Hội nghị T.Ư 3, Khóa XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc |
(GD&TĐ) - Hiện nay, công chúng Bắc Kinh lại nhớ đến sự kiện Đặng Tiểu Bình mở Hội nghị T.Ư 3, Khóa XI Đảng Cộng sản, tiến hành cải cách tạo ra sự tăng trưởng thần kỳ của nền kinh tế Trung Quốc.
Vào thời điểm hiện tại, kinh tế Trung Quốc đứng thứ 2 thế giới, nhưng lãnh đạo nước này luôn thận trọng trong việc lựa chọn giữa các tiêu chí: Số lượng và chất lượng, hiệu quả và công bằng, lợi ích cá nhân và lợi ích chung…
Thành công của Hội nghị T.Ư 3 lần này sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào việc Trung Quốc có đuổi kịp và vượt Mỹ về GDP hay không?
Hội nghị với tinh thần cải cách sâu rộng
Từ ngày 9-12/11, Hội nghị T.Ư 3, Khóa XVIII Ban chấp hành T.Ư Đảng Cộng sản Trung Quốc được tổ chức tại Bắc Kinh với sự tham gia của 376 đại biểu. Đây cũng là thời điểm hoàn tất chuyển giao quyền lực (từ thế hệ lãnh đạo thứ 4 sang thế hệ lãnh đạo thứ 5) và người ta chờ đợi những quyết định mang tính chiến lược của thế hệ lãnh đạo mới - thế hệ Tập Cận Bình.
Trước khi hội nghị diễn ra, các cơ quan ngôn luận chính thống của Trung Quốc không ngớt tuyên truyền cho xu hướng cải cách, coi nó là nhiệm vụ cấp bách trong tình hình hiện nay. Theo Tân Hoa Xã, những ngày đầu tháng 9 vừa qua, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã có chuyến công du 3 thành phố trọng điểm của Trung Quốc gồm: Nam Ninh, Bắc Kinh và Đại Liên.
Tại đây, Thủ tướng Trung Quốc đã đưa ra “lộ trình” cải cách trong giai đoạn mới của đất nước đông dân nhất thế giới. Công thức được ông Lý Khắc Cường đưa ra là: “Đẩy mạnh cải cách- một lực lượng năng động dài hạn” và “Đẩy mạnh mở cửa, coi đó như “máy phát điện gia tốc”.
Còn nhớ tại Hội nghị TƯ 3, Khóa XI (tháng 12/1978) Đặng Tiểu Bình phát động cải cách, mở cửa; cũng tại Hội nghị T.Ư 3 (1993), Tổng bí thư Giang Trạch Dân công bố tái khởi động cải cách sau sự kiện Thiên An Môn; năm 2003, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đưa ra phương thức giải quyết nền kinh tế phát triển thiếu cân đối bằng khái niệm “xây dựng xã hội hài hòa”.
Chính vì vậy, sự kỳ vọng ở hội nghị lần này là rất lớn. Ông Du Chính Thanh - nhân vật thứ tư trong Thường vụ Bộ Chính trị ĐCS Trung Quốc cho biết, các giải pháp mà hội nghị lần này đưa ra là “những cải cách quan trọng nhất trong thập kỷ qua”. Và điều này không chỉ là những ngôn ngữ kiều “đao to búa lớn”.
Tại sao Trung Quốc phải nhanh chóng tiến hành cải cách?
Theo các nhà phân tích, tại Hội nghị T.Ư 3 lần này, các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải đưa ra phương thức giải quyết những vấn đề then chốt có thể đe dọa đến khả năng lãnh đạo của Đảng Cộng sản, thậm chí đến vận mệnh của đất nước.
Đó là, phân tầng xã hội ngày một lớn trên bình diện kinh tế phát triển chậm. Theo tuyên bố của Thủ tướng Lý Khắc Cường, đối với Trung Quốc, duy trì tốc độ tăng trưởng GDP ở mức 7,2%/năm sẽ tạo đủ công ăn việc làm và góp phần ngăn chặn “bùng nổ xã hội”.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng đang giảm bởi mô hình phát triển tỏ ra lạc hậu. Sự đầu tư với quy mô lớn của chính phủ trong các cơ sở hạ tầng và xây dựng kém hiệu quả, tạo kẽ hở cho tham nhũng phát triển mạnh.
Một vấn đề hết sức quan trọng đối với nền kinh tế Trung Quốc là sự độc quyền của các tập đoàn nhà nước không mang lại hiệu quả trong các lĩnh vực quan trọng, nạn “nợ xấu” của các chính quyền địa phương khiến khu vực tư nhân khó tiếp cận với nguồn vốn của ngân hàng nhà nước.
Tất cả những điều này đều bị ảnh hưởng bởi nạn tham nhũng đang hoành hành và khó có thể khắc phục kể cả phải tử hình hàng loạt.
Trong bối cảnh ấy, một số nhà phân tích dự đoán về khả năng cải cách chính trị sẽ diễn ra tại hội nghị này. Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì cải cách chính trị ở Trung Quốc chủ yếu nhằm giúp chính phủ hoạt động mạnh mẽ và hiệu quả hơn chứ không như cách hiểu của phương Tây.
Hội nghị T.Ư 3 của Đảng Cộng sản Trung Quốc lần này đã trả lời cho tất cả những câu hỏi đang còn bỏ ngỏ. Cương lĩnh quan trọng của ban lãnh đạo mới ở Trung Quốc được nhắc lại rằng tránh tăng trưởng nóng trên cơ sở đầu tư nước ngoài mà bắt đầu mở rộng tiêu thụ nội địa.
Tuy nhiên, để bước quá độ sang mô hình tăng trưởng mới cần phải cải cách căn bản và toàn diện. Điều hiển nhiên rằng kế hoạch cải cách phải được Hội nghị T.Ư 3 lần này thông qua. Việc chuẩn bị các tài liệu cho hội nghị đã được tiến hành bí mật từ tháng 4 dưới sự chỉ đạo của ông Lưu Hà - cố vấn kinh tế của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Một số mục của kế hoạch được giới thiệu trong báo cáo của Trung tâm nghiên cứu những vấn đề phát triển - Trung tâm đầu não thuộc Hội đồng Nhà nước.
Bản chất của nó là cắt giảm một phần vai trò của nhà nước trong kinh tế, phá bỏ độc quyền, cải cách ruộng đất, từ bỏ quy định nghiêm ngặt về lãi xuất và thuế quan.
Tuy nhiên, kế hoạch cải cách bị không ít các thế lực, trong đó có 117 trong tổng số các công ty nhà nước lớn nhất Trung Quốc (chiếm tới 43% GDP) ra sức phản đối. Chính cuộc đấu tranh gay gắt này đã kéo Hội nghị T.Ư 3 sang tháng 11, thay vì tổ chức vào tháng 10 theo truyền thống.
Anh Phương