trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, bóng đá Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng, VFF cũng không phải ngoại lệ. Tuy nhiên, việc trả lương cho thầy Park và đội ngũ trợ lý đã không còn là gánh nặng với VFF như trước đây.

Theo thông lệ, việc trả lương cho huấn luyện viên ngoại chia theo công thức: Tổng cục Thể dục Thể thao chi trả một phần, phần còn lại VFF chi trả, có thể dựa vào nguồn tài trợ. Khi VFF ký hợp đồng với ông Park năm 2017 với mức lương 20.000 USD/tháng, bầu Đức đứng ra chi trả hết.

Và ở lễ công bố gia hạn hợp đồng 3 năm của HLV Park Hang-seo, Phó Chủ tịch Trần Quốc Tuấn đã nói, VFF không chỉ có một mà nhiều đối tác đồng hành với sự phát triển của bóng đá Việt Nam. Việc trả lương cho HLV Park Hang-seo chỉ là một trong số nhiều những hạng mục mà các đơn vị tài trợ nhằm hướng đến những mục tiêu lớn hơn, như World Cup 2026.

Sau phát biểu không lâu của ông Tuấn, các đơn vị tài trợ cùng dần xuất hiện một cách công khai, với những cái tên phần nào đã có tầm ảnh hưởng xã hội và những tham vọng trong việc đầu tư vào bóng đá, không khiến nhiều người bất ngờ. Và con số 50.000 USD mà ông Park có thể nhận mỗi tháng vì thế cũng không phải vấn đề quá lớn như những gì mà người hâm mộ lo lắng khi cuộc đàm phán của VFF diễn ra.

Nói đến câu chuyện tiền lương của ông Park để thấy rằng, nếu có giảm lương thầy Park thì chính các doanh nghiệp hỗ trợ có ý kiến chứ không phải VFF. Và trong trường hợp này, nếu chuyện giảm lương được bàn tới thì chính VFF cũng mong muốn tinh thần tự nguyện của ông Park chứ không phải chủ động đặt vấn đề.

Sự ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến kinh tế của bóng đá Việt Nam đang rất thời sự, trong đó có vấn đề lương của cầu thủ và huấn luyện viên. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận một cách khách quan rằng, không thể đặt vấn đề này so sánh với thế giới. 

Lương của Quang Hải, Công Phượng không thể được so sánh với Ronaldo hay Messi. Với những siêu sao thế giới nhận lương “khủng” theo tuần thì giảm đi 1 tháng cũng không ảnh hưởng quá nhiều nhưng với nhiều cầu thủ Việt Nam thì khác.

Với huấn luyện viên Park Hang-seo cũng vậy, nhìn lại thời điểm trước thềm AFF Cup 2018, ông nhận lương thuộc loại thấp ở khu vực. Cụ thể mức lương là huấn luyện viên Sven Goran Eriksson nhận khoảng 80.000 USD từ Philippines, Milovan Rajevac của Thái Lan với 58.000 USD, Tan Cheng Hoe của Malaysia cũng có mức lương là 23.000 USD.

Mức lương 50.000 USD của ông Park hiện tại là kết quả của những danh hiệu mang lại cho bóng đá Việt Nam suốt 2 năm. Đó là sự ghi nhận xứng đáng cho công sức chứ không phải mức lương dựa vào tính thương hiệu như nhiều huấn luyện viên khác.

Bản thân ông Park là người có ý thức cộng đồng trong mùa dịch COVID-19. Mới đây, ông đã ủng hộ “Quỹ phòng chống dịch COVID-19” 5.000 USD. Ông cũng tham gia vào thử thách “Rửa tay đúng cách” để truyền đi thông điệp phòng chống dịch. Vậy nên, nếu có giảm lương, chắc chắn ông Park sẽ là người chủ động.

Theo Lao Động

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ