Hồi chuông cảnh tỉnh về đạo đức giáo viên trường nội trú

GD&TĐ - Về sự việc xâm hại tình dục học sinh mới xảy ra gần đây, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ bày tỏ rất đau lòng và đã có ý kiến kịch liệt lên án với vụ việc này. Bộ trưởng đồng thời khẳng định: đây là hồi chuông cảnh tỉnh về đạo đức của các thầy, cô giáo trong trường PTDTNT.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội nghị
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội nghị

Ngày 18/12 tại TP Yên Bái, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm trường Phổ thông dân tộc nội trú giai đoạn 2008 – 2018. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã dự và phát biểu tại hội nghị.

Dự hội nghị có ông Nguyễn Văn Tuyết – Phó Chủ nhiệm UBVHTNTNNĐ của Quốc hội, ông Y Thông – Phó Chủ nhiệm, thứ trưởng Ủy ban dân tộc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, đại diện Ban tuyên giáo T.Ư, Văn phòng Chính phủ.

Về phía địa phương có ông Đỗ Đức Duy – Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, ông Vương Văn Bằng – Giám đốc Sở GD&ĐT cùng đông đảo lãnh đạo các tỉnh, Sở GD&ĐT, hiệu trưởng trường PTDTNT các tỉnh, thành phố.

Hội nghị tổng kết 10 năm trường Phổ thông dân tộc nội trú giai đoạn 2008 – 2018
 Hội nghị tổng kết 10 năm trường Phổ thông dân tộc nội trú giai đoạn 2008 – 2018

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá: Từ khi hình thành đến nay, trải qua nhiều giai đoạn, mô hình trường PTDTNT có nhiều cách nhận thức và thực hiện khác nhau ở nhiều nơi khác nhau. Thời gian qua cũng có nhiều vấn đề bất cập trong phân cấp: trường huyện, tỉnh, mô hình trường cấp vùng…. Vấn đề hiện nay là xác định mô hình, tiêu chí để có quy hoạch, phân tầng chất lượng loại hình trường chuyên biệt này.

Theo Bộ trưởng, chất lượng giáo dục các trường trong thời gian qua mặc dù được cải thiện nhưng còn nhiều vấn đề. Do vậy cần xem xét, tổng kết lại để phát triển mô hình.

Về đội ngũ – điều kiện đảm bảo chất lượng, bên cạnh những điều kiện, tiêu chuẩn của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên nói chung thì điều kiện, tiêu chuẩn của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên của mô hình trường chuyên biệt này có gì khác. Nếu khác thì có chế độ đặc thù gì thêm bên cạnh chính sách hiện tại.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: Đội ngũ giáo viên các trường này hết sức quan trọng, ngoài việc đánh giá theo chuẩn chung về nghề nghiệp đạo đức, lối sống, với các thầy cô trường PTDTNT còn có yêu cầu khác. Do đặc thù khi vào học trong trường nội trú, học sinh còn nhỏ, coi các thầy cô như cha mẹ, chăm sóc, giáo dưỡng học sinh như cha mẹ trong gia đình. Ngoài việc dạy, các thầy cô cũng có nhiệm vụ ngoài đứng lớp còn quản sinh 24/24. Do vậy hành vi ứng xử của các thầy cô hết sức quan trọng, sự gương mẫu, chuẩn mực là đòi hỏi được đề cao ở đội ngũ giáo viên ở đây. 

Chủ tọa hội nghị tổng kết 10 năm trường Phổ thông dân tộc nội trú giai đoạn 2008 – 2018
 Chủ tọa hội nghị tổng kết 10 năm trường Phổ thông dân tộc nội trú giai đoạn 2008 – 2018

Bộ trưởng nêu rõ, nếu như không chuẩn đội ngũ, không rèn luyện thường xuyên, nhắc nhở kịp thời sẽ dẫn đến một số giáo viên không đáp ứng yêu cầu về chuẩn mực đạo đức từ nhận thức đến hành động, dẫn đến sự vụ rất đau lòng như xâm hại tình dục vừa rồi.

Với trách nhiệm của cơ quan quản lý, chúng ta phải đặc biệt quan tâm để làm sao một mặt tạo điều kiện thuận lợi cho các thầy cô yên tâm công tác nhưng mặt khác phải thường xuyên nhắc nhở, có biện pháp, chế tài để nâng cao trách nhiệm của thầy, cô giáo trong việc tu dưỡng đạo đức, lối sống hành vi ứng xử. 
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ

Về sự việc xâm hại học sinh, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ bày tỏ rất đau lòng và đã có ý kiến kịch liệt lên án với vụ việc này. Đây là hồi chuông cảnh tỉnh về đạo đức của các thầy, cô giáo trong trường PTDTNT.

Qua đây, Bộ trưởng nhấn mạnh đến vai trò của thầy giáo, cô giáo trong các trường PTDTNT không chỉ dạy chữ mà còn dạy người, dạy đạo đức lối sống cho học sinh dân tộc thiểu số.

Với các cháu trong trường nội trú, xa nhà, do vậy các thầy cô phải đóng vai trò như bố mẹ trong gia đình, nhưng nếu các thầy cô không gương mẫu, mà còn có những hành vi phi đạo đức như trên thì không thể chấp nhận được, đành rằng đây là trường hợp cá biệt.

Bộ trưởng cũng cảnh tỉnh: Nếu các trường PTDTNT không chú trọng rèn luyện thường xuyên đạo đức, lối sống cho đội ngũ nhà giáo thì chắc sẽ không phải xảy ra một, hai trường hợp như báo chí nêu. Do vậy Bộ trưởng yêu cầu nâng cao hơn nữa giáo dục đạo đức, lối sống, nâng cao trách nhiệm của các thầy giáo, cô giáo trong các trường PTDTNT bên cạnh nâng cao chất lượng giáo dục.

Vấn đề tiếp theo của điều kiện đảm bảo chất lượng là chương trình của hệ thống trường PTDTNT, phần lớn các trường đều học 2 buổi/ngày. Nội dung phải được quy định như thế nào? Nhiều học sinh tiếng phổ thông chưa sõi nên nhà trường phải dạy kỹ năng giao tiếp, kỹ năng hòa nhập như thế nào cho các em? Trong thời gian tới, thực hiện đổi mới chương trình, SGK - sẽ bồi dưỡng giáo viên hệ thống trường chuyên biệt như thế nào? Bộ trưởng đề nghị hội nghị tập trung thảo luận.

Vấn đề tiếp theo là tiếp tục hỗ trợ cơ sở vật chất những mặt nào để các trường này phát triển. Bộ trưởng nhấn mạnh: vừa qua trực tiếp đi thăm nắm các trường, thấy gần 2/3 trong số này còn thiếu nhiều cơ sở vật chất phục vụ đời sống nội trú và công tác dạy và học, sân chơi bãi tập cũng rất khó khăn…

Cũng qua hội nghị, Bộ trưởng đề nghị các địa phương tập trung thảo luận về cơ chế chính sách, mô hình phát triển, các kiến nghị về chính sách hỗ trợ phát triển, hỗ trợ đời sống giáo viên để Bộ GD&ĐT nghiên cứu, xây dựng kế hoạch tham mưu với Chính phủ trong kế sách phát triển hệ thống trường PTDTNT cả nước trong thời gian tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ