Học văn để sống – sống để yêu thuơng

GD&TĐ - Một hướng đi mới trong dạy và học văn đã được cô giáo Nguyễn Thị Minh Ngọc (Trường Đinh Thiện Lý - TPHCM) triển khai thành công cho học sinh của mình là đưa học sinh tiếp xúc trực tiếp với những cảnh đời khác nhau trong xã hội, và để các em kể lại điều chính mình cảm nhận được. 

Học văn để sống – sống để yêu thuơng

Đó cũng là nội dung chính trong dự án mang tên Học văn để sống – sống để yêu thương. Dự án được khởi động từ năm học trước và đến nay vẫn tạo được sức hấp dẫn cho HS trong việc học văn. 

Trước khi bắt tay vào dự án, cô Minh Ngọc đã chuẩn bị cho các em kiến thức về thể loại văn tự sự, nghị luận xã hội, chụp ảnh photovoice (kể lại câu chuyện bằng ảnh) và tìm hiểu về những giá trị sống như yêu thương, sẻ chia... 

Các em còn được học 12 giá trị sống theo chương trình Living Values: An Educational Program (LVEP) do Liên Hợp Quốc soạn ra ứng dụng trên 80 nước. 

Ngoài ra học sinh sẽ được tập huấn về các kỹ năng chụp ảnh để cho ra đời những bức ảnh giàu tính biểu cảm nhất. Trong mỗi nhóm, các thành viên được phân vào những vai cụ thể gắn liền với nhiệm vụ của mình: phóng viên trẻ, người kể chuyện, người thiết kế mỹ thuật, nhà hoạt động xã hội, người khảo sát, người thuyết trình, nhiếp ảnh gia... 

Khi đã nắm chắc các kiến thức và thể loại, cô Ngọc đưa học sinh đến thăm các nơi “nhạy cảm” như chùa Long Hoa, Viện dưỡng lão Vinh Sơn, xóm rác Sở Thùng, Trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu, chùa Lá… để trải nghiệm.

Tại đây, học sinh được chia ra các nhóm và được tổ chức vui chơi cùng những bạn nhỏ mồ côi; lắng nghe tâm sự của các bạn khiếm thị; hỏi han hoàn cảnh của những gia đình làm nghề hốt rác; giặt giũ, chăm sóc cho các cụ ở viện dưỡng lão… Chính quá trình tiếp xúc và trải nghiệm thực tế cuộc sống đó đã “cung cấp” cho học sinh “chất liệu”. 

Trên nền “chất liệu” đó, bằng những kiến thức và kỹ năng học được, học sinh sẽ thực hành văn tự sự dưới hình thức photovoice và báo cáo kết quả bằng cách thuyết trình. 

Sản phẩm cuối cùng phải đạt được là bài văn tự sự kể về nhân vật, một album ảnh và đặc biệt là viết kế hoạch thiện nguyện giúp đỡ nhân vật mình tiếp xúc. 

Cô Minh Ngọc đặt ra yêu cầu: Học sinh cần phải trình bày sao cho thuyết phục nhất để được cấp vốn thực hiện cho dự án của mình. Sẽ có một dự án chiến thắng và được hiện thực hóa ngay sau đó.

Từ lý thuyết về thể loại và kỹ thuật làm bài, trên “chất liệu” thực tế, học sinh của cô Ngọc đã xây dựng được những dự án - sản phẩm đầy cảm xúc. Trong bài viết của mình, học sinh đã biết cảm thông, biết chia sẻ với những tình cảm thật mới mẻ. 

Chẳng hạn như một nhóm học sinh được giao đi thực tế tại xóm rác Sở Thùng (quận Bình Thạnh), các bạn đã tiếp xúc với những gia đình nghèo, được nghe cụ ông 60 tuổi chia sẻ khi phải bươn chải suốt cuộc đời để nuôi con nhưng không một lời oán thán nào.

Qua những câu chuyện cảm động, rất nhiều bạn đã giật mình nhận ra giá trị yêu thương, thêm yêu gia đình mình hơn. “Trên đời bạn chỉ có một người cha, cho bạn một cây tùng vững chắc để dựa vào, một người mẹ cho bạn một đôi cánh, chắp lên những ước mơ xanh. 

Hãy trân trọng họ, những cái cây và cánh chim của cuộc đời bạn, vì có thể một lúc nào đấy, cây sẽ thay lá, chim sẽ bay xa, bạn sẽ không kịp nói rằng “Con yêu ba mẹ nhiều lắm”. (trích bài viết của một học sinh).

Hay một trường hợp khác: Nhóm học sinh khi đến thăm Trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu đã vô cùng bất ngờ khi nhận thấy các bạn đồng trang lứa với mình đều có thể làm được những công việc như người bình thường. 

Thậm chí họ vẫn có thể lướt Facebook theo cách riêng, bỏ xa mặc cảm, tự ti. Từ những trải nghiệm thực tế và cảm nhận, nhiều học sinh đã học được tinh thần vượt khó, lạc quan, niềm tin vào cuộc sống. Các em hiểu được rằng, nếu mình thực sự cố gắng, sẽ vượt qua được mọi trở ngại, khó khăn.

Một kết quả khác của dự án Học văn để sống là những đoạn phim phóng sự của học sinh nhà trường. 12 đoạn phóng sự của 12 nhóm học sinh chỉ có dung lượng 10 phút nhưng cả cô và trò đã trải nghiệm thực tế với rất nhiều đề tài nóng hổi từ cuộc sống. 

“Lặng lẽ Sài Gòn”, “Đêm”, “Cho đi là hạnh phúc”, “Như những ngọn gió bay đi”, “Cuộc sống của những người lao động nhập cư”… không chỉ là cuộc sống được ghi nhận, phản ánh mà còn chứa đựng trong đó biết bao nhận thức và cảm xúc của học trò. 

Rất nhiều khán giả đã rơi nước mắt khi tiếp cận với “Đêm” qua câu chuyện của một cô gái mại dâm. Nhóm học sinh đã theo chân cô gái từ nhà trọ, đến quán đêm, rồi… ra đường. 

Khi chính thức công chiếu trên trang Facebook Học văn để sống, những đoạn phim đong đầy cảm xúc của học sinh trường đã nhận được rất nhiều like của thầy cô, bạn bè và cả phụ huynh.

Chia sẻ về lý do để xây dựng mô hình Học văn để sống - Sống để yêu thương, cô Minh Ngọc cho biết: “Mục đích quan trọng nhất khi thực hiện dự án này là đổi mới cách học văn cho học sinh. 

Xuất phát điểm của dự án là việc học sinh học văn tự sự nhưng từ trước đến nay chỉ qua lý thuyết mà không được đi vào thực tế để tìm hiểu. 

Thông qua dự án này, tôi mong muốn sẽ gắn Văn học với cuộc sống để học trò tự trải nghiệm về những nhân vật, cuộc đời…, để hiểu hơn về cuộc sống”.

Theo cô Ngọc, thực tế dự án không chỉ giúp học sinh có thêm chiều sâu khi học văn mà còn hiểu hơn về cuộc sống và con người. Dự án giúp học sinh sống nhân ái hơn. 

Nhiều phụ huynh cũng rất hài lòng khi thấy con mình lớn lên về tình cảm, sống biết sẻ chia. Dự án cũng rèn luyện cho học sinh rất nhiều kỹ năng như làm việc nhóm, phân chia công việc, lãnh đạo… Thông qua cách học này, học sinh sẽ có thêm vốn sống. n

Ngoài dự án Học văn để sống, cô giáo Minh Ngọc vẫn thường tổ chức học văn theo nhiều hình thức để kích thích học trò như: gameshow, hỏi và đáp, thảo luận, thuyết trình…                                                                                                                                     Nhiều cách học khác như làm văn thuyết minh bằng phim, áp dụng phương pháp 6 chiếc mũ tư duy, sơ đồ tư duy, học sinh chấm điểm lẫn nhau... cũng tạo hiệu quả cao.                                                                                                                                                           Bạn có thể hiểu hơn về cách học này và những sản phẩm của cách học Văn rất hấp dẫn này qua trang Học văn để sống trên Facebook.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Giải pháp căn cơ

GD&TĐ - Giải pháp căn cơ vẫn là ưu tiên quỹ đất cho trường học, xây thêm trường...