Hơn 800.000 ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi)

GD&TĐ - Hiếm có dự thảo luật nào lại được xin ý kiến rộng rãi trong mọi tầng lớp như dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi). Đây không chỉ là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng của đội ngũ nhà giáo, những người đã, đang làm trong ngành Giáo dục mà của nhiều tầng lớp nhân dân trong xã hội.

Luật GD (sửa đổi) sẽ có tác động lớn tới công cuộc phát triển thế hệ tương lai đất nước
Luật GD (sửa đổi) sẽ có tác động lớn tới công cuộc phát triển thế hệ tương lai đất nước

Hơn 800.000 người góp ý kiến vào dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi). Một con số chưa phải là kỷ lục, nhưng đủ để thấy sức lan tỏa của GD trong xã hội và xã hội quan tâm đến sự nghiệp GD của nước nhà như thế nào. Nói như nhiều chuyên gia, thời gian qua, việc Bộ GD&ĐT tổ chức lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo Luật đã tạo nên diễn đàn lớn và là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong nhiều tầng lớp nhân dân cũng như các cơ quan, đoàn thể… Có những chi bộ, Đảng bộ trong ngành Giáo dục và ở địa phương đã tổ chức sinh hoạt chuyên đề góp ý cho dự thảo Luật.

Điều đáng nói là, việc lấy ý kiến nhân dân đã được tổ chức dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú và đã được thực hiện ở nhiều cấp độ khác nhau, phù hợp với từng đối tượng. Cụ thể: Bộ GD&ĐT đã tổ chức lấy ý kiến nhân dân thông qua các cổng thông tin; tổ chức hội thảo, tọa đàm; lấy ý kiến bằng văn bản và phỏng vấn sâu… Qua đó tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhân dân được tiếp cận và đóng góp trí tuệ vào việc hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội trong kỳ họp tới.

Phạm vi và nội dung lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật là toàn diện, bao gồm: Hệ thống giáo dục quốc dân; mục tiêu, yêu cầu; nội dung, phương pháp và chương trình giáo dục; văn bằng chứng chỉ; giáo dục mầm non; giáo dục phổ thông; giáo dục thường xuyên; giáo dục nghề nghiệp; giáo dục đại học; tài chính và đầu tư cho giáo dục; quản lý Nhà nước, chính sách đối với nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng đối với nhà giáo, chính sách đối với người học; đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục; thanh tra, kiểm tra... Trong đó, tập trung chủ yếu vào 11 vấn đề dự kiến tiếp thu và xin ý kiến chỉnh lý.

Nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức còn tập trung lấy ý kiến về các nội dung liên quan đến phạm vi, lĩnh vực hoạt động của ngay chính cơ quan, đơn vị mình. Ngoài ra, các địa phương cũng tập trung lấy ý kiến liên quan đến nội dung quản lý giáo dục địa phương. Qua đó đã tạo ra những diễn đàn mở để nhân dân thẳng thắn góp ý xây dựng và hoàn thiện dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) trình Quốc hội.

Có thể nói, những ý kiến góp ý cho dự thảo Luật không chỉ thể hiện sự tâm huyết, trí tuệ của nhân dân mà còn là những thông tin ấm nóng, mang tính xây dựng, tích cực và sẽ là chất liệu quan trọng để Ban soạn thảo tiếp thu và hoàn thiện dự thảo Luật theo đúng định hướng.

Với tinh thần cầu thị, Bộ GD&ĐT đã tổng hợp một cách đầy đủ, nghiêm túc, khách quan, trung thực kết quả lấy ý kiến nhân dân góp ý cho dự thảo Luật. Trên tinh thần ấy, Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ GD&ĐT phối hợp với các cơ quan, tổ chức, chuyên gia nghiên cứu kỹ lưỡng để tiếp thu, chỉnh lý hoặc để giải trình, bảo đảm tính minh bạch, công khai, dân chủ của quá trình lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi). Mục đích cuối cùng là để Luật sau khi được Quốc hội thông qua sẽ đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả trong thực tiễn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ