Tham dự hội thảo có ông Mori Mustsuya – Trưởng đại diện văn phòng JICA Việt Nam; ông Nagai Katsuro – Công sứ kinh tế, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam; ông Nguyễn Ngọc Phi – Nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; Tiến sĩ Cao Văn Sâm – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục dạy nghề,….cùng đại diện các đơn vị quan tâm đến chính sách thúc đẩy mối quan hệ.
Phát biểu tại buổi hội thảo, TS Cao Văn Sâm nhấn mạnh: Đây là một trong những hoạt động chuyên môn có ý nghĩa thiết thực đối với chiến lược dạy nghề tại Việt Nam. Trong chiến lược sắp tới, Việt Nam phải nâng cao đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội.
Đến 2015, sự cạnh tranh về nguồn nhân lực trong khu vực ngày càng gay gắt đòi hỏi các quốc gia phải đào tạo tốt nguồn nhân lực của mình. Kĩ năng của học sinh sinh viên học nghề nếu đáp ứng được yêu cầu sẽ tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Dó đó,Tổng cục đang đẩy mạnh các giải pháp chú trọng việc rèn luyện kĩ năng cho người học. Phải bắt nguồn từ sản xuất, ngành công nghiệp đặt ra kĩ năng gì thì đào tạo cũng phải đáp ứng kĩ năng đó.
Trên thực tế, đây là đòi hỏi không phải dễ bởi nó phụ thuộc vào công nghệ sản xuất và có thể xảy ra 3 tình huống:
1. Chương trình đào tạo thiếu hụt kĩ năng so với yêu cầu sản xuất
2. Dư thừa so với yêu cầu sản xuất
3. Mong muốn có sự tương thích nhưng chỉ tương thích trong thời điểm mà trong quá trình sản xuất lại nảy sinh những yêu cầu mới.
Lời giải cho những vấn đề đặt ra chính là gắn kết ba bên: Cơ sở đào tạo, doanh nghiệp và nhà nước để góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kì công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước.
Cũng trong buổi hội thảo, những vấn đề trong nội dung đề xuất chính sách đã đưa ra thảo luận với chủ đề: Sự khập khiễng kỹ năng và hệ thống đáng giá kĩ năng.
Theo đó, các chuyên gia đánh giá sự khập khiễng cơ bản trong kĩ năng gồm: Khoảng cách kĩ năng, thiếu hụt kĩ năng và những trở ngại của bên cung là khó khăn trong việc nắm được nhu cầu kĩ năng của ngàng công nghiệp, thông tin nhu cầu không đầy đủ cho sinh viên trong giáo dục và đào tạo nghề.
Tìm ra những thiếu sót đó, và hạn chế những trở ngại cho phía cung cấp nguồn nhân lực, JICA đã và đang thúc đẩy ba giải pháp chiến lược thông qua các dự án thí điểm và tư vấn chính sách tại Việt Nam.
Tổng kết lại những vấn đề thảo luận, ông Okiura Fumihiko – Phó Trưởng đại diện văn phòng JICA tại Việt Nam - kết luận: Những đề xuất chính sách này cung cấp một số giải pháp khả thi đã chọn lựa để giảm bớt sự khập khiễng trong kỹ năng, chủ yếu dựa trên bài học từ các dự án JICA trong phát triển nguồn nhân lực công nghiệp.
Mối quan hệ ba bên này được nhân rộng không chỉ ở các thành phố lớn mà còn nhiều tỉnh khác đang tiếp nhận đầu tư nước ngoài. Thực hiện mối quan hệ hợp tác này, các tỉnh sẽ khuyến khích đường xoắn ốc tích cực trong việc tạo công ăn việc làm và công nghiệp hóa ở cấp địa phương. Điều này sẽ đóng góp cho bước tiếp theo của quá trình công nghiệp hóa tại Việt Nam.