Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2018: Tăng trưởng GDP năm 2018 có thể vượt mục tiêu

GD&TĐ - Chiều 30/8, phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2018 đã diễn ra tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của ông Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ.

Họp báo diễn ra dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng
Họp báo diễn ra dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng

Cùng dự phiên họp báo có đại diện lãnh đạo các bộ: Công an, Thông tin và Truyền thông, Tài chính, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Giao thông vận tải, Xây dựng, Nội vụ, GD&ĐT, Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Người phát ngôn của Chính phủ cho biết, trong ngày 30/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2018, tập trung vào hai nội dung lớn là về xây dựng, hoàn thiện thể chế và về tình hình kinh tế xã hội.

Trao đổi về nội dung phiên họp Chính phủ tháng 8, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết:

Về xây dựng, hoàn thiện thể chế, Chính phủ đã thảo luận Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi); đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương; đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, pháp lệnh; tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, tiến độ cắt giảm các điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành.

Về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm, Chính phủ đánh giá, kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng tiếp tục xu hướng tích cực, tình hình tháng 8 tốt hơn tháng 7. Trong đó có thể kể tới những điểm nổi bật như kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng tiếp tục được kiểm soát: CPI tháng 8/2018 tăng nhẹ (0,45%) so với tháng trước. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 8 tháng năm 2018 tăng 3,52% so với bình quân cùng kỳ năm 2017, bám sát mục tiêu dưới 4% đã đề ra.

Các ngành kinh tế chủ yếu tiếp tục phát triển mạnh. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 8 tháng tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 8,2% của cùng kỳ năm 2017. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục đà tăng cao, đạt 13,3% (cùng kỳ tăng 11,6%). Các lĩnh vực như sản xuất phân phối điện, sản xuất xe hơi, dược, dệt may… đều tăng trưởng tốt. Niềm tin của nhà đầu tư ngoại với nền kinh tế Việt Nam vẫn được khẳng định trong bối cảnh có những biến động của tình hình thế giới. Tính đến 20/8, tổng vốn đầu tư đăng ký có yếu tố nước ngoài (bao gồm FDI) ước đạt 24,35 tỷ USD, số vốn FDI giải ngân ước đạt 11,25 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ. Cả nước có trên 87.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 2,4% về số doanh nghiệp và tăng 6,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017. Có hơn 20.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 9,3%.

Cũng tại phiên họp, Chính phủ đánh giá bước đầu về tình hình kinh tế - xã hội cả năm 2018, kế hoạch năm 2019, tình hình kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020. Dự kiến, chúng ta sẽ đạt và vượt 12 chỉ tiêu của năm 2018, trong đó có 8 chỉ tiêu vượt và 4 chỉ tiêu đạt…

Về các nhiệm vụ - giải pháp thời gian tới, Chính phủ yêu cầu từ nay đến cuối năm, để đạt được các mục tiêu kế hoạch năm 2018, các Bộ ngành, địa phương không được lơ là, chủ quan; tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Giải pháp thực hiện đã khá đầy đủ, đồng bộ (nhất là cắt giảm các thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh), cần tập trung chỉ đạo vào khâu thực thi, kỷ luật kỷ cương hành chính, thực hiện nghiêm và tăng cường vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu.

Về tình hình thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao, tính chung 8 tháng năm 2018, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao 15.028 nhiệm vụ cho các bộ, cơ quan, địa phương. Trong đó, có 6.973 nhiệm vụ đã hoàn thành, 7.858 nhiệm vụ đang thực hiện trong hạn, 197 nhiệm vụ chưa hoàn thành quá hạn (chiếm 2,74%, giảm 1,6% so với tháng trước).

Về Chương trình công tác, theo kế hoạch, 8 tháng có 209 đề án các bộ, cơ quan phải trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Hết tháng 8, các Bộ đã trình 163 đề án (đạt 78%), trong đó 63 đề án đã được ban hành (chiếm 38,65% số đề án đã trình); 46 đề án đã quá thời hạn chưa trình theo tiến độ.

Về cắt giảm các điều kiện đầu tư, kinh doanh, trong tổng số 6.213 điều kiện, các bộ, ngành dự kiến sẽ đơn giản, cắt giảm 3.807 điều kiện. Đến nay đã chính thức cắt giảm được 968 điều kiện (đạt 31,6% so với dự kiến) của các ngành: Công Thương, Xây dựng, GD&ĐT, Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước, VH-TT&DL...

Sau khi lắng nghe các thông tin về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2018, các phóng viên tham dự họp báo đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến tình hình kinh tế - xã hội và an sinh, trong đó tập trung vào việc tháo gỡ các khó khăn bất cập. Các câu hỏi này đều được Người phát ngôn của Chính phủ và đại diện các bộ, ngành, cơ quan liên quan hồi đáp và làm rõ ngay tại họp báo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Khơi nước gần dập lửa xa

GD&TĐ - Iran đã bước vào giai đoạn xung khắc mang bản chất mới với Mỹ và Israel nên càng cần yên bình ở phía biên giới chung với Pakistan.
Minh họa/INT

Khai mở động lực tăng trưởng mới

GD&TĐ - Về tổng thể, kết thúc quý I/2024, kinh tế Việt Nam được đánh giá là có nhiều điểm sáng nhưng thực tế, các doanh nghiệp vẫn đang gặp khá nhiều khó khăn.