Hơn 1,1 triệu ý kiến góp ý sửa đổi Luật Giáo dục

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong đó, báo cáo của 52/63 sở GD&ĐT với 812.591 ý kiến; 195 phiếu góp ý kiến của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển Nhân lực; báo cáo từ 57 công đoàn giáo dục các tỉnh, 20 công đoàn giáo dục trường ĐH với 353.113 người tham gia góp ý; 10 văn bản góp ý của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các tổ chức xã hội- xã hội nghề nghiệp và xã hội, hiệp hội; 27 hội thảo, hội nghị, tọa đàm...hàng trăm bài báo giới thiệu, góp ý chuyên sâu...

Phạm vi và nội dung lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) là toàn diện, thực hiện trên toàn bộ nội dung dự thảo Luật từ hệ thống giáo dục quốc dân; mục tiêu, yêu cầu, nội dung, phương pháp và chương trình giáo dục; văn bằng chứng chỉ; giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học; tài chính và đầu tư cho giáo dục; quản lý nhà nước về giáo dục; chính sách đối với nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng đối với nhà giáo; chính sách đối với người học; đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục; thanh tra, kiểm tra.

Trong đó, tập trung vào 11 vấn đề dự kiến tiếp thu và xin ý kiến chỉnh lý dự thảo Luật. Ngoài ra, các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn tập trung lấy ý kiến về các nội dung liên quan đến phạm vi, lĩnh vực hoạt động của cơ quan, đơn vị mình; các địa phương tập trung lấy ý kiến liên quan đến nội dung quản lý giáo dục địa phương.

Việc lấy ý kiến nhân dân đã được tổ chức dưới nhiều hình thức đa dạng và đã được thực hiện ở nhiều cấp độ khác nhau từ Trung ương thông qua Mặt trận Tổ quóc Việt Nam, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn, Liên hiệp Hội KHKTVN, các hội, hiệp hội đến các địa phương, cơ sở giáo dục, các phụ huynh học sinh và người hoc..., phù hợp với từng đối tượng lấy ý kiến, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhân dân tiếp cận và đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật.

Cụ thể: Lấy ý kiến nhân dân qua các cổng thông tin điện tử; tổ chức các hội thảo, tọa đàm; lấy ý kiến bằng văn bản; phỏng vấn chuyên sâu.

Kết quả lấy ý kiến nhân dân đã được Bộ GD&ĐT tổng hợp một cách đầy đủ, nghiêm túc, khách quan, trung thực.

Trên cơ sở kết quả này, Chính phủ chỉ đạo Bộ GD&ĐT phối hợp với các cơ quan, tổ chức, chuyên gia nghiên cứu kỹ lưỡng để tiếp thu, chỉnh lý hoặc để giải trình, bảo đảm tính minh bạch, công khai, dân chủ của quá trình lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ