(GD&TĐ)-Đó là nội dung mà Đề án định hướng đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng căn cứ cách mạng tỉnh Thái Nguyên đến năm 2015 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Phát triển kinh tế ưu tiên thế mạnh về đất vườn đồi để phát triển cây lâm nghiệp, cây công nghiệp, cây đặc sản hình thành các vùng chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hóa (ảnh MH) |
Cùng đó Thủ tướng Chính phủ đã quyết định công nhận 19 xã An toàn khu (ATK) của Trung ương ở tỉnh Thái Nguyên trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Đó là các xã: Phú Thịnh, Quân Chu, Phục Linh, Tân Linh, Hà Thượng, Tiên Hội, Phú Lạc, Hùng Sơn, Na Mao, Cát Nê, Ký Phú, Lục Ba và các thị trấn Đại Từ, Quân Chu thuộc huyện Đại Từ; các xã Phủ Lý, Ôn Lương, Yên Trạch thuộc huyện Phú Lương; xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ và thị trấn Đình Cả, huyện Võ Nhai.
Theo Đề án, định hướng đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng căn cứ cách mạng tỉnh Thái Nguyên đến năm 2015 cũng có phạm vi gồm 19 xã ATK nói trên. Mục tiêu của Đề án là phấn đấu đến năm 2015 thu nhập bình quân đầu người đạt 16,4 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 20%; tỷ lệ độ che phủ rừng đạt trên 50%.
Đồng thời, 100% đường giao thông từ huyện đến trung tâm các xã được cứng hóa; 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; 85% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; 70% số trường học đạt chuẩn quốc gia...
Về giáo dục đào tạo, sẽ đầu tư hệ thống trường, lớp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào các dân tộc; có chính sách ưu tiên đối với học sinh vùng ATK được đi học đại học, cao đẳng theo chế độ cử tuyển.
Đồng thời, tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng các trung tâm dạy nghề theo quy hoạch; ưu tiên cho các nhóm đối tượng khó khăn, được tham gia học nghề; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ cơ sở; thực hiện luân chuyển có thời hạn cán bộ các phòng, ban huyện về xã công tác.
Bên cạnh đó, nhằm mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 20%, giải pháp về an sinh xã hôi, giảm nghèo sẽ hướng đến thực hiện đồng bộ, toàn diện hiệu quả các chương trình, dự án giảm nghèo; tạo cơ hội cho hộ nghèo tiếp cận các chính sách trợ giúp về đất đai, tín dụng, dạy nghề, tạo việc làm, khuyến công, khuyến nông - lâm - ngư, tiêu thụ sản phẩm...
Một trong các giải pháp đầu tiên được đưa ra để thực hiện Đề án là phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội như: tiếp tục thực hiện kiên cố hóa kênh mương, xây dựng các hồ chứa nước vừa và nhỏ cung cấp nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt; nâng cấp các tuyến đường giao thông từ huyện xuống xã, các tuyến đường liên xã và đường giao thông đến các thôn, bản...
Đối với Thái Nguyên, phát triển kinh tế ưu tiên thế mạnh về đất vườn đồi để phát triển cây lâm nghiệp, cây công nghiệp, cây đặc sản hình thành các vùng chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hóa; đẩy mạnh chăn nuôi gia súc. Phát triển hệ thống chợ nông thôn, các điểm dịch vụ thương mại; phát triển hoàn thiện hệ thống tín dụng cho người nghèo.
Đặc biệt, cần huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch; bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử để phát triển các loại hình du lịch, nhất là du lịch lịch sử.
Tổng nguồn vốn đầu tư thực hiện Đề án là 858.440 triệu đồng, thời gian thực hiện trong 5 năm (2011-2015).
Xuân Hương