Đã 16 năm trôi qua kể từ ngày Việt Nam gia nhập Hiệp hội các nước Đông Nam Á – ASEAN (ngày 28/7/1995 – 28/7/2011). Những năm qua, quan hệ hợp tác đầu tư, thương mại và du lịch… giữa Việt Nam và ASEAN ngày càng được tăng cường.
Hợp tác Việt Nam và ASEAN đang hứa hẹn ở tầm cao mới (ảnh minh họa) |
ASEAN có diện tích không rộng (gần 4,5 triệu km2), nhưng có dân số tương đối đông (597 triệu người).
GDP của ASEAN năm 2008 tính theo tỷ giá hối đoái thực tế đạt khoảng 1.500 tỷ USD. GDP bình quân đầu người đạt khoảng 2500 USD; nếu tính theo tỷ giá sức mua tương đương đạt khoảng 4.900 USD, tuy thấp hơn châu Á (5.969 USD) và thế giới (9.924 USD), nhưng có tốc độ tăng cao hơn, có tỷ lệ tiêu dùng so với GDP thấp hơn và tỷ lệ tích lũy so với GDP cao hơn, nên khu vực này được coi là khu vực có tỷ lệ tiết kiệm và đầu tư cao, tiềm năng tăng trưởng khá so với các khu vực khác trên thế giới.
ASEAN có độ mở lớn (so với GDP, xuất khẩu bằng khoảng 68,5%, nhập khẩu bằng khoảng 61,4%, cộng xuất, nhập khẩu/GDP đạt khoảng 129.9%). Đáng lưu ý, tính chung cả khu vực ASEAN đã xuất siêu khá (chiếm 6,3% GDP. ASEAN có dự trữ quốc tế tăng và hiện đạt quy mô tương đối khá (năm 2008 đạt khoảng 470 tỷ USD, bằng khoảng 31,4% GDP, bằng khoảng 63% kim ngạch nhập khẩu).
Một trong những dấu ấn rõ rệt đầu tiên của việc mở cửa hội nhập của Vịêt Nam là việc nước ta gia nhập ASEAN.
Từ đó đến nay quan hệ giữa Việt Nam và ASEAN đã đạt được nhiều kết quả quan trọng về nhiều lĩnh vực, trong đó có các lĩnh vực đầu tư, buôn bán, tài chính, du lịch và đang được nâng lên tầm cao mới (mạnh hơn, rộng hơn, sâu hơn).
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của các nước ASEAN vào Việt Nam tính từ 1988 đến tháng 6/2011 có 1.940 dự án, với tổng số vốn đạt trên 51,8 tỷ USD vốn đăng ký, bằng 13,9 tổng số dự án và bằng 23,8% tổng số vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào Việt Nam trong thời gian tương ứng.
Số vốn bình quân 1 dự án đầu tư trực tiếp của các nước ASEAN cao gấp đôi của các nước khác (26,7 triệu USD/dự án so với 13,7 triệu USD/dự án).
Có 6 nước trong khu vực ASEAN đã đầu tư vào Việt Nam, trong đó có 4 nước trong tốp đầu của Câu lạc bộ các đối tác đầu tư 1 tỷ USD trở lên (Singapore đạt 22,0 tỷ USD, Malaysia trên 18,0 tỷ USD, Thái Lan gần 6,4 tỷ USD, Bruney gần 4,7 tỷ USD); hai nước khác là Philipin trên 0,4 tỷ USD, Indonexia trên 0,3 tỷ USD. Nhiều công trình mang đậm dấu ấn ASEAN đã hiện diện ở nhiều địa bàn trên lãnh thổ Việt Nam.
(Tính từ 1988 đến tháng 6/2011- Tỷ USD) |
ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn và tăng lên của Việt Nam. Việt Nam xuất khẩu vào các nước ASEAN nếu năm 1995 mới đạt 1,11 tỷ USD, đã liên tục tăng lên trong những năm sau, kể cả khi khu vực này bị tác động trực tiếp của cuộc khủng hoảng tiền tệ xảy ra cách đây hơn mười năm, hay khi khu vực này bị tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu mới đây (1997 đạt trên 2,0 tỷ USD, 2000 đạt trên 2.6 tỷ USD, 2005 đạt trên 5,7 tỷ USD, 2006 đạt trên 6,6 tỷ USD, 2007 đạt trên 8,1 tỷ USD, 2008 đạt trên 10,8 tỷ USD, năm 2009 đạt gần 8,6 tỷ USD, năm 2010 đạt 10,4 tỷ USD).
Trong các nước ASEAN nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2010, lớn nhất là Singapore 2,12 tỷ USD, tiếp đến là Malaysia 2,09 tỷ USD, Philipines 1,71 tỷ USD, Campuchia 1,55 tỷ USD, Thái Lan 1,18 tỷ USD.
ASEAN cũng là thị trường mà Việt Nam nhập khẩu lớn (năm cao nhất là 2008 lên đến 19,57 tỷ USD, năm 2010 là 16,41 tỷ USD). Trong quan hệ buôn bán với khu vực này, Việt Nam ở vị thế nhập siêu, quy mô nhập siêu lớn và gia tăng, với tỷ lệ nhập siêu cao (năm 2008 lên đến 9,23 tỷ USD, tỷ lệ nhập siêu lên đến 89,3%, năm 2010 là 6,01 tỷ USD, trong đó nhập siêu lớn nhất là Thái Lan, tiếp đến là Singapore, Malaysia).
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam từ các nước trong khu vực ASEAN nếu năm 2000 có khoảng 168,9 nghìn lượt người, bằng 7,9% tổng số, đến năm 2005 đạt 545,6 nghìn lượt người, bằng 15,7%, thì năm 2010 đạt 865,1 nghìn lượt người, đạt 17,2% tổng số. Lượng khách đến đông nhất trong năm 2010 là từ Thái Lan, tiếp đến là Malaysia, Singapore, Campuchia, Philipines, Indonesia, Lào…
Hợp tác Việt Nam và ASEAN đang hứa hẹn ở tầm cao mới. Tầm cao mới của quan hệ này được biểu hiện ở ba mặt: mạnh hơn, rộng hơn và sâu hơn. Mạnh hơn, rộng hơn và sâu hơn, không chỉ là trên các lĩnh vực đã có để phát triển mà quan trọng hơn không chỉ là đầu tư, thương mại, du lịch, mà cả lĩnh vực tài chính, tiền tệ, an ninh, quốc phòng.
Minh Ngọc (Chinhphu.vn)