Học với tài nguyên mạng

GD&TĐ - Chưa bao giờ lượng tài nguyên phục vụ cho việc học tập nói chung lại phong phú như bây giờ.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Không chỉ có sách tham khảo của các nhà xuất bản, tài liệu nội bộ của giáo viên, tổ bộ môn từng trường, ngày nay tài liệu phục vụ học tập, ôn thi của học sinh các cấp còn ngập tràn thế giới mạng.

Đặc biệt những ngày gần đây, trước thềm Kỳ thi tốt nghiệp THPT, lượng thông tin về hướng dẫn đề, đoán đề, giải đề, mẹo làm đề xuất hiện rầm rộ. Chỉ cần gõ từ khóa “tài liệu ôn thi THPT”, trong 0,42 giây, Google cho ra tới 8.880.000 kết quả. Còn từ khóa “bí quyết ôn thi THPT”, trong 0,37 giây có 8.130.000 kết quả.

Các kênh YouTube, TikTok… với lợi thế truyền thông hấp dẫn, bên cạnh bài giảng còn “bùng nổ” video “mẹo lụi”, “giải nhanh”, “bí quyết”… Đáng chú ý, ChatGPT cũng trở thành công cụ học tập của nhiều học sinh mùa ôn thi và không ít em vô tư sử dụng đáp án từ kênh này.

Nguồn tài nguyên học tập, ôn thi trực tuyến lớn mang lại nhiều thuận lợi cho người học. Chỉ cần click chuột, học sinh có thể tiếp cận với kho tàng kiến thức bao la. Nhiều bài giảng, bài giải do thầy cô uy tín chia sẻ đã hỗ trợ các em rất nhiều trong quá trình học tập, ôn luyện, nhất là những phần người học chưa hiểu rõ. Đây là cơ hội cho học sinh có tính tự giác, ôn thi nghiêm túc phát huy sở trường của mình.

Tuy vậy không phải tất cả tài liệu, thông tin liên quan đến học tập, ôn thi trên mạng đều chuẩn xác. Hiện trên Internet xuất hiện khá nhiều đề cương, đề thi tham khảo có đáp án không rõ nguồn gốc, kém chất lượng hoặc sai kiến thức. Nhiều trang còn lợi dụng sự thiếu hiểu biết của học sinh để bán các bộ đề và đáp án mà chất lượng rất trời ơi. Không ít thí sinh cho biết nhiều đề cóp nhặt, chủ yếu sưu tầm, xào xáo lại, nên trùng lặp, đáp án không chính xác. Thực tế trong các mùa thi qua, từng có thí sinh “méo mặt” vì làm theo hướng dẫn giải đề trên mạng, dẫn đến mất điểm oan ức.

Hiện nay, dù ngành Thông tin và Truyền thông tăng cường công tác quản lý Nhà nước về thông tin điện tử, mạng xã hội, nhưng chủ yếu tập trung vào ứng phó với tình trạng thông tin giả, xấu độc, còn thông tin sai về kiến thức liên quan đến dạy học vẫn còn là một khoảng trống bỏ ngỏ. Vì vậy, quan trọng nhất là người học vẫn phải tự bảo vệ mình.

Để giúp học sinh khai thác hiệu quả tài nguyên học tập trên Internet, các nhà trường, giáo viên đã quan tâm đến công tác hướng dẫn lựa chọn nguồn tài nguyên uy tín. Sở GD&ĐT Nghệ An đã ban hành văn bản hướng dẫn các đơn vị tổ chức dạy học, hoạt động giáo dục định hướng sử dụng mạng xã hội, khai thác thông tin trên Internet cho học sinh THCS, THPT với nội dung khá chi tiết. Tuy vậy ở trường vùng sâu, vùng xa vẫn còn nhiều em gặp những khó khăn trong vấn đề phân biệt nguồn tin chính thống và nguồn tin từ các trang thông tin tổng hợp sưu tầm.

Trong bối cảnh thông tin về kiến thức trên Internet khó kiểm định chất lượng, các trường cần tăng cường tập huấn cho giáo viên và học sinh về phương pháp học tập với tài nguyên mạng, không phải chỉ vào đầu mỗi năm học, cấp học, đầu mỗi mùa thi mà phải làm thường xuyên.

Đặc biệt, tổ, nhóm chuyên môn cần phát huy vai trò của mình, thống nhất đề xuất các tư liệu học tập trên mạng Internet để xây dựng kho học liệu trên website, thư viện điện tử của nhà trường; chỉ đạo giáo viên bộ môn thực hiện lồng ghép trong tiết dạy để định hướng học sinh khai thác, sử dụng.

Có như vậy người học mới có kỹ năng sàng lọc thông tin trên mạng hiệu quả, không bị mất điểm, mất tiền oan cho kiến thức chung chung, sáo rỗng, thậm chí thiếu chuẩn xác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ