(GD&TĐ) - Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội cho biết, sẽ thực hiện hai đợt biểu diễn văn hóa nghệ thuật với gần 120 buổi: Đợt 1, tổ chức vào ngày 2-3/2 tới chào mừng 83 năm ngày thành lập Đảng; Đợt 2, tổ chức vào đêm giao thừa ngày 9/2 (tức 29 Tết) và từ ngày 12-15/2 tới (tức mùng 3-6 Tết).
Ảnh: MH |
Các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp của Hà Nội, Trung ương và tỉnh bạn cùng các câu lạc bộ không chuyên sẽ mang đến những tiết mục ca múa nhạc truyền thống và hiện đại, chèo, kịch, cải lương, xiếc… ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước, ca ngợi vẻ đẹp và sự phát triển của Thủ đô.
Các buổi biểu diễn văn hóa, nghệ thuật sẽ được tổ chức tại các tụ điểm công cộng, trung tâm văn hóa tại địa bàn 29 quận, huyện, thị xã; trong đó tâm điểm là sân khấu đền Bà Kiệu, đền Ngọc Sơn, Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục (quận Hoàn Kiếm) với các chương trình nghệ thuật đặc sắc diễn ra vào đêm giao thừa và trong những ngày Tết.
Đêm giao thừa, thành phố Hà Nội sẽ tổ chức bắn pháo hoa tại 29 điểm trong đó có 5 điểm tầm cao, 24 điểm tầm thấp, với thời lượng 15 phút. Năm điểm bắn pháo hoa tầm cao gồm Hồ Gươm có 2 điểm, công viên Thống Nhất, vườn hoa Lạc Long Quân, hồ Văn Quán và Sân vận động quốc gia Mỹ Đình.
Trong dịp này, các đơn vị văn hóa tại Hà Nội cũng sôi nổi tổ chức nhiều hoạt động mừng Xuân, tạo điểm đến cho người dân Thủ đô. Từ ngày 4-25/1, Thư viện Hà Nội tổ chức triển lãm sách, báo ảnh “Văn hóa người Hà Nội;” tại Văn Miếu Quốc Tử Giám cũng diễn ra các hoạt động trưng bày triển lãm, văn hóa nghệ thuật.
Trong những ngày đầu Xuân mới, nhiều lễ hội trên địa bàn thành phố cũng diễn ra như Lễ hội chùa Trăm Gian (huyện Chương Mỹ), tổ chức vào mùng 4 Tết; lễ hội kỷ niệm 224 năm chiến thắng Đống Đa, tổ chức vào mùng 5 Tết; lễ hội chùa Hương, đền Sóc, Cổ Loa, Hai Bà Trưng đều tổ chức và khai hội vào mùng 6 Tết; lễ hội Chạy lợn (huyện Phú Xuyên), tổ chức mùng 7 Tết....
Thái Hà