Hơn 30 năm sưu tầm ảnh Bác Hồ

Hơn 30 năm sưu tầm ảnh Bác Hồ

(GD&TĐ) - Xuất phát từ tấm lòng tôn kính và biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, một cựu quân nhân đã âm thầm sưu tầm trong suốt 30 năm được hơn 100 ảnh Bác. Năm 2008, ông đã viết thư gửi Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Nam bày tỏ tâm nguyện được hiến tặng Bảo tàng 79 bức ảnh với ý nghĩa tượng trưng cho “79 mùa xuân” Người đã sống và giành trọn tình yêu cho dân tộc. Ông là Nguyễn Chướng, thôn Đôn Lương, xã Yên Bắc, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam…

Ấn tượng đầu tiên đọng lại trong tôi khi bước vào ngôi nhà nhỏ ấm cúng của ông là nhìn thấy tấm ảnh Bác Hồ lồng trong khung kính được treo trang trọng ở vị trí cao nhất trên ban thờ và một tấm ảnh Bác tươi cười vẫy tay được đặt ở bàn tiếp khách. Mặc dù đã bước sang tuổi 85, ông Chướng vẫn nhanh nhẹn, minh mẫn lạ thường.  

Ông Nguyễn Chướng - người hơn 30 năm sưu tầm ảnh Bác
Ông Nguyễn Chướng - người hơn 30 năm sưu tầm ảnh Bác

Ngay từ những ngày tháng được phân công làm thông tin tuyên truyền và chấp hành đoàn thanh niên cứu quốc tại quê hương cho tới khi thoát ly theo nghiệp quân ngũ (1949), được điều động công tác ở Huyện đội Duy Tiên (tỉnh Hà Nam), rồi Huyện đội Xuân Trường (tỉnh Nam Định), Cục chính trị quân khu Hữu Ngạn thuộc Liên khu 3… trong hành trang của người chiến sĩ Nguyễn Chướng luôn có lời Bác dạy: “Nhiệm vụ của thanh niên không phải hỏi nước nhà đã cho mình những gì mà phải tự hỏi mình đã làm được gì cho nước nhà”.

Noi theo tấm gương không tư lợi cá nhân, tận tụy, hết lòng vì tập thể của Bác, trong suốt quá trình công tác, ông luôn sống hoà đồng, cởi mở, biết gắn kết anh em, đồng chí. Hai lần được ưu tiên cấp xe (một lần được Huyện đội Xuân Trường, Nam Định cấp xe đạp Thống Nhất; một lần được tỉnh Hà Nam cấp xe đạp gắn máy), ông đều nhường lại cho anh em khác với lí do ông đã có xe riêng. Nhiều người thấy xe đạp của ông đã cũ, khuyên ông không nên “bỏ lỡ cơ hội” nhưng ông vẫn kiên quyết từ chối.

Lời Bác dạy: “Nếu lợi ích cá nhân mâu thuẫn với lợi ích tập thể thì đạo đức cách mạng đòi hỏi lợi ích riêng của cá nhân phải phục tùng lợi ích chung của tập thể”, ông đã ghi khắc ngay trên trang đầu tiên cuốn nhật kí công tác của bản thân. Cẩn thận ghi chép những câu nói có tính giáo dục của Bác để tự răn mình, để nghiền ngẫm cái lí lẽ sâu xa ẩn chứa trong đó, để tích luỹ kinh nghiệm sống nhằm đưa ra quyết định trước những vấn đề hệ trọng, đã trở thành thói quen đối với ông từ rất sớm.

Lời dạy của Người: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống, nó do đấu tránh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong” đã trở thành phương châm sống trong suốt cuộc đời ông. Khi về nghỉ hưu, ông vẫn tích cực tham gia công tác trong Hội Cựu chiến binh, Hội người cao tuổi, Hội khuyến học… của xã, của thôn. Ông sống giản dị, tiết kiệm nhưng tinh thần luôn phơi phới niềm lạc quan, yêu đời. Đóng góp của ông được ghi nhận bằng nhiều huân, huy chương cao quý của Đảng và Nhà nước như: Huân chương chiến công hạng Nhất, Huân chương chiến thắng hạng Ba, Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huy chương quân kỳ quyết thắng, và nhiều bằng khen, giấy khen của quân khu, của tỉnh…

Bữa cơm của Bác Hồ và các chiến sỹ ở Tân Trào trong những ngày kháng chiến chống thực dân Pháp
Bữa cơm của Bác Hồ và các chiến sỹ ở Tân Trào trong những ngày kháng chiến chống thực dân Pháp

Sở dĩ, năm 1968, ông chợt nảy ra “sáng kiến” sưu tầm ảnh của Bác là xuất phát từ sự tâm đắc, cảm phục trước định hướng chăm lo và bồi dưỡng thế hệ trẻ là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân mà Người chỉ ra. Ông mong muốn những thế hệ sau hiểu rõ hơn về cuộc đời cũng như những cống hiến và hy sinh to lớn của một vị lãnh tụ suốt đời vì nước vì dân. “Việc sưu tầm của tôi bền bỉ và hoàn toàn là thủ công. Nhìn thấy trên các trang báo có đăng ảnh Bác tôi cắt lại để lưu giữ, biết ai đó có ảnh Bác Hồ tôi đến xin, không xin được thì tôi mượn photo”- Ồng Chướng bộc bạch.

Những tấm ảnh ông sưu tầm đang được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Hà Nam dường như là “câu chuyện” cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác: Từ ảnh Bác còn là người thanh niên tên Ba hăng hái ra đi tìm đường cứu nước, ảnh Bác tham dự hội nghị quốc tế cộng sản, Hội nghị thành lập Đảng cộng sản Việt Nam… đến những tấm ảnh Bác giản dị trong bộ quần áo nâu xuống thăm bà con nông dân, Bác vui cười với các cháu thiếu nhi…vv.

Là “nhân chứng lịch sử”, vài năm trước khi sức khoẻ còn dồi dào, ông thường xuyên được mời tới nói chuyện ở Huyện đội Duy Tiên, trường học, Hội nghị của xã Yên Bắc và các xã lân cận, lần nào ông Chướng cũng lựa chọn câu chuyện thú vị về Bác kết hợp với một số tấm ảnh minh hoạ, phù hợp với nội dung buổi nói chuyện nhằm tăng thêm phần lôi cuốn, sinh động. Không ít lần, vào các dịp lễ lớn của dân tộc như: Quốc khánh (2/9), Ngày Giải phóng miền Nam (30/4), Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5)… ông đã dùng kim chỉ đính những tấm ảnh tư liệu về Bác lên vỏ chăn rồi mang ra chăng treo ở Nhà văn hoá thôn. Khi các cháu thanh thiếu niên và người dân tới xem, ông tình nguyện làm “hướng dẫn viên” thuyết trình và giải đáp những thắc mắc của họ. Dù rất quý và luôn cất giữ cẩn thận ảnh Bác song khi các cháu học sinh hoặc ai đó cần dùng để phục vụ thiết thực cho việc học tập, nghiên cứu, ông đều sẵn lòng chia sẻ bằng cách trao tặng hoặc cho mượn. Hành động trao tặng ảnh cho Bảo tàng trưng bày của ông cũng là vì mục đích góp phần giúp đông đảo mọi người tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Rất chân thành, ông thổ lộ rằng: “Hình ảnh Bác luôn ngự trị trong trái tim tôi với những tình cảm thiết tha, nồng nàn nhất. Chỉ khi nào không còn hiện diện trên cõi đời, tôi mới ngừng việc sưu tầm ảnh Bác, ghi chép những câu nói của Người. Đó là món quà tôi dành tặng với tâm nguyện gửi gắm cho thế hệ sau: Hãy sống xứng đáng với tấm gương vĩ đại của Bác”.

Hoàng Oanh

(Trung tâm Văn hóa tỉnh Hà Nam)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ