Học viện quản lý giáo dục có vị thế quan trọng đặc biệt

Học viện quản lý giáo dục có vị thế quan trọng đặc biệt

Sau hơn 33 năm xây dựng và phát triển, Học viện Quản lý giáo dục (tiền thân là Trường cán bộ quản lý giáo dục và đào tạo) đã góp phần xây dựng và phát triển hệ thống lý luận về khoa học quản lý giáo dục (QLGD) Việt Nam; tham mưu tư vấn và triển khai ứng dụng khoa học QLGD cho hệ thống các trường khoa làm công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ QLGD trong toàn quốc; nghiên cứu đánh giá tác động của các chủ trương, chính sách và các giải pháp đổi mới QLGD đến đời sống kinh tế-xã hội của đất nước. Trong điều kiện đội ngũ và cơ sở vật chất còn thiếu thốn, những đóng góp của Học viện QLGD với ngành là rất đáng kể.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển phát biểu tại buổi làm việc
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển phát biểu tại buổi làm việc

Là một cơ sở GD đại học trực thuộc Bộ GD-ĐT, Học viện QLGD có nhiệm vụ đào tạo trình độ cử nhân và thạc sĩ ngành QLGD và một số ngành có liên quan đến khoa học QLGD; ngoài ra là đào tạo ngắn hạn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ CBQLGD, công chức, viên chức của các cơ quan quản lý và các cơ sở GD-ĐT trong hệ thống GD quốc dân theo chuẩn quy định; đào tạo cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm; tổ chức đào tạo bồi dưỡng giảng viên cho các trường, khoa CBQLGD và ĐT của các địa phương; nghiên cứu và ứng dụng khoa học QLGD; hỗ trợ và liên kết chuyên môn với các đơn vị trong hệ thống các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng CBQLGD; hợp tác quốc tế; thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của Điều lệ truờng đại học…

Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Bộ, Học viện đã làm đầu mối cùng với Cục nhà giáo và CBQLCSGD xây dựng đề án, tổ chức triển khai chương trình bồi dưỡng hiệu trưởng theo hình thức liên kết Việt Nam-Singapore.

Trong năm 2008 đã có 150 giảng viên nguồn cấp quốc gia và 330 giảng viên nguồn cấp tỉnh đã được bồi dưỡng tại Việt Nam và Singapore bằng nguồn kinh phí của Quỹ Temasek (Singapore) và một phần kinh phí của các dự án trong nước.

Trong năm 2009, Học viện đã phối hợp với các sở GD-ĐT bồi dưỡng cho 13.500 hiệu trưởng trường phổ thông trên toàn quốc. Học viện phối hợp với Vụ GD đại học xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình bồi dưỡng CBQLGD cho các trường ĐH, CĐ với 350 hiệu trưởng, phó hiệu trưởng đã được bồi dưỡng.

Tuy nhiên, Học viện vẫn còn nhiều khó khăn cần phải vượt qua mà trong đó, sự chủ động, tự lực, sáng tạo của Học viện vẫn là yếu tố quan trọng nhất, bên cạnh sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị chức năng của Bộ GD-ĐT.

Đánh giá cao vị thế cũng như những nỗ lực của Học viện QLGD thời gian qua, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nói: Từ khi Trường được nâng cấp thành Học viện, các đồng chí đã chủ động xây dựng chiến lược phát triển, cập nhật nhiệm vụ mới với tinh thần trách nhiệm cao, có sự phối hợp tốt với các cơ quan liên quan của Bộ. Bộ đặc biệt quan tâm đến Học viện vì đây là nơi đào tạo bồi dưỡng đội ngũ “sĩ quan” của ngành. Có thể những thành công đã có chưa như mong muốn nhưng so với thực lực thì đã là lớn. Vấn đề là phát huy hiệu quả của sự quan tâm này như thế nào. Sự chủ động của đơn vị là rất quan trọng để tăng cường năng lực của mình và phục vụ chính mình. Trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học QLGD, có thể việc đầu tư là chưa thoả đáng nhưng Học viện cũng cần chủ động hơn trong việc tìm nhiệm vụ NCKH cũng như nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ này.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng đề nghị Học viện phải xác định việc đào tạo theo nhu cầu của xã hội, cũng tức là cho đổi mới QLGD ở cơ sở. Khoá cử nhân QLGD đầu tiên sắp ra trường cần phải được theo dõi để đánh giá sản phẩm đào tạo của Học viện so với nhu cầu xã hội ra sao. CBQLGD là rất quan trọng. Quá trình phát triển nhà trường có lực cản hay có động lực là do họ. Chuẩn hiệu trưởng đã ban hành, đó là căn cứ để đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá…Nhưng, thực tiễn quản lý đòi hỏi CBQLGD cũng cần được bồi dưỡng thường xuyên để đáp ứng yêu cầu này. Trách nhiệm đó thuộc về Học viện QLGD, bên cạnh Chuẩn hiệu trưởng cần có chương trình bồi dưỡng thường xuyên dành cho hiệu trưởng.

Nguyễn Trâm

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ