(GD&TĐ)Sáng 7/9/2012, tại Văn phòng Chính phủ đã diễn ra Hội nghị tổng kết 5 năm xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005- 2012 thông qua cầu truyền hình tới 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Tới dự hội nghị có Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân- Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia xây dựng xã hội học tập cùng đại diện nhiều ban ngành...
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển- Phó Trưởng ban thường trực Chỉ đạo Quốc gia xây dựng xã hội học tập đã báo cáo những kết quả đã đạt được sau 5 năm xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005- 2010. Trong 5 năm triển khai thực hiện Đề án, cả nước đã huy động được 383.651 người theo học XMC và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ. Theo số liệu điều tra dân số năm 2009, tỷ lệ người biết chữ trong các độ tuổi và các đối tượng cụ thể như sau: ở độ tuổi 15-25 đạt 97,2%; ở độ tuổi 15-35 đạt 96,2%; ở độ tuổi từ 15 trở lên đạt 94,4%; ở độ tuổi từ 36 trở lên là 91,7%. Trong đó tỷ lệ nữ biết chữ ở độ tuổi từ 15-25 là 96,8%; ở độ tuổi 15-35 là 95,6%; ở độ tuổi 15 trở lên là 92,0%; ở độ tuổi từ 36 trở lên là 88,4%... Việc huy động trẻ em các độ tuổi từ 6-10 và 11-14 vì hoàn cảnh khó khăn không đi học ở nhà trường phổ thông, theo học chương trình phổ cập giáo dục đã được các địa phương quan tâm, song vẫn đang là vấn đề nan giải. Mỗi năm cả nước đã huy động được hàng chục ngàn trẻ theo học các chương trình phổ cập giáo dục... Tóm lại, sau 5 năm thực hiện Đề án, công tác XMC đã có những tiến bộ đáng kể. Tỷ lệ người biết chữ tăng dần, công tác chỉ đạo ở nhiều nơi đã có những chuyển biến tích cực, các biện pháp nâng cao chất lượng của công tác XMC ở nhiều địa phương vẫn được tăng cường.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả, tiến bộ thì vẫn tồn tại những khó khăn, bất cập trong công tác XMC như: Hệ thống cơ chế, chính sách về công tác XMC chưa đầy đủ, chế độ, chính sách cho GV, học viên XMC chưa hợp lý. Đầu tư từ ngân sách nhà nước cho công tác XMC còn thấp, chưa xứng với nhiệm vụ được giao. Cùng đó, sự chỉ đạo của chính quyền các cấp và ngành GD ở các địa phương đối với công tác XMC không còn thực sự ráo riết, quyết liệt như giai đoạn trước đây, một số địa phương chỉ tập trung vào PCGDTH đúng độ tuổi và phổ cập GD THCS mà lơ là đối với công tác XMC; hàng năm, công tác điều tra, thống kê số liệu XMC của các địa phương chưa được cập nhật; độ tin cậy, chính xác của số liệu thống kê chưa cao, ảnh hưởng đến việc hoạch định các chính sách, quyết sách cho công tác XMC...
Sau khi lắng nghe bản Dự thảo Đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012- 2020, báo cáo, trao đổi kinh nghiệm của các địa phương, ban ngành liên đối với việc xây dựng XHHT giai đoạn qua cũng như đóng góp ý kiến cho đề án xây dựng XHHT giai đoạn 2012- 2020, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã kết luận hội nghị. Theo Phó Thủ tướng, về cơ bản hội nghị đều thống nhất với những kết quả mà Đề án xây dựng XHHT giai đoạn 2005- 2010 mà Bộ GD-ĐT đã tổng kết. Những kết quả này đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao trình độ người lao động trên các lĩnh vực phục vụ cho việc phát triển kinh tế xã hội, cũng như đã chăm lo cho cuộc sống từ gia đình và các địa phương.
Qua báo cáo của các địa phương cũng cho thấy, TTHTCĐ ở cơ sở là nhân tố quan trọng, song không vì thế mà có thể hoạt động một mình, TTHTCĐ phải thông qua các mối liên kết, với các chương trình hoạt động của các tổ chức, của các hội, phòng... để tạo nên phương thức thu hút quan trọng. TTHTCĐ là hạt nhân gắn với các tổ chức, hội... Từ đây cũng cho thấy các mạng lưới, hệ thống đã tích hợp lại được cùng nhau thì cũng đòi hỏi phải chuẩn hóa, thể chế hóa các mối quan hệ đó....
Phó Thủ tướng cũng chỉ ra những nguyên nhân khách quan và chủ quan tác động tới việc chưa đạt được một số kết quả, chỉ tiêu.... đặt ra của đề án xây dựng XHHT giai đoạn qua. Trên cơ sở rút kinh nghiệm, Phó Thủ tướng đã chỉ đạo, việc xây dựng đề án XHHT giai đoạn 2012- 2020 cần xác định đúng các mục tiêu; Phải có 1 đề án truyền thông cho đề án xây dựng XHHT; Việc xây dựng các đề án cần gắn với các mục tiêu của việc học tập suốt đời; Các chỉ tiêu đặt ra phải mang tính khả thi đối với các tỉnh khó khăn phải khác các tỉnh thành phố khác và các chỉ tiêu này nên để các địa phương tự đăng ký; Đối với kinh phí thực hiện không nên dàn đều cho các tỉnh mà cần xem xét theo từng địa phương nơi nào khó khăn, nơi nào thuận lợi; Mỗi năm nên có sơ kết một lần ở các địa phương cũng như 6 tháng ban chỉ đạo phải họp một lần; Cần tham khảo kinh nghiệm của cá nước đã xây dựng xã hội học tập thành công...
Những góp ý, bổ sung của các ban ngành và sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân sẽ được Bộ GD-ĐT và ban soạn thảo đề án xây dựng XHHT giai đoạn 2012- 2020 tiếp thu và hoàn thiện trước 30/9/2012 để trình Chính phủ xem xét và phê duyệt.
PV