Hong Kong: Học sinh ngày càng lo lắng vì áp lực học hành

GD&TĐ - Vào đầu năm học mới, áp lực học hành lại đè nặng lên vai nhiều học sinh ở Hong Kong. Thời gian này được xem là một trong những thời gian mà học sinh phải chịu áp lực học tập cao ở mức đỉnh điểm.  

Học sinh Hong Kong chịu nhiều áp lực học tập vào đầu năm học mới và trước các kỳ thi
Học sinh Hong Kong chịu nhiều áp lực học tập vào đầu năm học mới và trước các kỳ thi

Bác sĩ Chan Kwuan-lap của Bệnh viện nhi Castle Peak, đồng thời là chuyên gia về sức khỏe tâm thần thanh thiếu niên cho biết, mỗi năm, áp lực học tập vào đầu năm học hay giữa các kỳ thi đều ở mức cao nhất. Bác sĩ Chen cho biết bà đã khám cho một số trường hợp học sinh bị các vấn đề về sức khỏe tâm thần có liên quan tới kết quả học tập.

Một số trường học đã buộc học sinh phải học tập chăm chỉ bằng cách cho phép các em được học lên bậc cao hơn chỉ khi nào đạt được điểm yêu cầu trong các kỳ thi.

Một học sinh nữ 16 tuổi ở trường trung học đã buộc phải học lại 2 năm bởi vì điểm toán thấp. Cô bé luôn muốn trở thành một người làm trong quán bar nhưng bố mẹ muốn cô học đại học và có thu nhập cao. Học sinh này bị ức chế và các vấn đề đã khiến cô phải nghỉ học vì ốm nhiều ngày. Quãng thời gian nghỉ học lâu nhất là 2 tháng của cô bé đã khiến thầy cô giáo nghi ngờ việc cô bé bị ốm.

Bác sĩ Chen cho biết cô bé cảm thấy không có ai quan tâm đến mình, một số người thì nghĩ rằng cô dễ xúc động quá và cố gắng gây sự chú ý. Thật may mắn là sau thời gian trị liệu, tình trạng của cô bé được cải thiện và cuối cùng cô đã đi học trở lại.

Trong trường hợp khác, một học sinh nam 11 tuổi được chẩn đoán là bị chứng rối loạn lo âu vì áp lực ở trường và gia đình. Nhà trường có các bài kiểm tra hàng ngày, hầu hết trong số đó đều buộc học sinh phải chép chính tả cho tới khi viết đúng mới thôi.

Vấn đề càng trầm trọng hơn khi những lời mắng mỏ dường như không ngớt từ mẹ cậu. Cậu bé không muốn thức dậy đi học, thậm chí còn đập đầu vào tường và khi đi học thì luôn đòi mẹ đến đón về. Tuy nhiên, sau thời gian trị liệu, cậu bé đã tự giác làm bài tập và đôi khi còn tới lớp học thêm.

Bác sĩ Chen cho biết có rất nhiều loại cảm xúc mà cha mẹ cần phải xử lý đối với con cái vào thời điểm đầu năm học và gần các kỳ thi. Bà cho rằng phụ huynh cần chú ý tới sức khỏe tâm thần của con và nếu có bất kỳ triệu chứng như: thất vọng, mất hứng thú với những sở thích thường lệ… thì nên tìm sự giúp đỡ của chuyên gia. Cha mẹ cũng nên tránh thuyết giảng cho con ngay khi con mắc lỗi mà cần lắng nghe vấn đề của con trước.

Nhà tâm lý học Li Ching-wai cho biết ngày càng có nhiều học sinh cần giúp đỡ vì vấn đề liên quan tới học hành. Có trường hợp một học sinh tiểu học gặp vấn đề trong việc điều chỉnh theo chương trình học khó khăn của lớp chọn mà cô bé được tuyển vào. Chương trình yêu cầu học sinh phải biết về  “tác động của cơn sóng thần tài chính” và về các chủ sở hữu nhà máy ở Trung Quốc đại lục. Ông Li cho rằng chương trình học quá khó và không phù hợp với học sinh tiểu học.

Tuy nhiên, các bậc phụ huynh lại cho rằng chương trình học càng khó thì việc giáo dục ở đó càng tiên tiến, khiến cho học sinh bị mất ngủ vì bài tập về nhà và học thêm.

Theo Ejinsight

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ