Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Quang Quý phát biểu tại Hội nghị |
Đối tượng tham gia chủ yếu nghiên cứu về những đề tài này là các thầy cô giáo, cán bộ quản lý, sinh viên, các nhà khoa học, giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ GD chủ yếu tập trung vào nghiên cứu trên tất cả các hướng từ nghiên cứu về công tác tổ chức, quản lý chỉ đạo công tác GD thể chất, sức khoẻ và y tế trường học; nghiên cứu những điều kiện đảm bảo cho các hoạt động TDTT và công tác chăm lo sức khoẻ cho HS, SV đặc biệt là công tác đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên GD thể chất và y tế trường học, cơ sở vật chất, kinh phí và chế độ chính sách cho lĩnh vực này..., bước đầu đã đạt được kết quả đáng khích lệ, góp phần tích cực và quan trọng vào thành tích chung nhằm nâng cao chất lượng GD toàn diện, nâng cao thể trạng, tầm vóc người Việt Nam...
Tại Hội nghị lần thứ V - 2010 này đã có rất nhiều đề tài nghiên cứu khoa học về GD thể chất và y tế trường học của các nhà nghiên cứu được đánh giá có tính thực tiễn cao như: Xây dựng đánh giá xếp loại thể lực đối với HS, SV Việt Nam của nhóm tác giả Ngũ Duy Anh (Bộ GD&ĐT), Hoàng Công Dân, Nguyễn Hữu Thắng (Tổng cục TDTT); Phát triển TDTT trường học, trách nhiệm của toàn xã hội của nhóm tác giả Đỗ Vĩnh, Nguyễn Đức Thành - Trường bán công Tôn Đức Thắng; Định hướng đổi mới hoạt động GD thể chất trong các trường Sư phạm theo định hướng đào tạo nghiệp vụ hướng dẫn viên TDTT của tác giả Lê Trường Sơn Chấn Hải (ĐH Sư phạm Hà Nội II); Thực trạng thể chất của sinh viên (độ tuổi từ 19-22) hiện nay của nhóm tác giả Nguyễn Quang Vinh, Nguyễn Anh Tuấn - Trường ĐH SP TDTT Tp. HCM; Thực trạng hoạt động y tế trường học tại các trường phổ thông hiện nay của nhóm tác giả Chu Văn Thăng, Lê Thị Thanh Xuân, Chu Thị Loan, Hoàng Thị Thu Hà, Đặng Ngọc Lan (Trường Đại học Y Hà Nội); Thực trạng các công trình vệ sinh, nước sạch tại các trường học ở nông thôn Việt Nam (nhóm tác giả: Lã Quý Đôn, Trần Văn Dần, Nguyễn Thị Sơn); Tình hình đau mỏi cơ xương ở học sinh tiểu học ở Hà Nội và một số yếu tố liên quan (Chu Thị Vân Ngọc – Viên Y học Lao động và Vệ sinh môi trường); Nghiên cứu xây dựng nội dung chương trình môn học thể thao tự chọn cho sinh viên nam (Nguyễn Viết Trung - Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội); hay thực trạng hút thuốc lá và một số chỉ tiêu sinh học ở nam sinh viên hút thuốc lá (Hoàng Thị Ái Khuê – ĐH Vinh)...
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Quang Quý cho biết: Kể từ khi phát động đến nay, phong trào nghiên cứu khoa học ở một số tỉnh thành và các trường chuyên về TDTT, y tế, các trường đại học, cao đẳng sư phạm có khoa chuyên về đào tạo giáo viên GD thể chất và y tế đã bước đầu đã mang lại hiệu quả. Đặc biệt, trong Hội nghị lần thứ V này đã có trên 100 báo cáo khoa học có tính thực tiễn cao đều đề cập và đưa ra những giải pháp nhằm hoàn thiện hơn nữa cả về nội dung, phương pháp về các điều kiện đảm bảo đồng bộ cho công tác GD thể chất và y tế trường học trong giai đoạn mới. Nhiều tác giả đã đề cập và thể hiện sự quan tâm đến việc nghiên cứu, cải tiến về công tác đào tạo bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên TDTT và cán bộ y tế trường học, cơ sở vật chất và kinh phí dành cho mặt GD này... Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu bước đầu đã đạt được thì công tác nghiên cứu khoa học GD thể chất và y tế trường học vẫn còn bộc lộ những tồn tại và hạn chế nhất định, nghiên cứu khoa học về GD thể chất chưa theo kịp với phát triển của ngành, tỉ lệ các đề tài nghiên cứu khoa học được đưa vào ứng dụng chưa cao, tỉ lệ cán bộ, giảng viên, giáo viên tham gia nghiên cứu các đề tài khoa học về GD thể chất, y tế trường học còn thấp... Một trong những nguyên nhân làm hạn chế về chất lượng và hiệu quả của hoạt động này là sự đầu tư cho công tác nghiên cứu khoa học chưa tương xứng với tiềm lực của các trường đại học, cao đẳng và các đơn vị GD, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Để tiếp tục thực hiện, triển khai có hiệu quả hơn nữa trong công tác nghiên cứu khoa học phục vụ GD thể chất và y tế trường học cho HS, SV trong giai đoạn tới, Thứ trưởng Trần Quang Quý cũng đã đưa ra một số giải pháp như: Nâng cao nhận thức và vị trí của công tác nghiên cứu GD thể chất, y tế trường học như một bộ phận của khoa học công nghệ GD-ĐT, TDTT và y tế. Trên cơ sở đó, các cấp quản lý GD, nhà trường và các cơ sở GD khác cần tăng cường GD nhận thức cho từng cán bộ và HS, SV, tạo mọi điều kiện đảm bảo thuận lợi nhằm khuyến khích công tác nghiên cứu và áp dụng kết quả kết quả nghiên cứu trong quản lý, tổ chức quá trình GD-ĐT trong các trường; Hình thành mạng lưới cơ sở quản lý và nghiên cứu khoa học công nghệ GD thể chất và y tế trường học trong toàn ngành; Xây dựng đội ngũ cán bộ thầy cô giáo có trình độ cáo và CSVC kỹ thuật nghiên cứu, dự trù kinh phí phù hợp nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng công trình và áp dụng tiến bộ khoa học GD thể chất, y tế trường học; Tăng cường sự phối hợp liên ngành GD-ĐT, y tế và TDTT các cấp nhằm đẩy mạnh có hiệu quả trong công tác nghiên cứu khoa học GD thể chất và y tế trường học nhằm phục vụ nâng cao chất lượng GD-ĐT; Hoàn thiện hệ thống tổ chức Hội nghị khoa học GD thể chất và y tế trường học toàn ngành GD-ĐT 4 năm/lần, đối với khu vực trường, tỉnh, thành 2 năm/lần và các cơ sở đào tạo định kỳ hàng năm, đặc biệt đối với các cơ sở đào tạo giáo viên chuyên về TDTT.
Trung Toàn