Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách: Không độc quyền xuất bản, phát hành sách giáo khoa

GD&TĐ - Chiều 5/4, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách bước vào buổi làm việc cuối cùng - thảo luận về dự án Luật GD (sửa đổi). Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ dự và tiếp thu, giải trình về một số nội dung đại biểu còn băn khoăn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành Hội nghị. Ảnh: Quang Khánh
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành Hội nghị. Ảnh: Quang Khánh

Chủ trương cá biệt hóa đến từng HS

Một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm và thảo luận sôi nổi là quy định về Chương trình và SGK. Đại biểu Nguyễn Hồng Vân - đoàn Phú Yên cho rằng, cần có bộ SGK chung, chuẩn và ổn định trong cả nước, sau đó mới đến tài liệu nâng cao. Chuẩn này phải mang tính chất giữ bản sắc dân tộc.

Đồng quan điểm, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng - đoàn Bến Tre nêu ý kiến: Cần thống nhất Chương trình, SGK, nhưng không độc quyền để xuất bản, phát hành. Ai làm tốt, rẻ, đẹp, được xã hội chấp nhận thì cho tồn tại. Phải tạo ra thị trường đó và không thương mại hóa những vấn đề căn cốt của GD.

Trước năm 2017, cả nước có một nhà xuất bản có chức năng phát hành, in SGK. Sau khi có Nghị quyết 88 của Quốc hội, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp phép cho một số nhà xuất bản có chức năng này. Hiện cả nước có thêm 7 nhà xuất bản có chức năng in ấn, phát hành SGK. Như vậy, bây giờ mới có thế cạnh tranh.

 
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ

Cảm ơn các đại biểu đã có những góp ý sâu sắc vào dự thảo Luật GD (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ trao đổi: Thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, chuyển từ nền GD nặng về truyền thụ kiến thức sang nền GD chú trọng phát triển phẩm chất, năng lực, trong đó đã đưa ra vấn đề: Mỗi môn học có nhiều SGK. Đây chính là chủ trương cá biệt hóa đối tượng, hướng tới phát triển phẩm chất và năng lực của HS. “Chương trình là pháp lệnh, còn SGK là tài liệu cụ thể hóa chương trình, để phù hợp với từng địa phương, từng điều kiện tâm lý của học sinh. Chúng ta đang tiệm cận với xu hướng quốc tế” - Thứ trưởng nêu ý kiến.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, Nghị quyết 88 của Quốc hội có nêu, Chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) được thiết kế đủ mở để có thể có nhiều sách. Cho nên Chương trình cũng được thiết kế, để cho nhiều tác giả có thể viết được SGK. Quan trọng là, dù SGK do tổ chức, cá nhân nào biên soạn thì đều được Bộ GD&ĐT thành lập Hội đồng quốc gia thẩm định.

Về việc biên soạn tài liệu địa phương, Thứ trưởng cho biết: Bộ GD&ĐT sẽ có hướng dẫn cụ thể để các địa phương biên soạn. Theo đó, Ban Tuyên giáo, UBND tỉnh sẽ trực tiếp chỉ đạo để chọn người biên soạn. Việc biên soạn sẽ được tỉnh thành lập Hội đồng Khoa học để thẩm định tài liệu này. Sau khi thẩm định xong gửi về Bộ GD&ĐT phê duyệt.

Đề xuất 2 phương án

Phát biểu giải trình thêm về nội dung liên quan đến Chương trình, SGK, ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khẳng định: CTGDPT là pháp lệnh, SGK cụ thể hóa chương trình và là tài liệu giảng dạy của giáo viên. Theo đó, việc thi sẽ không theo SGK mà thi theo chương trình. “Ở một số trường quốc tế tôi thấy, trong một lớp cả khoảng chục bộ giảng dạy khác nhau. Giáo viên sẽ chọn để dạy cho phù hợp với từng em, đó chính là cá thể hóa học sinh” - ông Phan Thanh Bình cho hay.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật GD (sửa đổi) của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nêu rõ: Trên nguyên tắc CTGDPT là pháp lệnh thống nhất trong cả nước, thì chủ trương xã hội hoá việc biên soạn SGK để bảo đảm mỗi môn học có một hoặc một số SGK là rất cần thiết, tránh độc quyền trong việc biên soạn, phát hành SGK, cũng như tạo điều kiện để Bộ GD&ĐT tập trung vào công tác quản lý Nhà nước.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu giải trình tại Hội nghị. Ảnh: Quang Khánh
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu giải trình tại Hội nghị. Ảnh: Quang Khánh 

Để bảo đảm chất lượng SGK và khách quan trong biên soạn, chọn lựa SGK cho tại cơ sở giáo dục, dự thảo Luật quy định Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm về chất lượng SGK và quy định quy trình biên soạn, thẩm định, phát hành và quy trình chọn lựa SGK tại cơ sở GD.

Về quy định cụ thể Hội đồng quốc gia thẩm định CTGDPT và Hội đồng quốc gia thẩm định SGK, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo quy định một điều riêng về Hội đồng quốc gia thẩm định CTGDPT, Hội đồng quốc gia thẩm định SGK (Điều 33).

Kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh: Dự án Luật GD (sửa đổi) có tác động lớn đến xã hội và nhận được nhiều ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội. Vì thế, Ban soạn thảo cần nghiêm túc tiếp thu, nghiên cứu để hoàn thiện Luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Chương trình SGK là vấn đề lớn nên cần được nghiên cứu, thảo luận kỹ trước khi thông qua. Phó Chủ tịch đưa ra hai phương án: Phương án 1, như dự thảo Luật đề xuất. Theo đó,

CTGDPT là pháp lệnh, thống nhất trong toàn quốc. SGK triển khai CTGDPT, cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình, định hướng về phương pháp giảng dạy, cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng GD. Và mỗi môn học có một hoặc một số SGK. Ngoài ra, phải có Hội đồng quốc gia thẩm định cả chương trình và có Hội đồng quốc gia để thẩm tra, thẩm định SGK đó. Giao cho Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm phê chuẩn và ban hành.

Phương án 2, một chương trình thống nhất và mỗi môn học có một SGK và những sách tham khảo khác. Việc này cần báo cáo Bộ Chính trị, sau đó xin ý kiến Quốc hội. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Khơi nước gần dập lửa xa

GD&TĐ - Iran đã bước vào giai đoạn xung khắc mang bản chất mới với Mỹ và Israel nên càng cần yên bình ở phía biên giới chung với Pakistan.
Minh họa/INT

Khai mở động lực tăng trưởng mới

GD&TĐ - Về tổng thể, kết thúc quý I/2024, kinh tế Việt Nam được đánh giá là có nhiều điểm sáng nhưng thực tế, các doanh nghiệp vẫn đang gặp khá nhiều khó khăn.