Hội chợ Xuân - Xin đừng "đem con bỏ chợ"!

Hội chợ Xuân - Xin đừng "đem con bỏ chợ"!

(GD&TĐ) - Vào thời điểm này, Hội chợ Xuân 2013 đã rộ lên ở hầu hết các địa phương trong cả nước. Đây là một trong những hoạt động xúc tiến thương mại, nhằm kích cầu, đáp ứng nhu cầu kinh tế của người tiêu dùng nhân dịp Tết cổ truyền. Một số tỉnh, thành còn nhấn mạnh tầm quan trọng của Hội chợ Xuân trước kỳ khai mạc, chẳng hạn như ở Quảng Nam nêu lên chủ đề của Hội chợ Xuân 2013 là“ Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, ở Quảng Bình là  “Chuyển dịch cơ cấu kinh tế và hội nhập nhằm tôn vinh thương hiệu hàng Việt Nam”…                               

Tuy nhiên, qua thăm dò thực tế cũng như ý kiến của người tiêu dùng thì khá đông các hội chợ xuân không đúng với ý nghĩa và tên gọi, không những thế còn là nơi doanh nghiệp đăng ký mua bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng mang nhãn hiệu nước ngoài kém chất lượng. Tham quan một số hội chợ xuân tại miền Trung (số lượng gian hàng trung bình ở một tỉnh, thành cao nhất khoảng 400 gian hàng, thấp nhất khoảng 150 gian), chúng tôi thấy nhan nhản biển hiệu ghi: hàng thanh lý, hàng xôn, hàng giảm giá, khuyến mãi.

Tại gian hàng bán bát, đĩa ở Hội chợ Xuân Quảng Nam, có ghi chế độ khuyến mãi khá hấp dẫn, người mua có vẻ như đông hơn hẳn các quầy hàng ở kế bên. Người bạn đi cùng tôi cho biết: năm ngoái chị cũng đã mua một chục đĩa có hoa văn khá đẹp nhãn hiệu y như vậy cũng ở Hội chợ này, chỉ với giá 115.000 đồng, lại còn được thêm 2 chiếc muỗng (muôi múc canh) bằng sứ. Nhưng những chiếc đĩa ấy chị đem về dùng đâu độ vài, ba tháng sau là đã ố vàng, không thể dùng được. Có khá nhiều gian hàng để biển giảm giá từ 15 tới 30- 40%.

Tại Hội chợ Xuân Phú Yên, đi vòng quanh hết 320 gian hàng, chúng tôi nhận thấy đa số hàng hóa có thương hiệu sản xuất nhưng giá cả rất khác nhau và so với giá bán ở các metro, siêu thị thì rất rẻ. Chẳng hạn, một chiếc áo sơ mi ở siêu thị có giá bán 120.000 đồng; thì ở đây, 100.000 đồng có thể mua được 3 chiếc áo sơ mi.

Hội chợ Xuân 2013 của Huế cũng trong tình trạng y như vậy. Có gian hàng thuốc Đông y quảng cáo chữa hầu như tất cả các bệnh tứ chứng nan y, vừa khám bệnh, vừa bốc thuốc cho khách hàng, người vào khám chủ yếu ở vùng thôn quê lên.

Ngay ở Hội chợ Xuân Đà Nẵng, nơi tập trung được lượng người đông hơn so với các tỉnh, thành miền Trung, nhưng lượng người mua trong thực tế lại giảm sút hẳn so với những năm trước. Chị N.T.N.L ở phường Khuê Trung cho biết, năm nay gia đình chị cũng đi hội chợ nhưng kg mua sắm bất cứ thứ gì vì ở Hội chợ Xuân năm trước, chị đã mua phải một hộp phấn trang điểm theo người bán quảng cáo là của Hàn Quốc nhưng khi trang điểm đã bị dị ứng nặng, phải mất vài tháng sau điều trị mới khỏi.

Tại Hội chợ Xuân Quảng Bình, đáng quan tâm hơn là các gian hàng ẩm thực bày bán đủ thứ thức ăn như xúc xích, bò viên, chả băm... trông rất nhếch nhác, mất vệ sinh…

Ảnh MH
Ảnh MH

Hầu hết khách hàng tới hội chợ xuân hi vọng tìm được những mặt hàng có chất lượng, với giá cả phải chăng, đó là một nhu cầu chính đáng. Tiếc thay, những mặt hàng chất lượng cao mà người Việt Nam quen dùng đã không xuất hiện ở hội chợ. Câu hỏi đặt ra, phải chăng, Hội chợ Xuân là nơi để thanh lý hàng hóa ế ẩm, kém chất lượng của các doanh nghiệp? Đó là thực trạng tồn đọng kéo dài trong nhiều năm qua, dẫn đến tình trạng “đem con bỏ chợ” ở cả 2 phía: Hàng hóa của người bán phơi bày ngoài chợ vô thưởng, vô phạt dẫn tới sức tiêu thụ kém không được như mong muốn. Người tiêu dùng cả tin, ham rẻ mua phải sản phẩm thiếu chất lượng để rồi tới lúc phải loại bỏ và mất niềm tin… 

 Để Hội chợ Xuân đúng với tên gọi và ý nghĩa, đáp ứng được nhu cầu của người dân nên chăng cơ quan chức năng (Bộ - Sở Công thương, UBND các tỉnh, thành) cần có sự chọn lựa đối với các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức Hội chợ; có sự thẩm định một cách chuyên môn, khoa học loại bỏ tình trạng nêu trên, bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng. Chỉ có như vậy, người Việt Nam mới có cơ hội tiếp cận được với nhiều mặt hàng sản xuất trong nước, đúng với chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. 

Hồng Thúy 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ