Hội nhập cần gắn kết với việc ổn định kinh tế vĩ mô

Hội nhập cần gắn kết với việc ổn định kinh tế vĩ mô
(GD&TĐ)- Sau 4 năm gia nhập tổ chức Thương mại quốc tế WTO (kể cả một năm vận động để ra nhập chính thức-Pv), không thể phủ nhận những tác động tích cực mà quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mang lại cho nền kinh tế Việt Nam. Theo đó, các tác động tích cực quan trọng nhất của hội nhập gồm gia tăng niềm tin vào triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam, thúc đẩy phát triển kinh tế, mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu; tăng cường thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. 
Tuy nhiên cơ hội luôn đan xen thách thức. Việc gia nhập WTO cũng bộc lộ những hạn chế và yếu kém mang tính cơ cấu nội tại nền kinh tế như những yếu kém về chất lượng tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, năng lực thể chế, chất lượng nguồn nhân lực và năng lực kết cấu hạ tầng…
Tiến sĩ Võ Trí Thành
 Tiến sĩ Võ Trí Thành
Để rõ hơn về những bài học kinh nghiệm và hướng đi tiếp theo của Việt Nam sau 4 năm gia nhập WTO, phóng viên báo Giáo dục Thời đại Online đã phỏng vấn Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý  kinh tế Trung ương. 
Thưa ông, qua 4 năm gia nhập WTO, chúng ta nhận được những bài học gì?
Qua 4 năm gia nhập WTO chúng ta rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm. Có thể những kinh nghiệm ấy không mới nhưng tôi nghĩ rằng rất thiết thực và quan trọng. 
Bài học đầu tiên là hội nhập không chỉ là vị hội nhập, hội nhập đem lại phát triển nếu kết hợp với với cải cách trong nước, đánh giá đúng vị thế của mình. Thứ hai rất là quan trọng, chúng ta nhận ra chân giá trị, vị thế của nước ta, điểm yếu, mạnh của nước ta, và một trong những điểm chúng ta rõ ràng là cả công tác chuẩn bị cũng như trên thực tế mặc dù có rất nhiều cải thiện nhưng chưa được tốt lắm. Đó là vấn đề thể chế kinh tế, vấn đề pháp lý, vấn đề thực thi, bộ máy điều hành và tổ chức thực hiện. 
Bài học nữa hội nhập không chỉ là câu chuyện thương mại, hàng hóa dịch vụ mà đó còn là câu chuyện di chuyển vùng vốn, phản ứng chính sách, là câu chuyện lựa chọn đối tác, là câu chuyện mức độ mở cửa hội nhập các cam kết. Và cái nữa là chúng ta thấy vẫn đề vĩ mô cực kì liên quan đến vấn đề hội nhập. Trong quá trình 4 năm qua, chúng ta có nhiều điều bất cập và thậm chí là phạm sai lầm. 
Bài học cuối cùng chúng ta thấy chính là cùng với sự phát triển đất nước, cùng với sự hội nhập thì đời sống xã hội cũng phong phú, đa dạng hơn. Như vậy, các áp lực đối với chính sách cũng trở nên phức tạp và khó khăn hơn. Điều này đòi hỏi một quá trình hoạch định, giao diện với thị trường, với công chúng phải minh bạch, có trách nhiệm giải trình cao hơn. Đó là những bài học rất tổng thể. 
Với những điều như thế và trong bối cảnh mới là Việt Nam tiếp tục đi sâu vào hội nhập, ví dụ ta đang tham gia đàm phán hiệp định xuyên Thái Bình Dương, hoặc sắp tới Việt Nam có thể tham gia đàm phán FTA_hiệp định thương mại tự do của EU. Cùng với đó là chúng ta bước sang kỉ nguyên phát triển mới của Việt Nam đó là đưa mô hình phát triển của Việt Nam làm sao hiệu quả, năng suất hơn. 
Chính vì vậy, Chính phủ quyết định sau quá trình thực hiện chương trình hành động, Nghị quyết 16 của Chính phủ thì chúng ta sẽ căn cứ, kế thừa trước những đòi hỏi mới. Như vậy thì chúng ta sẽ có nghị quyết mới của Chính phủ về công tác hội nhập. Nghị quyết này sẽ cơ bản tập trung liên quan đến vấn đề thể chế thực thi cam kết của hội nhập, những vấn đề trọng yếu nhất mà liên quan đến hội nhập. 
Ví dụ: thương mại, đầu tư, năng lực cạnh tranh, những tác động bất lợi có thể có đối với các nhóm xã hội tại khu vực nông nghiệp, nông thôn...Tôi hi vọng trong thời gian ngắn sắp tới nghị quyết này sẽ được ban hành. 
Chúng ta nói nhiều về FTA bởi vì một khi chúng ta đã tham gia sân chơi của WTO thì sẽ có một chiến lược để tiếp cận. Vậy thì ông có thể nói rõ hơn những cách mình đi khi mà có rất nhiều sự lựa chọn?
Thực ra cái này không phải là mới vì chúng ta đã tham gia rồi. Ví dụ chúng ta đã có FTA nới rộng hơn tức là hiệp định đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Nhật bản. Bên cạnh đó với tư cách là thành viên của Asean chúng ta đã tham gia rất nhiều hiệp định thương mại tự do. Hiện nay chúng ta đang trong quá trình đàm phán với EU về hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU. Qúa trình này đang trong quá trình khởi động và lựa chọn đối tác rất quan trọng. 
Tinh thần của Việt Nam là mở cửa, chúng ta sẵn sàng có những giao thương, hợp tác kinh tế với tất cả các nước trên thế giới, mang lại lợi ích cho tất cả các bên. Nhưng để có những hiệp định sâu hơn và cao hơn, có lẽ chúng ta nên tập trung vào những đối tác chiến lược, những bạn hàng tiềm năng của Việt Nam. Đối tác này không chỉ là quan hệ thương mại tự do theo nghĩa thuần túy mà nó sẽ bao trùm lĩnh vực hợp tác rộng rãi hơn, ví dụ như đầu tư, hợp tác phát triển. 
Như vậy thì WTO chỉ là một cái ngưỡng để chúng ta bước qua?
Đúng như vậy, WTO không phải là điểm khởi đầu mà cũng không phải là điểm cuối cùng của quá trình hội nhập và cải cách của Việt Nam. Nhưng có thể coi WTO là nền tảng rất căn bản cho quá trình hội nhập, cải cách của Việt Nam. Điều ấy cũng đã thấy qua 4 năm gia nhập WTO, tác động rất nhiều đến quá trình cải cách, đặc biệt là cải cách thể chế Việt Nam.
Thứ hai là những lĩnh vực, phạm vi mà WTO cam kết thì đó chính là khuôn khổ sàn rất tốt để chúng ta hội nhập sâu hơn hoặc để chúng ta có những hiệp định FTA tốt hơn. Nhưng WTO vẫn còn những mức độ về mở cửa để tận dụng hết tất cả những cơ hội để một đất nước còn nghèo như Việt Nam phát triển. Chính vì vậy, bên cạnh WTO thì những khía cạnh như hợp tác, giao thương, đầu tư với những đối tác đặc biệt là những đối tác chiến lược của Việt Nam thì điều ấy rất cần thiết và quan trọng. 
Vậy thì quan điểm của ông về hội nhập là gì?
Ngày hôm nay Việt Nam có được những thành tựu nhất định về phát triển là do 3 cái căn bản: Thứ nhất là cải cách định hướng thị trường liên quan đến phát triển khu vực tư nhân, liên quan đến cải cách các thị trường các nhân tố sản xuất như vốn, tạo ra đất đai, liên quan đến việc tạo ra môi trường minh bạch hơn, liên quan đến việc cải cách doanh nghiệp nhà nước...
Khía cạnh thứ hai là hội nhập mở cửa, có thể là đơn phương, có thể là song phương, đa phương như WTO, có thể là khu vực. Cuối cùng là việc đảm bảo kinh tế, xã hội. Ba khía cạnh này là nền tảng rất quan trọng cho Việt Nam thu được những thành quả sau hơn 26 năm đổi mới. 
Thế nhưng, nó cũng chứng minh rằng, hội nhập là điều kiện cần cho phát triển. Như vậy nó phải gắn kết với việc ổn định kinh tế vĩ mô cũng như những cải cách trong nước. Theo nghĩa đấy thì tôi thấy rằng, đẩy nhanh quá trình hội nhập là cần thiết. 
Nhưng chúng ta hội nhập không phải là hội nhập vị hội nhập mà hội nhập này là  vì Việt Nam phát triển. Mà muốn Việt nam phát triển thì phải chia sẻ lợi ích với những nước mà Việt Nam hợp tác và thứ hai là phải gắn với cải cách bên trong.
Sau 4 năm gia nhập WTO chúng ta gặp quá nhiều biến động, quá nhiều sóng gió. Điều đó có khiến chúng ta lung lay hay không?
Liên quan đến những sóng gió, rõ ràng có những tác động bất lợi và làm cho chúng ta có những phản ứng khó khăn hơn vì chúng ta cùng một lúc chúng ta có những tác động rất nhiều chiều và những tác động ấy không cùng là thuận. 
Có 4 tác động mà chúng ta phải chịu: đó là cam kết thực hiện WTO, thứ hai là các cam kết với các đối tác khác như FTA, thứ ba là các cú sốc từ bên ngoài, các cuộc khủng hoảng năng lượng, lương thực thực phẩm, khủng hoảng tài chính toàn cầu, những thảm họa thiên nhiên ở những nước lớn, kể cả cuộc khủng hoảng hạt nhân cũng ít nhiều tác động đến nền kinh tế thế giới mà với một nền kinh tế mở như Việt Nam chắc chắn có rất nhiều tác động. 
Thật ra không thể nói là chúng ta không lường hết được nhưng phải nói rằng công tác chuẩn bị của chúng ta trong việc đối phó, đặc biệt là việc ổn định kinh tế vĩ mô là nó có những điểm chưa tốt trước những cú sốc từ bên ngoài, trước những tốc độ mở cửa...
Bài học của 26 năm cải cách và đổi mới cho thấy rằng: chỉ có mở cửa hội nhập cùng với các yếu tố cải cách khác thì chúng ta mới có thể phát triển được. Không mở cửa hội nhập thì những tác động của những cú sốc có thể sẽ nhỏ hơn nhưng cái cơ để chúng ta phát triển thì rất trống vắng.
Chúng ta muốn phát triển thì chúng ta phải chấp nhận những thách thức ấy. Tôi nghĩ rằng với cách làm của người Việt Nam, dần dần chúng ta sẽ học được những bài học, hoàn toàn chúng ta có thể hạn chế những bất lợi, tiêu cực từ những cú sốc từ bên ngoài trong khi đó những lợi ích từ việc hội nhập, những bài học trong 26 năm qua chúng ta học được thì chúng ta càng củng cố và thúc đẩy nó thì sẽ rất tốt. 
Và điều cuối cùng tôi muốn nói là không thể né tránh những thách thức, khó khăn mà quan trọng là chúng ta đối mặt với những khó khăn đó như thế nào để phát triển.
Xin cảm ơn ông!
Đinh Thúy 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ