Hơn 60% ca nạo phá thai là sinh viên

GD&TĐ - Theo thống kê của Viện Sức khỏe sinh sản và gia đình (Bộ Y tế), hiện có khoảng 20 - 30% các ca phá thai là phụ nữ chưa kết hôn và đau lòng hơn hiện có khoảng 60 - 70% các ca nạo phá thai là sinh viên các trường ĐH, CĐ, trung cấp chuyên nghiệp.

Hơn 60% ca nạo phá thai là sinh viên

Thực trạng đau lòng

GS.TS Nguyễn Thị Hoài Đức - Viện trưởng Viện Sức khỏe sinh sản và gia đình, cho biết bà từng chứng kiến rất nhiều nỗi đau phải phá thai sớm của trẻ vị thành niên.

Các em đều đến bệnh viện khi tuổi thai đã lớn, trên 2 - 3 tháng. Thậm chí, nhiều cháu đang là học sinh, khi phát hiện mang thai đã tự mua thuốc kích thích chuyển dạ trên mạng để phá dẫn tới bị băng huyết ồ ạt.

Giáo sư Hoài Đức lo ngại tình trạng phá thai ở người trẻ ngày càng gia tăng. Nghiên cứu của bà và các đồng nghiệp từng chỉ ra tình trạng nạo phá thai ở trẻ vị thành niên Việt Nam cao hơn nhiều nước trong khu vực và đứng thứ 5 trên thế giới. Hằng năm, khoảng 300.000 nữ giới từ 12 - 19 tuổi phá thai, 20 - 30% ca phá thai là phụ nữ chưa kết hôn, 60 - 70% là sinh viên.

Đáng lo ngại, tình trạng trẻ em gái ở lứa tuổi 12 có nhu cầu phá thai ngày càng tăng. Trên thực tế, con số nạo phá thai còn cao hơn rất nhiều vì không thể thống kê những trường hợp thực hiện chui.

Bác sĩ Lương Tâm Phúc - Phó khoa Kế hoạch hóa gia đình (Bệnh viện Phụ sản Hà Nội) cho biết: “Mỗi năm, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tiếp nhận xử lý 15.000 - 20.000 ca nạo phá thai, nhiều nhất cả nước, trong đó có tới 15 - 20% trường hợp các bé gái vị thành niên. Nhiều cháu mới chỉ 12 - 13 tuổi”,

30 năm trong nghề sản khoa, bác sĩ Phúc cho biết anh thấy tỷ lệ nạo phá thai ở các bé gái vị thành niên không hề giảm. Con số 15.000 - 20.000 ca chỉ là con số ghi nhận tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Cả nước còn nhiều bệnh viện phụ sản khác, chưa kể các cơ sở, phòng khám chui.

Hậu quả của việc cha mẹ thiếu quan tâm

Để xảy ra tình trạng đau lòng trên, theo bác sỹ Phúc là do sự thiếu quan tâm của bố mẹ đến con cái, đặc biệt con gái trong tuổi dậy thì. Bác sĩ cho rằng, hiện các dụng cụ tránh thai không có sẵn và do tâm lý e ngại, các em không mạnh dạn mua để sử dụng.

Kiến thức về giới tính, sức khỏe sinh sản, an toàn tình dục chưa được chú trọng. Những kiến thức này nên được đưa bài bản vào chương trình giáo dục trong nhà trường, không nên chỉ “cưỡi ngựa xem hoa” như bây giờ.

Bác sĩ Phúc khuyến cáo việc phá thai ở tuổi vị thành niên dẫn đến rất nhiều hệ lụy. Với xã hội hiện đại, việc cấm trẻ quan hệ tình dục rất khó. Thay vào đó, bố mẹ nên trang bị cho trẻ cách tránh thai an toàn để tránh những câu chuyện đáng tiếc. Đó là điều nên làm ngay lập tức.

Còn theo GS Đức, nguyên nhân khiến trẻ phá thai trở nên báo động như hiện nay là do sự thiếu hiểu biết về sức khỏe tình dục có thể dẫn tới rối loạn sức khỏe tâm thần, trầm cảm, loạn thần kinh, phức tạp và làm giảm sự tự tin, giá trị ý thức thấp, căng thẳng trong mối quan hệ với bạn tình làm hạn chế năng suất lao động và hạnh phúc trong đời sống.

Các vấn đề phát sinh từ hành vi tình dục không an toàn, thiếu hiểu biết về tình dục dẫn tới tình trạng bị các bệnh lây truyền qua đường tình dục, nhất là HIV, mang thai ngoài ý muốn và nạo phá thai không an toàn, các hệ lụy khác trong cuộc sống gia đình, xã hội.

“Cung cấp cho giới trẻ có kiến thức về tuổi dậy thì, về tình dục và sinh sản là để cho giới trẻ có kỹ năng sống, hiểu biết để tự điều chỉnh hành vi tình dục của chính mình một cách đúng đắn và lành mạnh, tránh phạm những sai lầm không đáng có trong thực hiện ham muốn tình dục” - Giáo sư Hoài Đức khuyến cáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ