Lãnh đạo các nước trên thế giới đang tới Australia để tham dự hội nghị thượng đỉnh lần 8 của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) cuối tuần này tại thành phố Brisbane, bang Queensland.
Hội nghị kéo dài hai ngày, với sự tham gia của các lãnh đạo Mỹ, Trung Quốc, Nga và nhiều nước khác, tập trung vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế thế giới, bảo vệ hệ thống ngân hàng toàn cầu và lấp những lỗ hổng thuế đối với những tập đoàn đa quốc gia khổng lồ.
Tuy nhiên, theo Reuters, khi hầu hết chương trình nghị sự về kinh tế đã được nhất trí và một thỏa thuận biến đổi khí hậu đã được ký kết tuần trước giữa Mỹ và Trung Quốc ở Bắc Kinh, những mối quan ngại về an ninh đang trở thành trọng tâm. Tình hình căng thẳng giữa Nga và Ukraine sẽ thu hút sự chú ý.
Ukraine cáo buộc Nga gửi lính và vũ khí để giúp phe ly khai ở miền đông Ukraine mở cuộc nổi dậy, trong cuộc xung đột đã làm hơn 4.000 người chết. Tuy nhiên, Moscow bác bỏ điều này. Bạo lực gia tăng, những vụ vi phạm hiệp định và các báo cáo về những đoàn xe vũ trang đi từ phía biên giới với Nga làm dấy lên lo ngại hiệp định ngừng bắn ngày 5/9 có thể bị phá vỡ.
Thủ tướng Anh David Cameron hôm qua gọi hành động của Nga là không thể chấp nhận được và cảnh báo những hành vi này có thể khiến Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) trừng phạt thêm Moscow.
"Nếu Nga có cách tiếp cận tích cực đối với sự tự do và trách nhiệm của Ukraine, chúng tôi có thể dỡ bỏ những lệnh trừng phạt đó. Nếu Nga tiếp tục làm tình hình thêm trầm trọng, chúng tôi có thể gia tăng trừng phạt. Đơn giản vậy thôi", ông Cameron nói tại thủ đô Canberra.
Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Nga Itar Tass trước chuyến đi Australia, ông Putin nói những lệnh trừng phạt không chỉ gây tổn hại đến Nga mà cả nền kinh tế toàn cầu. Nhưng ông cho biết sẽ không nêu vấn đề này tại G20 bởi "nó sẽ không có ý nghĩa gì". Trong cuộc phỏng vấn, ông Putin không được hỏi về Ukraine.
Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm nay tới Brisbane và sẽ thể hiện sự phẫn nộ của ông về tình hình Ukraine với các thành viên chủ chốt trong nhóm G20, như Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande và ông Cameron. "Họ là những bên chủ chốt khi gửi thông điệp chung tới người Nga và chính phủ Ukraine", Ben Rhodes, phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ nói. "Vì vậy, đây sẽ là cơ hội để ông ấy thảo luận với họ".
Ông Rhodes cũng nói thêm rằng Ukraine không phải là trọng tâm hàng đầu trong hai hội nghị cấp cao tại châu Á tuần này, dù ông Obama có nêu ngắn gọn vấn đề với ông Putin khi cả hai dự Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương.
Tại hội nghị G20 lần này, các nhà lãnh đạo dự kiến mở rộng kế hoạch đã nhất trí hồi tháng 2 tại cuộc họp của các bộ trưởng Tài chính G20, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thêm 2% trong vòng 5 năm. "Để đạt được mục tiêu này, các thành viên G20 vừa xác định được gần 1.000 biện pháp mới trong các chiến lược phát triển trong nước của họ", BBC dẫn lời Thủ tướng Australia Tony Abbott cho biết.
Việc các công ty đa quốc gia trốn thuế cũng sẽ được đem ra thảo luận, và ông Joe Hockey, Bộ trưởng Tài chính Australia hứa hẹn về "những cách tiếp cận rất quyết liệt".
Kết thúc hội nghị, các lãnh đạo sẽ ký kết Kế hoạch Hành động Brisbane nhằm đạt mức tăng trưởng kinh tế thêm 2% trên toàn thế giới cho tới năm 2018.
Nhóm G20 được thành lập năm 1999 dành cho các bộ trưởng tài chính và các chủ ngân hàng trung ương, nhưng cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 biến nó thành một diễn đàn dành cho các lãnh đạo quốc gia. 19 nước thành viên và khối Liên minh châu Âu (EU) tạo thành G20, chiếm 85,9% nền kinh tế thế giới trong năm 2013, giảm từ 87,7% trong năm 2009.