Hồi chuông cảnh tỉnh do "quan xa, bản nha gần"!!

Hồi chuông cảnh tỉnh do "quan xa, bản nha gần"!!

(GD&TĐ) - Những ngày qua, vụ cưỡng chế thu hồi đất ở Tiên Lãng, Hải Phòng đã tạo làn sóng dư luận rộng rãi trong cả nước, không phải chỉ ở sự bức xúc dẫn đến hành động liều lĩnh, sai luật của những người nông dân khai phá vùng đầm ở Tiên Lãng, Hải Phòng, mà còn về rất nhiều vấn đề xung quanh Luật đất đai, mối quan hệ giữa chính quyền và người dân địa phương. 

Tôi không có ý định trở lại phân tích vụ việc Tiên Lãng mà báo chí đã thông tin khá nhiều, mà chỉ đứng ở góc độ của người đã từng tiếp nhận và xử lý khá nhiều đơn thư khiếu kiện của người dân bị mất đất ở Đà Nẵng để bộc bạch những suy nghĩ của mình.

Mới đây, tình cờ tôi được nghe một cán bộ Văn phòng UBND của một tỉnh nọ (xin được giấu tên vì lý do tế nhị) thổ lộ: “Chỉ sau một vài ngày báo chí đăng tin lãnh đạo UBND thành phố Hải Phòng vào cuộc, bộc lộ những bất cập của chính quyền cũng như cơ quan chức năng trong xử lý đất đai, chúng tôi tiếp nhận thêm rất nhiều đơn thư, khiếu kiện của người dân về đất đai”. Vị cán bộ này còn cho biết: trong năm 2011, lượt đơn thư khiếu kiện của người dân về đất đai chiếm tỉ lệ tới gần 70% (chỉ có trên 30% là về các vụ việc khác). Đây là vấn đề đáng phải suy ngẫm (?). 

Cảnh hoang tàn sau vụ cưỡng chế (ảnh: 24h)
Cảnh hoang tàn sau vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng (ảnh: 24h)

Tức nước thì vỡ bỡ! Hẳn không ai không biết điều ấy. Tại Đà Nẵng, trong những ngày qua, Báo Giáo dục và Thời đại cũng liên tiếp nhận được đơn thư kiến nghị hay “Kêu cứu khẩn cấp” của người dân về việc bị thu hồi đất oan, cưỡng chế trái phép của chính quyền địa phương. Đặc biệt trong số hàng chục hồ sơ khiếu kiện như vậy, có trường hợp người dân đã đeo đuổi việc khiếu kiện kéo dài cả 15 năm, 20 năm, như trường hợp của bà Phan Thị Đỗ ở tổ 13, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu; hay trường hợp của ông Lý Việt Trung, tổ 2, phường Hòa An, quận Cẩm Lệ. Những người này cho biết, vì đeo đuổi khiếu kiện quá lâu, họ đã trở nên khánh kiệt cả về sức lực và tài sản. Nhưng vấn đề đất đai là biểu hiện của chủ quyền, của quê cha đất tổ, họ không thể nhắm mắt làm ngơ được. Nếu không bị oan ức, hẳn họ đã không phải đánh đổi quá nhiều để đi đến cùng như vậy! Họ đã từng “kêu trời trời chẳng thấu, hỏi đất đất không hay…”. Thật ra có những trường hợp không hẳn là “kêu trời trời không thấu” như người dân đã phản ánh. Tuy nhiên, trong thực tế, phần lớn các trường hợp khiếu kiện sau khi “ gõ cửa” các cơ quan chức năng địa phương, được cấp có thẩm quyền cao nhất giải quyết thấu tình đạt lý, đều là do sự kiên trì, hoặc từ một cơ may, một tác nhân nào đó. 

Trở lại vụ việc ở đầm Tiên Lãng, hành động phản kháng theo kiểu “tức nước vỡ bờ” của người dân để rồi dẫn đến xô xát, thương vong, tù tội đã rung lên hồi chuông cảnh tỉnh về nhiều vấn đề: Cách hành xử của chính quyền địa phương và mối quan hệ giữa chính quyền với nhân dân ở Tiên Lãng-Hải Phòng bấy lâu nay ra sao? Bài học nào từ việc ban hành chủ trương, chính sách đến vận động và giám sát việc thi hành chủ trương, chính sách đó? Cuối cùng thì, Luật đất đai, cũng như bao nhiêu Luật khác, biểu hiện của hành lang pháp lý vững chắc của nhà nước vẫn cần có sự xem xét để điều chỉnh cho sát hơn với thực tế theo sự biến động của hoàn cảnh lịch sử… 

Được biết, vào ngày 2/2, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Thanh tra Chính phủ, các Bộ Tài nguyên môi trường, Công an, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tư pháp theo chức năng, nhiệm vụ chủ động kiểm tra, nắm chắc tình hình và nội dung vụ việc để có ý kiến tham mưu, đề xuất với Chính phủ tại cuộc họp về vụ cưỡng chế đất đai ở huyện Tiên Lãng vào sáng 10/2 tới đây, do Thủ tướng Chính phủ chủ trì. Đồng thời, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng phải chuẩn bị báo cáo cụ thể, đầy đủ, theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm soát nhân dân tối cao và được đề nghị chuẩn bị ý kiến tham dự cuộc họp. Sự kiện này sẽ tiếp tục thu hút sự chú ý và kỳ vọng của người dân trong cả nước…

Uyên Phương

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ