Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh phát biểu tại Hội nghị |
Sáng nay (17/12), Bộ Ngoại giao và Bộ Công Thương phối hợp tổ chức phiên họp chung về hội nhập quốc tế và kinh tế đối ngoại nhân dịp Hội nghị Ngoại giao lần thứ 28 và Hội nghị Tham tán thương mại 2013.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đồng chủ trì phiên họp.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, tại phiên họp chung của Hội nghị ngoại giao lần thứ 27 và Hội nghị Tham tán thương mại năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo cụ thể về nhiệm vụ và định hướng triển khai hội nhập quốc tế.
Tranh thủ thời cơ cho phát triển đất nước
Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, công tác hội nhập quốc tế với hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm thời gian qua đã thu được nhiều kết quả tích cực, đặc biệt là chuyển biến trong tư duy hội nhập, nhận thức và sự phối hợp giữa các cấp, các ngành đạt được nhiều tiến bộ.
Bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong 2 năm qua, công tác đối ngoại đã có nhiều kết quả quan trọng, bảo vệ vững chắc chủ quyền và lợi ích quốc gia đi đôi với củng cố môi trường quốc tế thuận lợi phục vụ cho phát triển đất nước.
Ngành Ngoại giao đã đóng góp tích cực vào việc xây dựng nội hàm hội nhập quốc tế của Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị; tăng cường nghiên cứu, tham mưu để củng cố nền tảng lợi ích chiến lược và lâu dài với tất cả các nước lớn, các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, đối tác tiềm năng và bạn bè truyền thống. 2 năm qua, nước ta đã xây dựng thêm quan đối tác chiến lược với 5 nước và đối tác toàn diện với 2 nước, đồng thời mở rộng và làm sâu sắc hơn, hiệu quả hơn quan hệ với các đối tác khác.
Việt Nam đã chủ động tích cực tham gia các diễn đàn quốc tế, đặc biệt là đóng góp có trách nhiệm vào xây dựng cộng đồng ASEAN, chủ động thúc đẩy hợp tác xử lý các thách thức an ninh lương thực, nguồn nước, ứng phó với thiên tai trong các khuôn khổ ASEAN, APEC, ASEM, hợp tác Mekong và các diễn đàn đa phương khác.
Nước ta đang tích cực triển khai các cam kết WTO và các hiệp định thương mại tự do đã ký và triển khai thực hiện 8 hiệp định thương mại tự do, đồng thời đang tham gia đàm phán 6 hiệp định thương mại tự do mới với tất cả các đối tác then chốt.
Trong điều kiện kinh tế thế giới và trong nước khó khăn, chúng ta đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao hiệu quả công tác kinh tế đối ngoại.
Bên cạnh các thị trường trọng điểm và truyền thống, kinh tế đối ngoại đã phát huy vai trò mở đường vào một số thị trường tiềm năng như Mỹ Latinh, Trung Đông, Bắc Phi… nhằm góp phần thúc đẩy, thu hút đầu tư, tạo việc làm. Các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài đã hỗ trợ các bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh vận động ODA, FDI, xúc tiến thương mại, du lịch và xuất khẩu lao động đi vào chiều sâu, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra bên ngoài bảo vệ lợi ích chính đáng trong tranh chấp thương mại.
Hội nhập quốc tế sâu rộng đã góp phần nâng cao vị thế quốc tế và mở rộng không gian phát triển của đất nước, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhận định.
Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, mặc dù chịu tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới, nhưng nền kinh tế nước ta về cơ bản đã vượt qua khó khăn tiếp tục tăng trưởng. Kim ngạch thương mại với các đối tác lớn đều tăng so với các năm trước, bước đầu khắc phục tình trạng nhập siêu; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng trở lại từ năm 2012; cam kết viện trợ phát triển vẫn được duy trì ở mức cao; lượng khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục tăng, dự kiến đạt 7,3 triệu lượt người năm 2013; xuất khẩu lao động ra nước ngoài tiếp tục tăng, trong 11 tháng qua ta đã gửi 78.000 lao động ra nước ngoài.
Hai năm qua, chúng ta đã vận động thêm được 14 nước công nhận Việt Nam có quy chế kinh tế thị trường; kịp thời vận động, đấu tranh chống các hành vi bảo hộ, phân biệt đối xử trong thương mại quốc tế, bảo vệ lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp và người lao động trong các vụ kiện chống bán pháp giá, chống trợ cấp, v.v.
Chủ trương chủ động và tích cực hội nhập quốc tế đang đẩy tiến trình hội nhập quốc tế của chúng ta lên một tầm cao mới trên tất cả các lĩnh vực, đặt ra yêu cầu cao hơn về tranh thủ thời cơ chiến lược và sức mạnh thời đại cho phát triển đất nước cũng như giữ vững độc lập, tự chủ và môi trường ổn định khi hội nhập sâu và toàn diện với khu vực và thế giới.
Yêu cầu về nội lực cho hội nhập kinh tế
Để triển khai hội nhập quốc tế theo tư tưởng chỉ đạo của Nghị quyết 22 đòi hỏi không chỉ đổi mới về tư duy hội nhập và phát triển nâng tầm trí tuệ mà còn cần có bản lĩnh, quyết tâm lớn của các cấp, các ngành và địa phương.
Trước hết, chủ trương chủ động tích cực hội quốc tế cần sớm được cụ thể hóa bằng một chiến lược tổng thể để gắn kết đồng bộ hội nhập trong các lĩnh vực, trong đó hội nhập kinh tế là trọng tâm. Cần làm sâu sắc hơn nữa quan hệ với các nước, các cơ chế hợp tác quốc tế và khu vực để tranh thủ tối đa lợi ích từ các mối quan hệ này phục vụ cho an ninh và phát triển của đất nước.
Hội nhập kinh tế quốc tế tới đây đòi hỏi triển khai kinh tế đối ngoại đi vào chiều sâu, lấy chất lượng và hiệu quả làm trọng tâm, đồng thời đặt ra yêu cầu cấp bách về đẩy mạnh công tác chuẩn bị trong nước, nhất là đổi mới thể chế, hoàn thiện chính sách pháp luật, cải thiện sức cạnh tranh kinh tế, tăng cường truyền thông, nâng cao năng lực quản lý và chất lượng nguồn nhân lực để tương thích với luật chơi mới cũng như tranh thủ cơ hội phát triển trong những sân chơi mới.
Trên cơ sở kiểm điểm triển khai đường lối đối ngoại nửa nhiệm kỳ vừa qua, tại Hội nghị Ngoại giao lần này, ngành Ngoại giao sẽ cùng với các bộ, ban, ngành xác định rõ hơn nội hàm và lộ trình hội nhập quốc tế theo tinh thần Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị, nhất là tiếp tục cụ thể hóa chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm của hội nhập quốc tế.
Theo Chinhphu.vn