Hội nghị thường niên nhóm các đối tác phát triển cho giáo dục

GD&TĐ - Sáng nay (10/12), tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga chủ trì Hội nghị thường niên nhóm các đối tác phát triển cho GD (ESG).

Toàn cảnh hội nghị
Toàn cảnh hội nghị

Cùng dự Hội nghị có Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, bà Katherine Mulle – Marin; đại diện các đối tác, các chuyên gia quốc tế, lãnh đạo các Vụ, Cục chức năng (Bộ GD&ĐT).

Mục đích của Hội nghị nhằm chia sẻ, thảo luận những vấn đề chính và giải pháp hiệu quả để đạt được các mục tiêu đã đề ra của Chiến lược phát triển GD và cải cách GD trong bối cảnh ngày càng phát triển của đất nước. Bên cạnh đó, Hội nghị cũng thảo luận về định hướng phối hợp làm việc giữa Bộ GD&ĐT Việt Nam với các đối tác trong năm 2015.

ESG được thành lập từ năm 1999 nhằm đảm bảo hỗ trợ quốc tế với ngành GD một cách chặt chẽ và đúng với các mục tiêu quốc gia. Mục đích của nhóm là nâng cao hiệu quả viện trợ theo những nguyên tắc đã được xác định trong Cam kết Hà Nội và cụ thể hóa tại tuyên bố Paris về hiệu quả viện trợ đối với bối cảnh của Việt Nam, cũng như tạo điều kiện cho các bên liên quan chia sẻ thông tin.

Tại hội nghị, các đại biểu đã đóng góp ý kiến, xoay quanh 4 tham luận quan trọng: Cập nhật tình hình triển khai Nghị quyết 29-NQ/TW, Nghị quyết 44/NQ-CP và tiến trình đổi mới chương trình, SGK GD phổ thông sau 2015; Đánh giá phối hợp ngành và phân tích GD; Phát triển hệ thống các trường sư phạm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT; Giới thiệu về hệ thống thông tin quản lý GD.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga phát biểu tại hội nghị
Thứ trưởng Bùi Văn Ga phát biểu tại hội nghị

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bùi Văn Ga đánh giá cao hiệu quả hoạt động của nhóm ESG và mong muốn những cuộc đối thoại, gặp gỡ thường niên tiếp tục phát huy hơn nữa trong tương lai.

Thứ trưởng nhấn mạnh: Những năm tiếp theo Bộ GD&ĐT Việt Nam sẽ tập trung những vấn đề: Tìm hỗ trợ từ quĩ phát triển toàn cầu về GD để hỗ trợ cho Việt Nam. Mặc dù đã thoát khỏi nước nghèo nhưng Việt Nam đang đi vay nước ngoài với lãi suất cao, không còn được vay với lãi suất ưu đãi. Do đó, phải tìm kiếm đối tác, đặc biệt các khoản viện trợ không hoàn lại.

Ngoài ra, Chiến lược phát triển GD của Việt Nam đến năm 2020 đã đi đến lộ trình năm 2015, việc thay đổi chương trình, SGK cũng rất cần đóng góp ý kiến của nhóm ESG, các chuyên gia trong và ngoài nước để Việt Nam viết chương trình chuẩn theo quốc tế, đặc biệt các môn học khoa học tự nhiên, hợp với trình độ HS thế giới, phù hợp hội nhập quốc tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ