Hội chứng “giấc ngủ kinh hoàng” có tên tiếng Anh là “night terror” hoặc “sleep terror”.
Đây là một dạng rối loạn giấc ngủ mà bệnh nhân bất chợt tỉnh dậy trong khi ngủ và thực hiện những hành vi không thể kiểm soát được như nói chuyện hay la hét. Hầu hết những người này khi tỉnh lại không thể nhớ được bất cứ điều gì.
Các nhà khoa học phân biệt hội chứng “night terror” với những cơn ác mộng (nightmare). Những người gặp ác mộng có thể nhớ được phần nào giấc mơ sau khi tỉnh lại, trong khi người mắc hội chứng “night terror” thì không.
Đi sâu vào phân tích giấc ngủ của con người, các nhà khoa học cũng nhận thấy sự khác biệt rõ rệt về mặt bản chất giữa hai hiện tượng này.
Trước hết, ta xem xét giấc ngủ của một người bao gồm 2 giai đoạn khác nhau là REM (rapid eye movement – mi mắt cử động nhanh) và NREM (non-rapid eye movement – mi mắt hầu như không cử động).
Khi ta ngủ, cơ thể ta thực hiện tuần tự những chu kì lặp đi lặp lại của REM và NREM. Nếu như ác mộng chủ yếu diễn ra vào giai đoạn REM thì hiện tượng “night terror” lại diễn ra vào giai đoạn NREM. Trong khoảng thời gian này, cơ thể ta hoàn toàn có thể cử động chân tay một cách vô thức.
Hiện tượng “giấc ngủ kinh hoàng” này chủ yếu diễn ra trong 1/3 đầu tiên của giấc ngủ, tức từ lúc nửa đêm cho đến tầm 2 giờ sáng. Đặc biệt, hiện tượng này cũng tấn công giấc ngủ trưa của một số người.
Mỗi khi trải qua “night terror”, tim người đập nhanh, nhịp thở gấp gáp còn đồng tử thì giãn nở. Người bệnh trò chuyện với một người tưởng tượng trong cơn mê, hoặc tỏ ra sợ hãi khi như thể đang bị săn đuổi. Có người còn tưởng tượng ra có sâu bọ đang bò trên giường và ra sức đuổi chúng đi.
Sau 10 - 20 phút, người mắc hội chứng “night terror” sẽ quay trở lại giấc ngủ một cách dễ dàng và không nhớ gì cả. Tuy nhiên, một số bệnh nhân nặng có thể bị những cơn mê lặp lại nhiều lần trong một đêm, có bệnh nhân bị lặp lại tới 16 lần!
Nghiên cứu cho thấy các bé trai từ 5 - 7 tuổi dễ gặp phải “giấc ngủ kinh hoàng” nhất. Tỉ lệ này thấp hơn ở các bé gái cùng tuổi. Càng lớn lên, nguy cơ mắc phải hội chứng này càng giảm đi.
Vậy đâu là nguyên nhân của hội chứng đáng sợ và phiền toái này? Các nhà khoa học vẫn đang đi tìm câu trả lời dù gặp khá nhiều khó khăn, do hiện tượng này khó nghiên cứu hơn ác mộng và nhiều bệnh nhân không ý thức được mình mắc chứng bệnh này.
Sự mệt mỏi và căng thẳng trong đời sống tâm lý hàng ngày được cho là thủ phạm chính gây ra hội chứng. Bên cạnh đó, những yếu tố tác động vào giấc ngủ như tiếng cửa phòng đập mạnh cũng có thể khơi mào cho hiện tượng này.
Các nhà khoa học cũng tìm được bằng chứng cho thấy có mối liên hệ giữa chứng bệnh này với các gene di truyền.
Tuy vậy, chứng bệnh “night terror” không phải là một dạng bệnh nặng và có thể tự khỏi dần. Nếu người bệnh thức dậy lúc nửa đêm, chúng ta không cần phải đánh thức họ dậy vì làm thế sẽ khiến người bệnh rất mệt mỏi do phải tỉnh dậy từ trạng thái ngủ sâu.
Hãy từ từ để cơn mê qua đi và chú ý giữ người bệnh tránh va phải các vật dụng trong phòng ngủ. Đồng thời, người ngủ cùng cũng nên chú ý đảm bảo an toàn cho chính bản thân mình. Trong những trường hợp nặng hơn, các bác sĩ sẽ sử dụng đến các liệu pháp tâm lý và thuốc để điều trị.