Học trò trường "quê" đạt giải thưởng lớn về môi trường

Học trò trường "quê" đạt giải thưởng lớn về môi trường

(GD&TĐ) - Những ngày cuối tháng 5-2011, thầy trò trường THPT An Lạc Thôn, huyện Kế Sách (tỉnh Sóc Trăng) đón nhận một tin vui: Đề tài “Thu giữ dầu loang bằng thảm vỏ tràm” do nhóm học sinh lớp 11A2 của nhà trường đã xuất sắc giành giải nhất cuộc thi Quốc gia về “Cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước” lần thứ 8 (2010-2011).

Đây là cuộc thi do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường, Tổng cục Môi trường, Bộ GD&ĐT, Báo Khoa học và Đời sống đồng tổ chức. Đề tài này được thực hiện bởi nhóm tác giả gồm Lý Công Hiển, Nguyễn Trí Hảy và Nguyễn Thanh Liêm. Ban tổ chức cuộc thi cho biết, ngoài 1 giải nhất sẽ trao 2 giải nhì, 2 giải ba và 2 giải khuyến khích cho các đề án xuất sắc.

Trường THPT An Lạc Thôn là một trong những ngôi trường vùng sâu vùng xa tỉnh Sóc Trăng, nhưng nhiều năm qua học trò nơi đây đã cho ra đời nhiều “công trình khoa học”... được đánh giá cao và đã từng đạt nhiều giải thưởng lớn trong các cuộc thi bảo vệ môi trường cấp quốc gia, trong đó có đề tài "Gòn- bông băng cho nước nhiễm dầu" của nhóm nhóm học sinh Phan Phước Duy, Trần Trung Hoàng, Võ Phi Thoàn (lớp 10A2, năm 2007 đạt giải nhất cuộc thi quốc gia "Cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước dành cho học sinh trung học phổ thông và trung học nghề’’ lần thứ tư và đã được chọn dự giải thưởng Stockholm, Thụy Điển về nguồn nước thế giới.

Nhóm tác giả thực hiện đề tài của trường An Lạc Thôn
Nhóm tác giả thực hiện đề tài của trường An Lạc Thôn

Nói về đề tài đạt giải nhất năm nay, thầy Nguyễn Ngọc Hải, người hướng dẫn các em học sinh thực hiện đề tài cho biết: Nước được xem là nguồn tài nguyên quý giá mà thiên nhiên ban tặng cho con người. Nó đảm bảo việc duy trì sự sống còn và phát triển cho mọi vật. Sự phân bố tài nguyên nước là cơ sở cho sự phát triển nông nghiệp, công nghiệp, thuỷ điện…

Nằm trong vùng nhiệt đói gió mùa, Đồng bằng sông Cửu Long có mạng lưới sông ngòi chằng chịt, phương tiện đi lại chủ yếu bằng ghe, tàu…chạy bằng động cơ đốt trong với nguyên liệu chính là xăng, dầu. Từ đó việc kinh doanh xăng dầu và sửa chữa máy móc trên sông rất phát triển. Dầu loang trên sông là một trong những nguyên nhân gây ra sự ô nhiễm nguồn nước nói riêng và ảnh hưởng rất lớn đến môt trường nói chung. Các tổ chức cá nhân sinh sống và hoạt động phát triển ven sông đều bị ảnh hưởng bởi dầu loang. Mặc khác khi dầu nổi trên mặt nước sẽ làm giảm ánh sáng xuyên vào trong nước, nó hạn chế quang hợp của thực vật thủy sinh, làm giảm lượng cá thể của hệ động vật, ảnh hưởng đến chuỗi thức ăn trong hệ sinh thái. Ngoài ra các thành phần hidrocacbon nhẹ trong dầu như S, N, gặp ánh sáng sẽ bốc hơi làm ô nhiễm môi trường không khí. Vì vậy một vấn đề đặt ra là cần phải giải quyết được tình trạng ô nhiễm đó. Tuy nhiên, muốn xử lí ô nhiễm dầu đòi hỏi phải cần nhiều công sức và tiền của hoặc sử dụng các quy trình và các thiết bị hiện đại…Nhưng những yêu cầu đó lại không phù hợp với nền kinh tế của người dân ở vùng xa xôi còn nhiều khó khăn này.

Xuất phát từ những bức xúc của người dân trước thực trạng nói trên, thầy Nguyễn Ngọc Hải đã hướng dẫn nhóm học sinh gồm các em  Lý Công Hiển, Nguyễn Trí Hảy và Nguyễn Thanh Liêm tiến hành thí nghiệm bắng cách sử dụng các vật liệu ở địa phương để kiểm tra khả năng hút dầu. Mục tiêu của nhóm là tìm loại vật liệu tự nhiên rẻ tiền để xử lí ô nhiễm dầu một cách tốt nhất mà không huỷ hoại môi trường. Đồng thời còn mang lại vẽ mỹ quan cho các cơ sở buôn bán xăng dầu. Để thực hiện, nhóm tiến hành thu gom các vật liệu có sẵn tại địa phương như xơ dừa khô, lục bình {bèo tây, bèo Nhật Bản) khô và vỏ tràm. Sau một thời gian thực hiện, nhóm thực hiện đề tài phát hiện vỏ tràm có thể giúp ngăn chặn ô nhiễm xăng dầu.

Em Nguyễn Thanh Liêm giải thích: “Với đặc tính “háo dầu” của vỏ cây tràm, nhóm đã tạo ra mô hình thu gom xăng dầu từ các “tấm thảm vỏ tràm” vừa mang lại mỹ quan vừa thu gom dầu rơi vãi một cách hiệu quả trên 97%, bước đầu được sự ủng hộ rất cao từ các điểm bán xăng dầu và sửa chữa máy móc trong khu vực và đang được sự quan tâm của mọi người. Đặc biệt các thảm vỏ tràm sau khi thu – giữ dầu loang được phơi khô và ủ hoai có thể trồng cây. Vì vậy, chúng em đã đặt tên cho đề tài là THU - GIỮ DẦU LOANG BẰNG THẢM VỎ TRÀM”.       

Theo thầy Hải, cây Tràm lá dài (Tràm ngập nước) có tên khoa học Melaleuca cajuputi là loài cây phát triển nhanh, chịu được đất phèn và đất mặn ngập nước tại các vùng nhiệt đới thấp. Những vùng ngập nước hình thành nên các rễ tràm tự sinh trong khu vực. Loài Tràm này có khả năng tái sinh chồi, gỗ dùng để làm cọc cừ trong các công trình xây dựng, đóng đồ dùng, đốt than, lá cung cấp tinh dầu làm dược liệu… Vỏ tràm khô có khả năng giữ nước thấp nhất và có khả năng hút dầu rất tốt.

Trong môi trường có cả nước và dầu, vỏ tràm có khả năng hút dầu rất cao. Các thảm vỏ tràm có tính năng thu gom dầu rất tốt vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao vừa không gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt là bảo vệ nguồn nước đang trên đà bị ô nhiễm. Với những tính năng của vỏ tràm có thể đan thành những chuỗi dài có khả năng thu gom tràn dầu trong diện tích rộng hơn.

Xuân Lương