(GD&TĐ) - Trong thời gian gần đây, tại cổng trường của nhiều trường đại học ở Hà Nội xuất hiện tình trạng họp chợ buôn bán công khai. Chợ bày bán la liệt đủ mọi thứ đã lấn chiếm vỉa hè của những con đường vốn đã hẹp và ách tắc nay tình trạng này còn nghiêm trọng hơn.
Chợ bán công khai
Theo khảo sát của chúng tôi, ở cổng trường của nhiều đại học lớn ở Hà Nội: Đại học Sư Phạm HN, ĐH Điện Lực, ĐH Công Nghiệp HN, ĐH Thương Mại, ĐH Tài Chính…tình trạng họp chợ công khai diễn ra phổ biến với quy mô ngày càng lớn hơn.
Dạo qua cổng trường Đại Học Thương Mại vào lúc 6h tối, đây đúng là một thiên đường chợ siêu rẻ dành cho sinh viên. Chợ bày bán la liệt trên vỉa hè, lan xuống lòng đường. Những hàng nước, trà đá, hàng ăn, bún đậu, bánh mì, xôi, nem rán, giày dép, quần áo, túi xách…bủa vây xung quanh cổng trường khiến người đi bộ phải tràn xuống lòng đường làm ách tắc giao thông nghiêm trọng.
Hàng quán bủa vây trường Đại học Thương mại |
Điều đáng nói là các hàng quán này đều bán các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ và đặc biệt môi trường vệ sinh vô cùng bẩn thỉu. Các loại tương ớt, nước mắm, mắm tôm, nước trà đá…không có nguồn gốc xuất xứ, mất vệ sinh nhưng vẫn được sinh viên hưởng ứng nhiệt tình.
Theo chị Nga (quê Hưng Yên) bán bún đậu ngay trước cổng trường ĐH Thương Mại: “Mỗi ngày bán đến hàng mấy trăm xuất bún đậu. Cửa hàng lúc nào cũng đông chật khách đến ăn”. Hầu hết các cửa hàng này bán đồ rất rẻ chỉ 10.000 đồng/xuất bún, 2000/1nem rán, 10.000 đồng/1 xúc xích lớn, 3000 đồng/1 cây kem…đó là lí do mà các sinh viên vẫn lao đầu vào mua đồ và ăn hàng ăn ở đây.
Phiên chợ này bắt đầu từ khoảng 4h chiều đến 10h đêm thì kết thúc. Cảnh nhộn nhịp người đi lại, người bán, người mua, xả rác trên vỉa hè làm mất mỹ quan đô thị và gây bức xúc cho người đi đường.
Tình trạng họp chợ ngay cổng trường này cũng gây bức xúc lớn khi mà các hàng quán bủa vây cổng trường Đại học Điện Lực (Hoàng Quốc Việt) từ sáng cho đến tối đêm. Các hàng bán xôi, bán nước, bún chả, bánh cuốn, bánh bao được bày bán trông rất nhếch nhác và mất mỹ quan che mất cả biển hiệu của nhà trường. Không những thế các hàng quán này còn xả rác bừa bãi gây mất vệ sinh và ô nhiễm nghiêm trọng khu vực quanh cổng trường.
Khi được hỏi về vấn đề này, Nguyễn Thị Quỳnh (Hà Tĩnh), sinh viên trường ĐH Điện Lực tỏ ra bức xúc: “Mình thực sự thấy rất bức xúc và phản đối việc họp chợ quanh cổng trường đại học. Giờ tan học, sinh viên đông đúc không có vỉa hè để đi đành phải tràn xuống lòng đường đi bộ. Đường Hoàng Quốc Việt vào giờ cao điểm vẫn hay tắc đường một phần cũng là do việc họp chợ này”
Tình trạng họp chợ công khai này còn diễn ra mạnh mẽ ở trong khuôn viên của trường ĐH Quốc gia HN và Đại Học SPHN. Các hàng nem chua, xúc xích, quần áo, giày dép, hoa giả…bán công khai ở trên vỉa hè đường Xuân Thủy (Hà Nội). Mặc dù các cơ quan chức năng đã thường xuyên can thiệp nhưng tình trang này vẫn không giảm và còn tăng hơn về mức độ quy mô bán hàng.
Chợ tan... rác ở lại
Kết thúc những buổi họp chợ này là những con đường rác khổng lồ còn lại. Người bán hàng cứ vô tư xả rác ra vỉa hè, ra đường vì họ quan niệm “dọn rác là việc của lao công”. Hình ảnh con đường rác vây quanh các cổng trường đại học ở Hà Nội ngày càng báo động về mức độ ý thức của con người và tác hại của việc họp chợ công khai quanh cổng trường đại học.
Một chị lao công trên đường Hồ Tùng Mậu tỏ ra rất bức xúc khi mà ngày nào cũng phải mất hàng giờ để dọn rác thải từ những hàng quán này. Chị lao công ngán ngẩm: “cứ khoảng 23h đêm khi các hàng quán đã về hết thì toàn cảnh hậu quả mới hiện rõ, những con đường rác rưởi, thức ăn thừa vương vãi…Tôi đã nhiều lần phản ánh lên cấp trên nhưng việc họp chợ và xả rác bừa bãi vẫn không thuyên giảm ”.
Có cầu thì sẽ có cung, sinh viên vẫn còn ham rẻ thì nhưng quán hàng ăn, hàng nước này vẫn tồn tại. Mặc dù người dân và các sinh viên đã nhiều lần kiến nghị với các cơ quan chức năng về việc họp chợ công khai này nhưng vì siêu lợi nhuận những người bán hàng vẫn cố tình vi phạm.
Trần Thị H (35 tuổi) bán hàng nước ở cổng trường ĐH Thương Mại nhiều năm khẳng định: vẫn biết bán hàng thế này là sai nhưng vì mưu sinh nên phải nhắm mắt làm thôi. Nhiều lần công an phường làm gắt cũng nghỉ mất ít hôm rồi mọi chuyện lại đâu vào đấy...
Hoa Huệ