Hội thảo “Giá trị lịch sử - văn hóa của di tích đền Ông Hoàng Mười”

GD&TĐ - Được sự đồng ý của Bộ VHTT&DL; UBND tỉnh Nghệ An, Viện Nghiên cứu Truyền thông Văn hóa Dân tộc, Ủy ban Nhân dân huyện Hưng Nguyên và Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Giá trị lịch sử, văn hóa của di tích Đền Ông Hoàng Mười, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An” tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam.

Tái hiện hầu Thánh Hoàng Mười trên sân khấu của Hội thảo.
Tái hiện hầu Thánh Hoàng Mười trên sân khấu của Hội thảo.

Ngày 1/12/2016, “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trong hệ thống điện thần của Tín ngưỡng Thờ mẫu Tam phủ ông Hoàng Mười có một vị trí hết sức đặc biệt.

Ngài được xem là một “Đức Thánh Minh” trong hàng các ông Hoàng, được người dân sùng bái, ngưỡng mộ, thờ cúng ở nhiều nơi trong cả nước, trong đó nổi bật nhất là các ngôi đền dọc sông Lam xứ Nghệ, nơi ông được giao trấn giữ lúc sinh thời và cai quản về tâm linh khi hiển thánh. Trong tâm thức dân gian, Ông Hoàng Mười luôn là biểu tượng của một nhân cách văn võ song toàn, tài hoa, đức độ, kinh bang tế thế...

Đền thờ Ông Hoàng Mười ở làng Xuân Am, xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An (“Mỏ hạc linh từ”) là một di tích chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, văn hóa lâu đời và lễ hội đền Ông Hoàng Mười ngày càng thu hút đông đảo khách thập phương. Tục thờ Ông Hoàng Mười ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh không chỉ với những người thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ mà cả với nhiều tầng lớp nhân dân trong xã hội.

Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo
 

Nghiên cứu về tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ,Tứ phủ đã có khá nhiều công trình có giá trị trong giới học thuật, nhưng nghiên cứu về di tích và lễ hội gắn với tục thờ Ông Hoàng Mười ở Nghệ An thì đến nay vẫn còn khá là thưa vắng.

Chính vì vậy, mục đích của hội thảo là nhằm nhận diện những giá trị lịch sử - văn hóa quý giá của di tích và lễ hội đền Ông Hoàng Mười (Nghệ An), một mặt góp phần bổ sung, hoàn thiện thêm những tư liệu nghiên cứu về tục thờ Ông Hoàng Mười nói riêng, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ,Tứ phủ nói chung; mặt khác tiến tới khai thác, phát huy, quảng bá những giá trị đặc sắc của di sản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được hơn 30 tham luận của các tác giả đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học, các cơ quan, đơn vị ở Trung ương và địa phương tập trung vào nhiều chủ đề như:Nhận diện đầy đủ hơn về nhân vật thờ tự, làm rõ danh xưng, thân thế, hành trạng của Ông Hoàng Mười; phân tích, đánh giá vai trò của vị Thánh trong đời sống văn hóa cộng đồng, mối quan hệ giữa việc phụng thờ Ông Hoàng Mười với tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ. Khảo sát, nghiên cứu về những giá trị di sản văn hóa vật thể (kiến trúc, cảnh quan, các hiện vật, đồ thờ…) và phi vật thể (thần tích, truyền thuyết, nghi lễ, lễ hội…) gắn với di tích đền ông Hoàng Mười Nghệ An. Đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị của di tích và lễ hội đền ông Hoàng Mười Nghệ An trong đời sống đương đại…

Hội thảo“Giá trị lịch sử - văn hóa của di tích đền Ông Hoàng Mười” (Nghệ An) là diễn đàn thu hút trí tuệ, tâm huyết, đóng góp ý kiến của các nhà khoa học và quý vị đại biểu nhằm tìm ra những hướng đi, giải pháp thiết thực góp phần gìn giữ và phát huy một di sản văn hóa quý giá của tỉnh Nghệ An nói riêng, đất nước Việt Nam nói chung.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiện nay, tình hình an ninh mạng tại Việt Nam đang trở nên phức tạp hơn thể hiện qua số lượng đáng báo động là 13.900 vụ tấn công mạng được ghi nhận vào năm 2023.

'Giải mã' mục tiêu của mã độc Ransomware

GD&TĐ - Ransomware là một loại virus được mã hóa có nguy cơ gây tổn thương hệ thống mạng toàn cầu; cứ 11 giây, một tổ chức là mục tiêu của mã độc Ransomware.