Hồi sinh kiến trúc làng

GD&TĐ - Trong bối cảnh đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, khi phần lớn người dân nông thôn đang theo đuổi ước mơ về một căn nhà kiểu thành phố với cấu trúc khép kín, mái bằng, mái tôn chóp nhọn, thì có những người kiên trì góp nhặt và phục dựng từng mảnh vỡ của bức tranh di sản làng Việt.

Cùng với sân đình và giếng nước, cây đa cũng góp phần trở thành biểu tượng, một hình ảnh không thể thiếu của mỗi làng quê.
Cùng với sân đình và giếng nước, cây đa cũng góp phần trở thành biểu tượng, một hình ảnh không thể thiếu của mỗi làng quê.

Những nỗ lực đáng khen

Đến với Bắc Ninh, bạn sẽ được nghe kể về thôn Ngang Na. Đặc trưng nơi đây chính là những ngõ nhỏ ngoằn ngoèo, tường gạch đá ong, mái ngói rêu phong sau lùm cây xanh… Không gian nhỏ xinh, ấm cúng và tách biệt hoàn toàn với nhà cao cửa rộng, không ồn ào náo nhiệt, không đông đúc chen lấn, mang lại cảm giác yên bình, khiến con người như hòa vào một phần hồn Việt.

Có thể nói, toàn bộ không gian của làng Ngang Na được quy hoạch dưới bàn tay họa sĩ Bùi Hoài Mai.

Hơn 10 năm trước, ông bắt đầu lần mò, phục dựng di sản làng. Với quan điểm “không thay đổi gì hết mà phát triển trên cái làng sẵn có”, cấu trúc làng quê Bắc Bộ được giữ gìn nguyên vẹn với không gian đặc – rỗng, đóng – mở hài hòa, nhà 3 gian 2 chái, tường đất mộc vàng của loại đất thổ hoàng địa phương, cổng vào bằng đá ong, cửa gỗ, có sân rộng và ao nhỏ trước nhà, đường lát gạch quanh co, giếng nước, đình, chùa làng nguyên vẹn nét xưa…

Các vật liệu ở đây được tận dụng hoặc làm mới thủ công, chọn lọc kỹ càng từ nội thất, phù điêu, vòm cổng, tượng trong vườn…

Bằng cách này, người dân nơi đây cũng dần ý thức về giá trị của ngôi làng mình đang sinh sống, Ngang Na được hồi sinh, tinh tế thích ứng với lối sống hiện đại.

Họa sĩ Bùi Hoài Mai chia sẻ: “Đó là việc nối lại những đứt gãy của truyền thống bằng cách lưu giữ không gian cổ. Ước muốn thay đổi là của mọi người nhưng khi người ta hiểu giá trị của truyền thống, gốc rễ, họ sẽ tự nguyện bảo tồn. Tôn trọng quá khứ thì mới sáng tạo ra cái mới”.

Trước kia, người dân thôn quê cần giếng làng để lấy nguồn nước sạch hàng ngày. Giếng làng như vị phúc thần ban phước lành để họ có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Bởi vậy, làng nào cũng phải có ít nhất một giếng. Người ta ít đào giếng trong tư gia là bởi thói quen sinh hoạt cộng đồng, và không phải gia đình nào cũng có điều kiện tự đào giếng.

Khi đời sống nâng cao, giếng đào trong khuôn viên gia đình xuất hiện nhiều hơn, và cũng có nhiều nguồn nước khác thay thế như nước giếng khoan, nước từ các dự án nước sạch, nước máy ở những vùng đô thị hóa...

Vì vậy nhu cầu dùng nước giếng khơi ít dần hoặc không còn nữa. Nhiều nơi phá bỏ giếng làng để lấy đất xây dựng các công trình khác. Tuy nhiên nhiều địa phương vẫn gìn giữ giếng làng như một cách để giữ lại hồn cốt làng quê xưa.

Ở xứ Thanh hiện nay, giếng có thể là di tích cổ còn nguyên vẹn, cũng có thể được trùng tu, tôn tạo, phục dựng lại. Những chiếc giếng làng trong không gian làng quê nông thôn mới có thể không còn tác dụng cung cấp nước, nhưng vẫn hiện hữu với dáng dấp, vẻ đẹp cổ kính, ẩn chứa những câu chuyện lấp lánh sắc màu huyền thoại, lưu giữ những kỷ niệm đẹp của một thời đã qua.

Cùng với sân đình và giếng nước, cây đa cũng góp phần trở thành biểu tượng, một hình ảnh không thể thiếu của mỗi làng quê trong đó có những ngôi làng của vùng quê xứ Đoài.

Nó luôn khắc sâu trong tâm khảm trí nhớ của mỗi người dù đang ở hay xa quê, cây đa còn gắn với những vật thể hữu hình khác để tạo nên những bức tranh đa màu phản ánh đặc trưng của làng xã nông thôn Đồng bằng Bắc bộ Việt Nam.

Ngoài việc được trồng và chăm sóc ở các điểm di tích như: Đình, đền, chùa, miếu, cây đa còn được trồng phổ biến ở những nơi công sở, trường học, trung tâm hành chính, đầu cổng làng, nơi giao cắt các trục đường liên thôn, làng xóm…. Cây đa có tuổi thọ cao được dân làng gọi là “cụ đa”.

Dưới bóng gốc đa như những nhân chứng sống chứng kiến nhiều sự kiện của làng, nước xưa kia. Việc bảo vệ giữ gìn trân trọng những cây cổ thụ nói chung và cây đa nói riêng là góp phần bảo tồn tôn vinh các giá trị văn hóa và những nét đẹp của làng quê truyền thống Việt Nam và cũng góp phần vào việc bảo đảm môi trường sinh thái trong lành xanh - sạch - đẹp.

Khó khăn trong công tác bảo tồn

Những người yêu hồn quê Việt đang nỗ lực nối lại những đứt gãy của truyền thống bằng cách lưu giữ không gian cổ.
Những người yêu hồn quê Việt đang nỗ lực nối lại những đứt gãy của truyền thống bằng cách lưu giữ không gian cổ.

Không gian làng xã Việt Nam bên cạnh những giá trị văn hoá tinh thần to lớn còn chất chứa trong lòng nó những làng truyền thống, những khối di sản kiến trúc, nghệ thuật tiêu biểu và sáng giá ở Việt Nam.

Tuy nhiên, việc gìn giữ và phát huy giá trị đó còn mang tính manh mún khiến cho quỹ di sản vật thể và phi vật thể ấy đang bị mai một hoặc bị chuyển đổi chức năng, đặc biệt là trong thời kỳ đối mới và hội nhập.

Vì vậy, ngay lúc này, những nhà quản lý văn hóa cần phải có ngay những định hướng và giải pháp thiết thực nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của làng truyền thống Việt Nam, đảm bảo phù hợp với quy hoạch và xây dựng không gian làng cổ truyền Việt Nam thích ứng với thực tiễn đổi mới của đất nước ta hiện nay mà vẫn dựa trên cơ sở phát huy những giá trị tích cực của hương uớc và điều lệ quản lý làng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ