Hội nghị giao ban lần thứ 2 các Sở GD&ĐT vùng ĐBSCL: Một năm học khởi sắc

GD&TĐ - Ngày 27/6, tại tỉnh Hậu Giang đã diễn ra Hội nghị giao ban lần thứ 2 các Sở GD&ĐT vùng ĐBSCL năm học 2013 - 2014. Đến dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cùng lãnh đạo ngành GD 12 tỉnh vùng ĐBSCL.

Các đại biểu tham dự hội nghị
Các đại biểu tham dự hội nghị

Một năm của nỗ lực

Theo báo cáo của 12 tỉnh ĐBSCL (vùng thi đua số 6), năm học 2013-2014 đã kết thúc thành công với nhiều thành tích đáng ghi nhận. Đặc biệt là công tác phối hợp với các cấp, các ngành và toàn xã hội cùng quan tâm chăm lo sự nghiệp GD. Công tác tuyên truyền về ý nghĩa và tầm quan trọng của sự nghiệp trồng người ngày càng phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức.

Quy mô, mạng lưới các ngành học, cấp học tiếp tục được củng cố và phát triển theo hướng thuận lợi để huy động tối đa trẻ trong độ tuổi đến trường, giảm tỷ lệ HS lưu ban, bỏ học. Phòng học được quan tâm, đầu tư, nâng cấp, sửa chữa kịp thời. Trang thiết bị phục vụ dạy và học tiếp tục được đầu tư, đáp ứng yêu cầu dạy và học chủ động, sáng tạo.

Ở cấp học GD Mầm non, số trẻ huy động vào nhà trẻ, mẫu giáo ở hầu hết các địa phương đều tăng trong năm học. Trong đó số trẻ 5 tuổi đến trường, số trẻ 5 tuổi học 2 buổi/ngày toàn vùng tăng bình quân trên 1% so với năm học trước. Từ đó tiếp tục tạo được nền tảng vững chắc để huy động tối đa trẻ 5 tuổi đến lớp trong các năm học tiếp theo.

Nhiều địa phương đã tập trung ưu tiên các nguồn lực để đảm bảo tiến độ PC GDMN 5 tuổi. Như tỉnh Hậu Giang vận động các ngân hàng, doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí xây dựng để xóa xã trắng trường MN, mẫu giáo với tổng trị giá lên đến 160 tỉ đồng…

Ở GD tiểu học, kết quả HS có tỷ lệ khá, giỏi ở nhiều địa phương tăng hơn so với năm học trước. Trong đó số trường có tổ chức dạy 2 buổi/ngày tiếp tục tăng. 

Việc triển khai mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN) được các địa phương quan tâm thực hiện và nhân rộng. Nhiều hoạt động nổi bật được các địa phương tổ chức thành công như: Đồng Tháp tổ chức “Ngày hội giao lưu HS tiểu học”; Trà Vinh tổ chức “Ngày hội trường em”; Vĩnh Long tổ chức “Hội thi trạng nguyên”…

Ở GD Trung học, tỷ lệ HS xếp loại học lực, hạnh kiểm từ khá trở lên tăng so với năm học trước. Phong trào HS giỏi các bộ môn văn hóa, thực hành các cấp được tiếp tục quan tâm đầu tư và đạt kết quả tốt. Nhiều địa phương có số lượng đông HS đạt giải kỳ thi HS giỏi quốc gia cấp THPT như Bến Tre, Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An…

Đặc biệt công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia được mỗi địa phương hết sức quan tâm, nhiều địa phương thực hiện gắn liền với thực hiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Vì thế số lượng và tỷ lệ trường học đạt chuẩn QG năm học 2013-2014 tăng cao so với năm học trước. Nhiều tỉnh đạt tỷ lệ khá cao như Long An (43,42%); Hậu Giang (37,57%), Cà Mau (32,66%), Kiên Giang (29,23%)…

Có thể thấy điểm nhấn của GD vùng ĐBSCL trong năm học qua là tỷ lệ HS bỏ học giảm đáng kể. Tình hình HS bỏ học các cấp học ở nhiều địa phương giảm so với năm học trước. Đó là nỗ lực của các cấp, ngành và toàn xã hội trong thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. 

Theo thống kê, năm học 2013 - 2014, toàn vùng ĐBSCL tổng số HS bỏ học là 30.347 em  (tỷ lệ 1,21%). Trong đó cấp TH bỏ học 4.642 em (0,19%); cấp THCS bỏ học 15.976 em (0,64%); THPT là 10.266 em (0,41%). Các tỉnh có tỷ lệ HS bỏ học ít như: Bến Tre (0,62%); Hậu Giang (0,99%); Long An, Tiền Giang (0,68%); Vĩnh Long (0,85%). Các tỉnh có tỷ lệ HS bỏ học còn cao như: An Giang (1,92%); Bạc Liêu (1,19%); Cà Mau (1,42%); Trà Vinh (1,38%)…

Theo lãnh đạo ngành GD ở các địa phương, nguyên nhân dẫn đến tình trạng HS bỏ học phần lớn do hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, bản thân học lực yếu, kém, nhà ở xa trường, điều kiện sông nước đi lại quá khó khăn. 

Nhất là HS ở các xã vùng sâu, vùng ven biển. Một số hộ dân nghèo lo làm ăn xa, chưa thực sự quan tâm đến việc học của con em hoặc để con em ở nhà phụ tiếp gia đình. Mặc khác, điều kiện chất lượng giảng dạy, học tập còn hạn chế ở một số trường thuộc vùng kinh tế khó khăn, vùng sâu, vùng xa, làm ảnh hưởng đến chất lượng học tập của HS, từ đó dẫn đến tình trạng HS chán học, bỏ học…

Cùng tháo gỡ khó khăn

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga phát biểu tại hội nghị
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga phát biểu tại hội nghị 

Tại Hội nghị, các địa phương ĐBSCL đã nêu ra một số khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ. Trong đó khó nhất là thực hiện PC GDMN 5 tuổi giai đoạn 2010 - 2015. 

Theo bà Đào Thị Hồng Vân, Phó GĐ Sở GD&ĐT Trà Vinh cho biết: Thực hiện PC GDMN 5 tuổi đang gặp khó vì thiếu cơ sở vật chất, thiếu phòng học, phòng chức năng và thiếu đội ngũ. Đôi khi vì thực hiện PC GDMN 5 tuổi mà không còn chỗ học cho trẻ em dưới 5 tuổi nên các em này bị thiệt thòi. 

Vừa qua tỉnh xin kinh phí đầu tư xây dựng trường MN nhưng do tình hình khó khăn chung nên vẫn chưa giải quyết được… Trước những khó khăn đó, bà Vân kiến nghị nên dời thời gian thực hiện PC GDMN 5 tuổi cho địa phương.

Ngoài ra, việc phân luồng HS sau THCS cũng gặp không ít khó khăn. Theo ông Phạm Văn Hồng, Phó GĐ Sở GD&ĐT Vĩnh Long, tỉnh phân luồng HS sau THCS theo tỷ lệ (20-80) và hướng đến năm 2015 sẽ phân luồng theo tỷ lệ (30-70). 

Tuy vậy tỷ lệ huy động hiện nay còn nhiều khó khăn, đặc biệt là phân luồng HS sau THCS vào học trung cấp, học nghề. Cái khó là đa số các em không theo luồng được phân mà tự chọn theo “luồng khác” nên rất khó quản lý, khó thống kê và không định hướng được các em đi đâu? Làm gì?...

Điều được nhiều địa phương quan tâm là Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020. Thực tế có nhiều GV dạy môn Tiếng Anh ở các trường phổ thông không đạt chuẩn. Thậm chí có địa phương cử GV đi đào tạo, bồi dưỡng suốt mấy tháng trời nhưng khi khảo sát vẫn còn dưới chuẩn. Ông Hồ Văn Thống - GĐ Sở GD&ĐT Đồng Tháp - cho biết: Tỉnh đang gặp phải một số khó khăn trong việc đưa GV đi đào tạo nâng chuẩn.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga đánh giá cao nỗ lực của ngành GD các địa phương ĐBSCL trong năm học 2013-2014. Trong đó nổi bật là tỷ lệ HS đỗ tốt nghiệp THPT ở các địa phương đạt cao, đặc biệt là ở hệ GDTX.

Năm học qua tỷ lệ HS bỏ học của vùng đã giảm đáng kể, chỉ còn khoảng 1,21%. Đây là nỗ lực không ngừng của đội ngũ thầy cô giáo, cấp quản lý GD và các cấp chính quyền cũng như toàn xã hội.

Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, điểm nổi bật của năm học 2013-2014 là mỗi địa phương ở ĐBSCL đều có cách làm sáng tạo, sáng kiến hay, mang lại hiệu quả trong nâng cao chất lượng GD… 

Trong năm học 2014 - 2015, Thứ trưởng lưu ý ngành GD vùng cần tiếp tục thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. “Toàn ngành GD phải tập trung tuyên truyền trong và ngoài ngành để hướng tới nâng cao chất lượng GD&ĐT. 

Thực tế cho thấy trong những năm qua chất lượng GD&ĐT vùng ĐBSCL được nâng lên rõ rệt, không chỉ ở cấp học phổ thông mà còn thấy rõ ở cấp ĐH, CĐ. Ngành GD vùng phải tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng và nâng cao chất lượng đào tạo để chất lượng GD vùng ĐBSCL ngang bằng chất lượng chung của cả nước…”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ