(GD&TĐ)-Sáng nay (9/8), tại Hoàng Thành Thăng Long, Hà Nội, hơn 400 giáo viên và học sinh các trường THCS của Hà Nội đã cùng tham gia chương trình giáo dục môi trường - di sản thế giới UNESCO do Công ty Panasonic Việt Nam phối hợp với văn phòng UNESCO Hà Nội và Văn phòng Hoàng thành Thăng Long tổ chức.
Học sinh Hà Nội tham quan Hoàng thành Thăng Long trong chương trình giáo dục môi trường - di sản thế giới UNESCO. Ảnh: gdtd.vn |
Trong khuôn khổ của chương trình, các học sinh được thăm quan và tìm hiểu về những giá trị văn hóa lịch sử của di tích Hoàng Thành Thăng Long từ thế kỷ XI và sự ảnh hưởng của môi trường đối với các di sản đã được tổ chức UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới. Cùng với đó, được tham gia buổi học giao lưu tìm hiểu về ảnh hưởng của môi trường tới di sản thế giới UNESCO; được xem các bộ phim về di sản thế giới do máy quay Panasonic ghi lại.
Đây là cơ hội để các em học sinh hiểu rõ hơn về di sản văn hóa của dân tộc.Ảnh: gdtd.vn |
Đặc biệt, tại đây, các học sinh được hướng dẫn tham gia cuộc thi Nhật ký Xanh nằm trong khuôn khổ chương trình. Đây là cuộc thi được Panasonic tổ chức trên toàn cầu với mục đích giúp các em nhỏ trên toàn thế giới đưa những suy nghĩ của mình về di sản thế giới và các giải pháp để bảo tồn các giá trị lịch sử của di sản đó cũng như bảo vệ môi trường sống chung. Năm 2011, chương trình đã nhận được sự hưởng ứng tham gia của 1.700 học sinh trên 5 quốc gia. Dự kiến tính đến năm 2012 sẽ có khoảng 3.500 học sinh từ 10 quốc gia trên thế giới tham gia vào chương trình nhân lễ kỉ niệm 40 năm ngày ra đời Công ước UNESCO về Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.
Được biết, đây là năm đầu tiên chương trình Giáo dục môi trường – di sản thế giới UNESCO được tổ chức tại Việt Nam. Chương trình này được tập đoàn Panasonic kết hợp với UNESCO phát động từ tháng 6/2011 nhằm kêu gọi ý thức bảo tồn giữ gìn di sản thế giới tránh khỏi sự tác động của môi trường.
Học sinh hào hứng tham quan di tích Hoàng Thành. Ảnh: gdtd.vn |
Nhiều em học sinh chia sẻ: Chúng em rất hứng thú khi được tham gia vào chương trình này. Mặc dù sống trên đất thủ đô, nhưng không ít trong số học sinh chúng em chưa từng một lần vào thăm Hoàng Thành. Mong rằng, sẽ có thêm nhiều chương trình bổ ích như thế này để chúng em được hiểu sâu sắc hơn về văn hóa, lịch sử cùa dân tộc.
Hiếu Nguyễn