Từ lúc 3 tháng đến năm 3 tuổi, cậu bé Nguyễn Mạnh Cường (Quy Nhơn, Bình Định) không bi bô, không khóc cười, không phản ứng với mọi thứ xung quanh. Cường chỉ chơi một món đồ chơi nhất định, lúc nào cũng nép vào góc tối.
Nhiều lúc Cường tự cắn mình cho tứa máu mà không có cảm giác đau đớn. Đi trên 10 ngón chân, khi di chuyển Cường chỉ thụt lùi… Vào Bệnh viện Nhi đồng TP HCM khám, bác sĩ kết luận Cường bị tự kỷ nặng.
Bác sĩ lắc đầu. Nhiều người khuyên vợ chồng chị đem con gửi đến các trung tâm bảo trợ và sinh đứa con khác. Vợ chồng chị quyết bám trụ lại TP HCM chữa bệnh cho con. “Con là do mình sinh ra, con không có tội. Còn mẹ thì còn con, còn gia đình này thì còn sự yêu thương dành cho con. Bằng mọi giá, tôi quyết định phải chữa bệnh cho con”, người mẹ 43 tuổi nhớ lại.
Hai vợ chồng chị Nhàn thuê nhà gần trung tâm can thiệp trẻ tự kỷ, sáng chồng đi làm, vợ giữ con. Tối về, chồng thay phiên trông con, vợ đi bán vé số. Một tuần hai buổi, chị đưa con đến trung tâm can thiệp cho trẻ tự kỷ.
Những buổi đến trung tâm, chị đứng cạnh con, vừa quan sát biểu hiện của con trai vừa ghi nhớ những động tác mà chuyên gia hỗ trợ. Đến trung tâm, chị vừa làm tình nguyện viên vừa học tập phương pháp về nhà hỗ trợ cho con.
Để dạy cho con tập trung, chị tập cho con ngồi thêu. Một ngày khoảng 30 phút tập thêu. Ảnh: P.T |
Kể về chặng đường đã qua, chị Nhàn không cầm được nước mắt: “Có những lúc tuyệt vọng, ba năm ròng rã ở TP HCM nhiều lần vợ chồng tôi bế tắc. Bỏ công việc ở quê, khăn gói vào Nam với hai bàn tay trắng. Thu nhập bấp bênh, con trai bệnh tật. Thuê nhà được dăm bữa là bị đuổi vì con thường xuyên quậy phá, gào khóc…
Chỗ ăn, chỗ ở khó nhọc, tiền chữa bệnh cho con quá cao, hai vợ chồng bán hết mọi thứ có thể. Tôi đã nghĩ rằng, hai mẹ con cùng chết là có thể giải thoát. Bừng tỉnh sau ý nghĩ đó, lương tâm của người mẹ không cho phép, tôi vực lại tinh thần cùng con bước tiếp”.
Tuần hai buổi đưa con đến trung tâm, thời gian còn lại chị tự mình dạy cho con từng chút một. Chị ngồi học, ngồi tập cùng với con. Để bé ngồi tập trung, chị Nhàn phải buộc yếm cho con ngồi đối diện lên đùi, tay đỡ đầu con nhìn thẳng vào mặt mẹ qua một giấy trắng, tay đỡ lưng để con ngồi thẳng.
Tập đi cho con, chị buộc xốp vào bàn chân, dắt con đi về phía trước. Tập ăn bằng cách buộc vải mềm vào cánh tay phải, đưa lên, đưa xuống theo nhịp. Rồi đến cả tập nhai, một đứa trẻ tự kỷ không biết đưa cơm vào miệng nhai, chị Nhàn phải tập cho con nhai kẹo dừa… Con chị như một tờ giấy trắng, cố định vài nét vẽ. Chị phải phủ đầy lên nó mọi thứ, tập từ kỹ năng sinh hoạt đến tình cảm, biểu hiện yêu thương.
Hai mẹ con cùng học máy tính. Ảnh: P.T |
6 tháng ròng bó yếm ngồi với con, mặc con cắn nát bờ vai, cậu bé Cường giảm chứng tăng động. Ba năm sau, con trai bớt bệnh chị đưa con về Quy Nhơn, vừa học kinh nghiệm của giảng viên Khoa Tâm lý Giáo dục và Công tác xã hội (Đại học Quy Nhơn) vừa gửi bé vào Trung tâm bảo trợ xã hội Đồng Tâm.
“Chồng sang Lào làm việc nuôi gia đình, tôi ở nhà lại tiếp tục chữa bệnh cho con. Hết dạy kỹ năng, lại dạy học bài, đêm dài ròng rã, mẹ học, con cùng học, làm toán, tập đọc…”, chị chia sẻ.
Nỗ lực của chị được đền đáp xứng đáng. Sau thời gian trị bệnh, Cường đến lớp như bao đứa trẻ khác. Học hết cấp 1 tại trường Tiểu học Ngô Quyền, Cường lên cấp 2. Hết kỳ nghỉ hè này, Cường vào lớp 7A7 trường THCS Trần Quang Diệu.
“Cháu không tiếp thu nhanh như các bạn khác, nhưng mỗi ngày đến trường đều có tiến bộ rõ rệt. Biết nghe lời giáo viên, ghi chép bài, hòa nhập với bạn bè… Hết lớp 6, Cường đủ điều kiện để học lên lớp 7”, giáo viên chủ nhiệm lớp 6A7, cô Hà Nguyễn Thy Thy nhận xét.
Hai anh em Cường chơi trò cá ngựa. Ảnh: P.T |
"Hạnh phúc là khi thấy con biết khóc, biết cười, biết yêu thương. Đó là đời thường của bao đứa trẻ bình thường, nhưng là thiên đường của con tôi, đứa trẻ tự kỷ”, chị Nhàn chia sẻ. Những đêm dài ôm con gào thét, mẹ khóc con khóc. Những buổi chiều dạy con tập ngồi, lấy bản thân làm điểm nhìn để con cắn xé…
Những tháng năm đằng đẵng độc thoại một mình để dạy cho con biết yêu thương, biết giận hờn… Những ngày con đi học vợ chồng chị thay nhau dẫn con đi. Để con hòa đồng, chị cho con tham gia hoạt động lớp, trường và đứng từ rất xa nhìn con làm quen với cuộc sống.
“Bây giờ Cường biết mọi chuyện, quan tâm người khác. Thấy khách đến nhà Cường biết chào hỏi, rót nước, bật quạt… Trước đây những chuyện này thật không nghĩ tới”, chị Nhàn nói không giấu được niềm vui.
Bằng kinh nghiệm của mình, chị Nhàn trở thành địa chỉ tin cậy cho nhiều gia đình có con bị tự kỷ tại địa phương. Hiện chị dạy một cháu tự kỷ tại nhà, công việc này là cuộc sống mà chị từng trải nghiệm, thấm thía nỗi đau và tận tình hơn ai hết. “Bác sĩ, chuyên gia chỉ giúp phần nào can thiệp bên ngoài, muốn con thực sự trở lại thì chính bố mẹ và tình thương gia đình là phương thuốc hiệu quả nhất để giúp con khỏi bệnh”, chị Nhàn nói.
Một phụ huynh gửi con nhờ chị Nhàn hướng dẫn, chia sẻ: “Là người mẹ, tôi khâm phục chị Nhàn vì tất cả những điều mà chị đã và đang làm cho con chị, cho con tôi và những đứa trẻ khác. Nhờ chị tư vấn và hướng dẫn, mỗi ngày con tôi đã có tiến bộ”.