Hôn nhân bạn là người quyết, đừng để bố mẹ chỉ mặt, đặt tay

Nhiều cặp vợ chồng chưa kịp “về chung một nhà” đã phải “chia lìa đôi ngả” vì mâu thuẫn bị đẩy lên đỉnh điểm ngay ở khâu chuẩn bị cho đám cưới. Nguyên do phần lớn lại xuất phát từ… bố mẹ.

Hôn nhân bạn là người quyết, đừng để bố mẹ chỉ mặt, đặt tay

Cô dâu, chú rể chỉ là những-con-rối

Tôi biết có nhiều cặp vợ chồng trẻ cảm thấy bức xúc ngay trước thềm đám cưới của mình. Các bạn không được quyền quyết định bất cứ việc gì, dù là nhỏ nhất cho ngày trọng đại sắp tới như việc chọn nhẫn cưới, váy cưới, chụp hình, in thiệp… đến những việc quan trọng hơn như đặt bao nhiêu bàn tiệc, chọn tổ chức ở hội nghị tiệc cưới nào, mời bao nhiêu khách… đều do bố mẹ hai bên quyết định hết, “con trẻ” tuyệt đối không được xen vào.

H.Anh (27 tuổi, nhân viên công ty bảo hiểm P.) chia sẻ: “Lúc hai vợ chồng mình đem album ảnh cưới về quê để bố mẹ chồng xem thì lập tức nhận được tin sét đánh:

“Ra tiệm chụp lại bộ khác ngay cho tôi! Ảnh cưới gì mà trông nhí nha nhí nhố thế này? Cô dâu trang điểm thì nhợt nhạt như chết trôi, váy cưới lại không đính kim sa, còn mái tóc nữa này, sao không bảo người ta búi cao lên rồi phun kim tuyến cho sang?”.

Hai vợ chồng bối rối nhìn nhau. Chồng mình thanh minh: “Xu hướng chụp ảnh cưới bây giờ là càng tự nhiên càng đẹp mẹ ơi” thì mẹ chồng mình nạt: “Dẹp đi! Chụp vầy để hôm tới láng giềng người ta cười cho tôi không ngẩng mặt lên à!”.

Nhiều cặp vợ chồng chưa kịp “về chung một nhà” đã phải “chia lìa đôi ngả” vì mâu thuẫn. Ảnh minh họa

Thế là, nguyên album chụp ngoại cảnh hai vợ chồng đầu tư chụp mất hai ngày trời, ngốn hết gần hai chục “chai” đành đem về để trong phòng tự ngắm.

Bộ ảnh mới hai đứa quyết định chụp luôn tại quê, cho đúng “gu” của bố mẹ. Nhưng cưới xong, hai đứa cũng giấu nhẹm đi, chẳng dám đem khoe với bạn bè vì sợ tụi nó nhận không ra.

Cô dâu trang điểm… 1000 lớp phấn, chú rể thì trang điểm ít hơn - cỡ… 500 lớp phấn, tấm nào cũng bị photoshop tới mức mình còn chẳng nhận ra”.

Q.Khải (34 tuổi) bức xúc kể lại: “Ngày hai gia đình gặp nhau để bàn về tiệc cưới, bọn mình bị đuổi vào phòng riêng để “Bố mẹ hai bên nói chuyện người lớn”.

Khi mình nói bọn mình cũng muốn tham gia thì bố mẹ mình gạt phắt đi. Mình vừa ức vừa xấu hổ với vợ sắp cưới, vì bằng ngần tuổi này rồi mà bố mẹ cứ coi như trẻ con.

Tiền đám cưới, bọn mình chi từ A tới Z. Vì kinh tế eo hẹp, hai đứa đã bàn trước với nhau là chỉ tổ chức đơn giản thôi. Ngờ đâu, vì muốn làm đám cưới con trai cả thật hoành tráng để “mát mặt” với họ hàng, láng giềng mà mẹ mình chọn đúng trung tâm có chi phí tổ chức tiệc rất “chát”, số lượng bàn tiệc tăng gấp đôi so với dự tính ban đầu.

Đó là chưa kể chi phí phát sinh thêm vì mẹ mình đặt hoa tươi rải từ trên lầu cho tới ra tận cổng, bánh trái tiếp khách cũng toàn loại đắt tiền.

Bao nhiêu tiền tiết kiệm để dành mua chung cư trả góp coi như xong, bốc hơi trong chớp mắt. Người ta cưới thì vui biết bao nhiêu, còn bọn mình bên ngoài thì rõ tươi chứ bên trong lại héo hắt. Hai đứa còn suýt cãi nhau to ngay trước ngày tổ chức tiệc cưới vì ức chế quá nhiều chuyện”.

Có một điều kì lạ, rằng khi bạn đến độ tuổi phải-kết-hôn, bố mẹ đều giục giã thậm chí gây sức ép để bạn sớm lập gia đình riêng rồi sinh con đẻ cái.

Như thể chỉ cần chậm trễ vài giây là bạn đã “lão hóa” mất rồi. Bố mẹ luôn miệng nói bạn đã đủ trưởng thành rồi, đã đến lúc phải “dựng vợ gả chồng” rồi.

Nhưng đến khi bạn đang háo hức lên kế hoạch chi tiết cho ngày trọng đại nhất đời mình thì bố mẹ lại thẳng tay gạt phăng mọi ý kiến của bạn với lý do vô-cùng-chính-đáng: “Trẻ con chúng mày thì biết gì? Mấy chuyện dựng vợ gả chồng này phải để người lớn lo”.

Nhiều cặp vợ chồng chưa kịp “về chung một nhà” đã phải “chia lìa đôi ngả” vì mâu thuẫn bị đẩy lên đỉnh điểm ngay ở khâu chuẩn bị cho đám cưới. Nguyên do phần lớn xuất phát từ bố mẹ hai bên.

Gia đình nhà gái yêu cầu “sính lễ” quá hoành tráng và cầu kì trong khi điều kiện gia đình nhà trai không cho phép. Lời qua tiếng lại, hai bên cãi nhau một trận long trời lở đất.

Kết thúc cuộc chiến, ai nấy lo kéo con mình về. Và rốt cục, chẳng có cái đám cưới nào được tổ chức hết vì không “môn đăng hộ đối”. Hai nhân vật chính chỉ biết âm thầm, lén lút liên lạc với nhau, hẹn khi nào “sóng êm, bể lặng” rồi mới dám đứng ra thuyết phục song thân bình tâm suy xét lại.

Đám cưới là dịp để bố mẹ “đòi nợ nhân gian”?

Có lẽ là cả hai! “Vì bao năm nay, bố mẹ mày cứ miệt mài đi ăn đám cưới con thiên hạ, con chú H. hàng xóm, con cô Q. đồng nghiệp ở cơ quan cũ, con bác T. bên đằng nội, rồi cháu ông M. trưởng khu phố…

Giờ cưới mày, bố mẹ phải tranh thủ “thu hồi vốn” chứ!”. Rồi thì “Bố mày sắp về hưu, không tranh thủ “hốt hụi chót” thì còn chờ đến bao giờ hả con?”. Thế là, ngày vui lại bị biến thành ngày hội thu hồi vốn của song thân.

Bạn muốn đặt 30 bàn tiệc, bố mẹ bạn “xin thêm” 30 bàn cho bạn bè của bố mẹ. Bạn từ chối khéo, mẹ giận: “Bàn tiệc của ai, người nấy trả. Tiền mừng cưới của ai, người nấy thu”.

Thế rồi, trong khung cảnh tiệc cưới vô cùng trang trọng, bố mẹ lo tiếp đón khách của bố mẹ, chú rể và cô dâu lo tiếp đón khách của chú rể và cô dâu.

Không gian tiệc cưới được chia ra làm hai khu riêng biệt: Bạn của bố mẹ và bạn của cô dâu chú rể. Thùng tiền mừng cưới cũng vậy. Nếu là tiệc cưới bố mẹ chi thì bố mẹ sẽ quản lý tiền mừng cưới luôn. Bố mẹ đưa bao nhiêu thì được bấy nhiêu, cấm ý kiến.

Càng ngày, đám cưới càng trở nên phức tạp và nhiều thủ tục hơn. Không phải cứ “giàu sang” mới sinh ra “lễ nghĩa”. Nhiều cặp vợ chồng chắt chiu mãi từ lúc mới yêu được một khoản tiền nhỏ, định bụng để tổ chức một đám cưới ấm cúng nhưng vì bố mẹ muốn thế này, thế kia, “phải làm đàng hoàng thì tiền mừng cưới mới nặng tay” nên đành bấm bụng đi vay mượn bạn bè để có một đám cưới “không ai chê trách được”. Sau đám cưới, cô dâu chú rể cặm cụi ngồi bóc phong bì đem đi trả nợ, cũng xót ruột lắm nhưng lực bất tòng tâm.

K.Huy (quận 3, TPHCM) kể: “Chỉ còn vài ngày nữa là đám cưới, bố mẹ mình bất ngờ đặt thêm 5 bàn tiệc, nói là có bạn bè Việt kiều vừa về nước, phải mời ngay không họ trách. Tiền cưới dội lên vì tiệc đặt sát ngày quá.

Vậy mà đến lúc đám cưới diễn ra, 5 bàn tiệc bố mẹ đặt thêm trống hoác. Chẳng có vị Việt kiều nào đến cả. Bố mẹ vừa tiếc tiền vừa ngại với nhà gái.

Còn mình thì mừng thầm, mong rằng bố mẹ sớm rút kinh nghiệm cho đám cưới thằng em sẽ tổ chức vào đầu năm sau. Tiền bạc đúng là quan trọng, nhưng với một đám cưới thân mật và ấm cúng thì không.

Tiền bạc cũng đem lại hạnh phúc, nhưng không phải là thứ duy nhất khiến mình hạnh phúc. Một đám cưới với chi phí “vừa sức” rõ ràng sẽ khiến cô dâu chú rể và gia đình hai bên cảm thấy nhẹ nhõm hơn”.

Đám cưới không phải là dịp để bố mẹ hay nhân vật chính đi “đòi nợ” bạn bè. Nhiều cặp vợ chồng quyết định chỉ tổ chức đám cưới thật đơn giản ở quê, còn lại dành tiền định bụng sẽ tổ chức đám cưới ở nhà hàng để mua nhà, ổn định cuộc sống.

“Đám cưới ở quê chi phí ít lắm. Chỉ cần bỏ ra 20 triệu là ổn rồi. Còn làm ở nhà hàng, xác định phải dằn túi ít nhất 100 - 150 triệu. Ban đầu, bố mẹ phản đối kịch liệt lắm, nhưng bọn mình cứ than:

“Tụi con hết tiền rồi. Tụi con mua chung cư trả góp hết rồi” thì bố mẹ cũng xuôi. Ông bà cũng muốn bọn mình ổn định chỗ ở, đi thuê nhà mãi tốn tiền lắm!” - P.Mai (27 tuổi, nhân viên kế toán) kể.

Ngày cưới là ngày trọng đại nhất đời, và cũng là ngày hạnh phúc của hai bạn - Ảnh minh họa

Giành quyền làm chủ trong đám cưới của chính mình

1.Thỏa thuận trước với bố mẹ hai bên rằng đây là đám cưới của hai bạn, hai bạn là nhân vật chính, và hai bạn mới là người đưa ra những quyết định quan trọng.

Bố mẹ có góp ý, hai bạn sẽ lắng nghe và tiếp thu nếu thấy hợp lý. Còn nếu không, sẽ không có cái đám cưới nào cả (tất nhiên, nếu hai bạn có “gan”).

2.Nhẹ nhàng giải thích với bố mẹ rằng, đám cưới ở thành phố hơi khác với đám cưới ở quê. Đám cưới ở quê phong tục thế nào, hai bạn sẽ chấp hành nghiêm chỉnh.

Nhưng đám cưới tổ chức ở thành phố, thủ tục thế nào là do bạn và trung tâm hội nghị tiệc cưới thỏa thuận với nhau. Thêm nữa, đám cưới ngày xưa và đám cưới được tổ chức sau đó tận 30 - 40 năm hiển nhiên sẽ có nhiều thay đổi.

3.Cố gắng đứng ra chi trả mọi chi phí trong đám cưới của mình. Nếu bố mẹ ngỏ ý muốn hỗ trợ, hãy từ chối khéo hoặc chỉ nhận một phần nhỏ để bố mẹ vui lòng. Như thế, tiếng nói của hai bạn sẽ có “sức nặng” hơn.

4.Hãy làm “công tác tư tưởng” với bố mẹ hai bên càng sớm càng tốt. Đừng để gần đến ngày cưới mới nói. Đến lúc đó, bạn sẽ vừa xì-trét vì 1001 việc phát sinh, vừa ức chế vì bố mẹ gay gắt phản đối đủ chuyện.

5.Ngày cưới là ngày trọng đại nhất đời, và cũng là ngày hạnh phúc của hai bạn. Đừng để ngày cưới trở thành thảm họa, khi mà bố mẹ lẫn con cái đều căng như sợi dây đàn vì mỗi người một phách, không ai chịu nghe ai. Bố mẹ đòi “từ mặt” con. Còn vợ chồng chưa kịp nâng ly thì đã chia lìa đôi ngả.

Theo Phụ Nữ News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ