Đi hay ở trong lúc này?
Maya Boehm, một SV trao đổi người Mỹ tại Trường ĐH Trung Văn Hương Cảng (CUHK), bắt đầu thu xếp hành lý để bay về nhà. Sau cuộc đụng độ giữa những người biểu tình và cảnh sát trong khuôn viên Trường CUHK, hôm 12/11, Trường ĐH Saint Edward ở Austin (Texas, Mỹ) đã kêu gọi Boehm và các bạn cùng lớp trở về, nhằm bảo đảm sự an toàn và an ninh của các SV.
“Mọi thứ ở thời điểm hiện tại là rất khó để có thể dự đoán. Tôi chỉ có thể theo dõi tình hình không chỉ từng ngày, mà là từng giờ. Tôi rất đau lòng khi phải rời đi như thế này”, Boehm chia sẻ.
Nữ sinh 20 tuổi này chỉ là một trong số nhiều SV nước ngoài ở Hồng Kông có nguy cơ phải quay về, khi trường ĐH của họ trở thành chiến trường. Sau khi CUHK trở thành nơi xảy ra không ít cuộc đụng độ dữ dội, du HS tại 13 trường ĐH của Hồng Kông đang được kêu gọi về nhà hoặc phải quyết định liệu có nên chờ đợi sự bất ổn trôi qua. Mới đây, CUHK đã tuyên bố huỷ bỏ các môn học trong học kỳ này.
Hàng trăm SV Trung Quốc cũng đã rời đi, trong khi Đài Loan phối hợp với Hãng hàng không China Airlines để sơ tán 81 SV đang theo học tại CUHK. “Quyết định rời đi hay ở lại là tất cả những gì SV quốc tế đang nghĩ tới”, Boehm nói.
8 trường ĐH công lập tại Hồng Kông là nơi theo học của khoảng 18.000 SV nước ngoài. Theo thống kê, người học từ hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ chiếm khoảng 1/5 trên tổng số 20.000 SV CUHK.
Lily Wang, một SV Trung Quốc theo học tiến sĩ về truyền thông tại Trường ĐH Baptist Hồng Kông, cho biết đã rời đi cùng 3 người bạn. “Chúng tôi bắt taxi cùng nhau đến ga tàu cao tốc và sau đó đến Thâm Quyến. Chúng tôi không thể chờ đợi nữa vì người thân rất quan tâm đến sự an toàn của chúng tôi”, Lily nói.
Trước bối cảnh này, cảnh sát biển Hồng Kông đã triển khai một con tàu, giúp các SV rời khỏi CUHK. Nhiều trường ĐH Mỹ cũng kêu gọi SV trở về nhà. Theo Bộ GD Đài Loan, 41 SV tại vùng lãnh thổ này theo học ở CUHK đã trở về nhà mà không cần được hỗ trợ chi phí.
Những SV khác cũng được gia đình kêu gọi trở về. Olamide Akintokun (20 tuổi), SV trao đổi người Anh tại CUHK, cho biết đang suy nghĩ nghiêm túc về việc trở về nhà do sự lo lắng của cha mẹ và sự thất vọng của bản thân với tình hình ở Hồng Kông hiện tại. “Tôi không còn tận hưởng thời gian của mình ở đây nữa. Các lớp học đã ngừng hoạt động, kỳ thi cũng tạm dừng, còn bố mẹ tôi đang lo lắng”.
Akintokun, người theo học ngành quản lý kinh doanh quốc tế, cho biết các cuộc biểu tình đã khiến cô và bạn bè phải cảnh giác cao độ trong khuôn viên trường - chẳng hạn như mang theo giấy tờ tùy thân trong trường hợp họ bị cảnh sát chặn lại. “Bạn không thể nói điều gì đó hoặc ăn mặc theo cách gây chú ý khi đi gần người biểu tình vì họ có thể tức giận”, cô nói.
Cũng theo Akintokun, hai người bạn người Anh và Nhật Bản cùng lớp của cô cũng đã trở về nhà, trong khi hai người khác từ Canada đang chuẩn bị rời đi trong tuần này, do lo ngại về an toàn cá nhân cũng như sự gián đoạn trong việc học.
Đề cao sự an toàn của người học
Người đứng đầu nhóm du HS thuộc Hội SV quốc tế Đại học Khoa học và Công nghiệp Hồng Kông (HKUST) - một trong những trường ĐH phải đối mặt với việc đóng cửa khuôn viên trường vì các cuộc biểu tình, cho biết, họ tập trung chủ yếu vào sự an toàn và nhận thức về việc hỗ trợ SV quốc tế. Hầu hết, căng tin tại cơ sở GD này cũng đều đóng cửa, khiến SV trong khuôn viên trường phải sống qua ngày nhờ ăn mì ăn liền và các thực phẩm tiện lợi khác.
“Là một SV quốc tế, chắc chắn là chúng tôi không hề mong đợi tình huống này”, một du học sinh cho biết. Tuy nhiên, trước tình hình này, khuôn viên trường và hội trường SV đã cung cấp cho du HS thực phẩm, những tin tức mới và tổ chức đưa đón ngoài khuôn viên - đến một địa điểm tạm thời an toàn hoặc đến sân bay.
“Không phải SV quốc tế nào đến Hồng Kông cũng nhận thức và hiểu biết rõ về tình hình hiện tại. Hầu hết, họ đến Hồng Kông để được đắm mình trong một môi trường đa văn hóa thực sự, nơi các nền văn hóa và giá trị giao thoa”, một thành viên trong Hội SV quốc tế chia sẻ.
Người đứng đầu hiệp hội cho biết, nhiều người học quốc tế đã được khuyên nên liên hệ với đại sứ quán để biết được thông tin an toàn. “Cho dù có bất cứ vấn đề gì xảy ra ở Hồng Kông về mặt xã hội, chính trị hay kinh tế, chúng tôi vẫn sẽ tập trung vào sự an toàn của các SV”, một người khẳng định.
Nam sinh Kang tại HKUST nhận định, các sự kiện đã thay đổi cảm giác về sự an toàn trong khuôn viên trường của du HS. “Chúng tôi từng nghĩ rằng, nơi an toàn nhất là trường học. Chúng tôi có niềm tin rằng, các trường sẽ bảo vệ SV. Nhưng từ những gì chúng ta đã thấy tại CUHK, không có sự an toàn nào được bảo đảm cho cộng đồng SV quốc tế”, anh nói.
Truyền thông Đài Loan đưa tin, với sự giúp đỡ của Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc, 126 SV tại vùng lãnh thổ này đang theo học tại CUHK đã có chuyến bay lúc 10 giờ tối ngày 13/11 để trở về nhà.
Trong một bài đăng trên Facebook, Lãnh sự quán Singapore tại Hồng Kông cũng cam đoan với SV Singapore rằng, họ đang theo dõi tình hình một cách sát sao. Hồi tháng 8, 4 trường ĐH tại đảo quốc sư tử này đã thực hiện các cuộc trao đổi SV với Hồng Kông trong học kỳ theo yêu cầu của Bộ GD Singapore.
Lãnh sự quán Indonesia cho biết đang theo dõi tình hình và khuyên SV nên giữ an toàn, tuân thủ luật pháp và liên hệ với lãnh sự quán thông qua đường dây nóng 24 giờ nếu có bất kỳ vấn đề gì.